Hội chứng Galactorrhea: Ngực tiết sữa dù không mang thai

Sức khỏe phụ nữ - 11/24/2024

Theo thống kê, có khoảng 1 – 4% phụ nữ mắc phải hội chứng Galactorrhea (hội chứng đa tiết sữa) và 33% trong số đó có ít nhất một lần sinh con.

Theo thống kê, có khoảng 1 – 4% phụ nữ mắc phải hội chứng Galactorrhea và 33% trong số đó có ít nhất một lần sinh con.

Thông thường, phụ nữ chỉ tiết sữa khi đang nuôi con hoặc cuối giai đoạn mang thai. Tuy nhiên, nếu bạn không mang thai và không trong thời gian cho con bú mà núm vú vẫn tiết dịch màu trắng, có vị ngọt giống như sữa thì có thể bạn đã mắc phải hội chứng Galactorrhea. Nếu bạn đang có băn khoăn về hội chứng này, hãy cùng Hello Bacsi theo dõi tiếp những chia sẻ dưới đây để hiểu thêm về nó nhé.

Hội chứng Galactorrhea là gì?

Hội chứng Galactorrhea (hay còn gọi là hội chứng đa tiết sữa) là sự tiết sữa bất thường ở tuyến vú. Khi mắc phải hội chứng này, vú sẽ tiết ra một chất lỏng giống như sữa non dù bạn không mang thai hoặc cho con bú. Tình trạng này hoàn toàn khác với việc vú xuất hiện dịch mủ do viêm hoặc nhiễm trùng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có thể là do bạn đang mắc phải một căn bệnh nào đó hoặc do bạn đang dùng một số loại thuốc gây ra tác dụng phụ này.

Nguyên nhân gây ra hội chứng Galactorrhea

Vú tiết sữa khi không mang thai có thể là do nhiều nguyên nhân. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến:

1. Thuốc

Một số loại thuốc mà bạn đang dùng có thể kích thích tuyến vú, dẫn đến tình trạng vú sản xuất sữa mẹ dù không mang thai. Những loại thuốc gây ra triệu chứng này thường từ thuốc tránh thai, thuốc chống trầm cảm cho đến thuốc an thần.

2. Suy giáp

Khi tuyến giáp không sản xuất đủ hormone cho cơ thể, nó có thể làm giải phóng một lượng lớn prolactin, một hormone có thể kích thích cơ thể tạo ra một lượng lớn sữa.

3. Khối u

Xuất hiện khối u trong tuyến yên có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng vú tiết sữa mẹ dù không mang thai. Khối u này có thể khiến cơ thể sản xuất quá nhiều hormone prolactin, gây ra tình trạng tiết sữa bất thường.

4. Tổn thương thần kinh

Tổn thương thần kinh ở vùng ngực có thể là nguyên nhân gây ra sự tiết sữa bất thường. Bạn có thể rơi vào trường hợp này nếu mắc bệnh zona, phẫu thuật ngực hoặc bị bỏng ở vùng ngực.

5. Bệnh thận mãn tính

Thận có chức năng lọc lượng prolactin dư thừa trong máu. Thận không hoạt động bình thường có thể dẫn đến việc ngực tiết sữa bất thường.

6. Chấn thương tủy sống

Đôi khi, chấn thương tủy sống nghiêm trọng có thể kích thích các tuyến nội tiết của cơ thể, gây ra tình trạng tiết sữa mẹ dù không cho con bú.

7. Thảo dược

Việc sử dụng các loại thảo dược như thì là, hồ đào… có thể kích thích cơ thể sản xuất prolactin, làm ngực tiết sữa dù không mang thai.

8. Sảy thai

Sau khi sảy thai, cơ thể bạn có thể bắt đầu tiết sữa do sự thay đổi và mất cân bằng nội tiết xảy ra trong thời gian mang thai.

Hội chứng Galactorrhea: Ngực tiết sữa dù không mang thai

Triệu chứng của hội chứng Galactorrhea

Các triệu chứng của hội chứng Galactorrhea rất dễ khiến bạn hiểu lầm mình bị viêm vú hoặc nhiễm trùng ngực.

  • Triệu chứng phổ biến nhất của hội chứng Galactorrhea là ngực sẽ bắt đầu sản xuất sữa dù bạn không mang thai.
  • Mô vú trở nên to ra
  • Kinh nguyệt không đều hoặc không có kinh nguyệt
  • Giảm ham muốn tình dục
  • Mụn trứng cá
  • Buồn nôn
  • Tóc mọc bất thường
  • Vấn đề về thị lực
  • Nhức đầu

Chẩn đoán hội chứng Galactorrhea

Nếu bạn nghi ngờ mình đang mắc phải hội chứng Galactorrhea, bạn nên đi khám ngay để được bác sĩ chẩn đoán chính xác và có hướng điều trị kịp thời. Để chẩn đoán, bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện các xét nghiệm sau:

1. Khám sức khỏe

Đầu tiên, bạn cần làm một bài kiểm sức khỏe tổng quát để xác định tình trạng đang gặp phải. Bác sĩ sẽ kiểm tra xem xung quanh vùng ngực có khối u nào phát triển bất thường hay không bởi đây có thể là nguyên nhân khiến ngực bạn tiết sữa dù không mang thai. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể lấy một mẫu dịch tiết ra từ vú để xét nghiệm thêm.

2. Chụp X-quang tuyến vú

Chụp X-quang tuyến vú là một xét nghiệm đơn giản để kiểm tra xem có khối u nào phát triển bất thường ở khu vực xung quanh vú hay không. Việc chụp X- quang tuyến vú cũng giống như chụp X-quang bình thường nhưng được dùng chủ yếu cho vùng ngực.

3. Xét nghiệm máu

Bác sĩ cũng có thể lấy một mẫu máu của bạn để kiểm tra. Nếu nồng độ hormone trong máu có gì đó bất thường, đây có thể là nguyên nhân gây ra hội chứng Galactorrhea.

4. Kiểm tra thai kỳ

Bác sĩ có thể sẽ yêu cầu bạn thực hiện một cuộc khám thai để chắc chắn rằng bạn không mang thai. Nguyên nhân là do mang thai là nguyên nhân phổ biến nhất khiến ngực tiết sữa.

Điều trị hội chứng Galactorrhea như thế nào?

Hội chứng Galactorrhea: Ngực tiết sữa dù không mang thai

Dưới đây là một số biện pháp để điều trị hội chứng Galactorrhea:

1. Điều trị y tế

Không có phương pháp chính xác để điều trị tình trạng này vì việc điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh. Các biện pháp mà bác sĩ chỉ định chủ yếu là để loại bỏ nguyên nhân gây bệnh. Nếu nguyên nhân do bạn có khối u ở tuyến yên, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật. Nếu nguyên nhân là do thuốc, bác sĩ sẽ kê toa cho bạn sử dụng các loại thuốc khác để thay thế hoặc yêu cầu bạn ngưng sử dụng thuốc. Với những trường hợp này, tình trạng ngực tiết sữa bất thường sẽ sớm biến mất và sẽ không có ảnh hưởng nhiều đối với cơ thể.

2. Điều trị tại nhà

Bạn có thể thử áp dụng các biện pháp sau để tránh tình trạng các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn. Bạn nên tránh kích thích ngực bằng mọi cách, kể cả khi quan hệ tình dục. Bạn cũng có thể thử tự kiểm tra các khối u ở vùng vú ít nhất một lần mỗi tháng. Ngoài ra, bạn cũng nên tránh mặc quần áo quá chật bởi tình trạng này có thể khiến núm vú bị kích thích dẫn đến tiết sữa.

Bạn hãy đọc thêm bài viết Cách tự kiểm tra dấu hiệu ung thư vú cho mẹ bầu để biết cách tự kiểm tra vùng vú.

Phòng ngừa hội chứng Galactorrhea

Để phòng tránh nguy cơ mắc phải hội chứng Galactorrhea, bạn có thể thực hiện một số biện pháp sau:

  • Không mặc áo ngực hoặc các loại áo có thể gây kích thích núm vú liên tục
  • Hạn chế kích thích vùng ngực
  • Việc tự kiểm tra ngực chỉ nên thực hiện mỗi tháng một lần
  • Cố gắng giảm bớt căng thẳng
  • Có một lối sống khỏe mạnh với một chế độ ăn giàu dinh dưỡng.

Khi nào bạn nên đi khám?

Nếu nhận thấy ngực liên tục tiết ra chất lỏng giống như sữa đi kèm với các triệu chứng trên, bạn nên đi khám càng sớm càng tốt.

Tình trạng ngực tiết sữa dù không mang thai khá là phổ biến ở nhiều phụ nữ, thậm chí đàn ông và em bé cũng mắc phải tình trạng này. Tùy thuộc vào nguyên nhân sẽ có cách điều trị khác nhau. Để ngăn ngừa, bạn nên duy trì một lối sống lành mạnh và một chế độ ăn giàu dinh dưỡng.

Ngân Phạm/ HELLO BACSI

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • Bà bầu uống trà kombucha: Dùng sao cho tốt?
  • Vạch mặt nguyên nhân gây viêm khớp sau sinh
  • Những triệu chứng ung thư cổ tử cung thường bị bỏ qua

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!