Làm thế nào để bắt bài người đang nói dối?

Tâm lý - 11/24/2024

Làm sao để biết một người có đang nói dối không? Chỉ cần dựa trên những mẹo nhỏ sau, bất kỳ ai cũng có thể bắt bài người đang nói dối mình.

Bằng cách quan sát những dấu hiệu xuất phát từ nhận thức và tiềm thức ở một người, chúng ta có thể biết được liệu người đó có đang thêu dệt nên câu chuyện họ đang nói hay không. Chỉ cần dựa trên những mẹo nhỏ sau, bất kỳ ai cũng có thể bắt bài những kẻ đang nói dối mình.

Cụ thể hơn, nếu bạn muốn xác định một người có đang nói dối với mình hay không, hãy chú ý đến những dấu hiệu về thể chất, dấu hiệu về âm thanh và cảm xúc khi người đó nói chuyện.

Một doanh nhân thành đạt hoạt động trong lĩnh vực môi giới và có khả năng phát hiện các mánh khóe lừa đảo một cách chuyên nghiệp đã kể lại trải nghiệm của mình. Khi một nhân chứng trong một vụ nổ súng ngồi trước mặt ông ấy và cố gắng biện minh rằng khi nghe thấy tiếng súng, cô ta không nhìn mà chỉ chạy thôi, lúc ấy ông biết cô này đang nói dối.

Vậy bằng cách nào ông ấy có thể đưa ra kết luận như vậy? Nhờ quan sát những dấu hiệu thường thấy ở một người không trung thực, chẳng hạn như sự không nhất quán giữa các câu nói, những hành vi khác lạ hay những lời giải thích dông dài để cố biện minh cho lời nói của mình. Nghe có vẻ khá phức tạp vậy thôi, nhưng bạn đừng lo bởi chỉ cần dựa trên những mẹo nhỏ sau, bất kỳ ai cũng có thể bắt bài những kẻ đang nói dối mình. Hãy cũng Hello Bacsi tìm hiểu đó là những mẹo gì nhé!

Sự mâu thuẫn trong lời nói

Doanh nhân trong câu chuyện kể trên − người đã hành nghề môi giới trong 30 năm và đã từng là một cảnh sát trong 5 năm − nói rằng, khi bạn muốn biết một người có đang nói dối hay không, hãy chú ý đến sự mâu thuẫn qua lời nói của họ bởi chắc chắn sẽ có điều vô lý. Quay trở lại trường hợp của nhân chứng trong câu chuyện của mình, ông nói: “Cô ấy nghe thấy tiếng súng nhưng lại không nhìn ư? Rõ ràng điều đó hoàn toàn mâu thuẫn với phản ứng tự nhiên của một người khi gặp phải tình huống tương tự”. Vì vậy, khi cô này không chú ý, ông đã đập bàn thật mạnh để tạo ra âm thanh thật lớn. Ngay lập tức cô ấy giật bắn người nhìn ông.

Theo đó, ông rút ra kết luận: “Khi nghe thấy một tiếng động nào đó, người ta sẽ hướng tầm nhìn về phía âm thanh ấy, đó là một phản xạ tự nhiên” và chắc chắn nhân chứng này khi nghe tiếng súng đã ngoảnh lại, nhìn thấy tay súng và rồi bỏ chạy. Bạn thấy đấy, nếu phân tích kỹ chúng ta sẽ tìm thấy được sự mâu thuẫn trong lời nói, từ đó phát hiện một người có đang nói dối hay không.

Đặt những câu hỏi bất ngờ

Thay vì bị cuốn theo dòng suy nghĩ của người đối diện, bạn có thể bất ngờ đặt những câu hỏi mà người đó có thể chưa chuẩn bị trước.

Nếu ai đó nói với bạn rằng họ đã đánh mất ví tiền của bạn và bạn nghĩ rằng họ đang nói dối, trong khi người đó đang giải thích một cách rất rõ ràng mạch lạc với bạn thì bạn hãy đặt một câu hỏi bất ngờ không liên quan đến những gì người đó đang cố giải thích. Nếu bạn nhận được câu trả lời nhanh chóng và mạch lạc thì có thể người đó không nói dối bạn, nhưng nếu ngược lại, người đối diện bỗng trở nên ấp úng, lúng túng thì có khả năng họ đang nói dối như bạn dự đoán.

Theo dõi biểu hiện

Nếu bạn nghi ngờ một người đang nói dối, hãy để ý, khi nói dối thông thường người ta sẽ vừa trả lời “đúng” vừa lắc đầu và ngược lại vừa gật đầu vừa nói “không”. Theo quy tắc, khi cử chỉ và lời nói không ăn khớp với nhau hay biểu hiện và lời nói trái ngược nhau, chắc chắn người đó đang nói dối.

Bạn cũng có thể chú ý đến nụ cười để biết được người đó đang nói dối hay không. Nụ cười thật và nụ cười giả rất khác nhau. Thông thường chúng ta cười bằng mắt và cả khuôn mặt một cách thoải mái, nhưng khi đang nói dối, người ta trở nên căng thẳng khiến nụ cười trở nên gượng ép. Hơn nữa, mọi cảm xúc vui, buồn, giận dữ, hạnh phúc,… đều biểu hiện qua ánh mắt, do vậy nếu nhìn vào mắt, chúng ta có thể biết được liệu một người có đang nói thật hay không. Một người khi nói dối rất khó để nhìn thẳng vào mắt người đối diện, vì vậy nếu một người liên tục né tránh ánh nhìn của bạn, có khả năng là họ đang nói dối đấy!

Cảm giác bất an

Theo một nhà tâm lý học, khi một người có những phản ứng khác lạ so với ngày thường như bồn chồn, đổ mồ hôi, luôn trong tư thế cảnh giác, mặt đỏ lên hay nhìn chằm chằm vào người đối diện, có khả năng là người đó đang nói dối.

Quá nhiều chi tiết

Khi một người cung cấp quá nhiều chi tiết trong câu trả lời có nghĩa là họ đã chuẩn bị trước cách ứng phó khi bị hỏi tới, họ suy diễn những gì định nói và luyện tập nó trong đầu. Đến khi bị hỏi tới, mọi thứ sẽ tuôn ra như dự định mà họ cho rằng đó là giải pháp.

Ví dụ như, khi bạn hỏi một ai đó rằng họ đi đâu quá lâu. Nếu đó là người nói dối, thay vì trả lời dứt khoát địa điểm mà đến thì họ lại dễ sa vào kể lể dài dòng như: “Tôi đến cửa hàng tạp hóa gần đây vì tôi cần mua trứng, sữa, đường, sau đó tôi gặp phải một con chó dữ nên tôi phải đi chậm lại…”. Họ sẽ giải thích vô cùng dông dài và đề cập đến những chi tiết bạn không hỏi đến.

Cuộc sống ngày càng phức tạp, nếu trang bị cho mình những kỹ năng giúp phân biệt lời thật lòng và lời giả dối sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà chúng ta trở nên đa nghi và luôn cảnh giác với mọi người xung quanh, vì những mối quan hệ được vun trồng và nuôi dưỡng từ sự tin tưởng.

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • Bạn có đang nói dối 7 điều này với bác sĩ?
  • 8 cách đơn giản giúp hạn chế đổ mồ hôi quá nhiều
  • 6 dấu hiệu cho thấy trẻ đang mắc bệnh tâm thần

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!