Hội chứng ngủ li bì: Liệu có cách chữa trị?

Sơ cứu & Phòng ngừa - 12/06/2024

Khi mắc hội chứng ngủ li bì, bạn có thể cảm thấy buồn ngủ ngay cả khi không hề bị thiếu ngủ, thậm chí là bạn ngủ rất ngon!

Khi mắc hội chứng ngủ li bì, bạn có thể cảm thấy buồn ngủ ngay cả khi không hề bị thiếu ngủ. Đây là một chứng rối loạn giấc ngủ mà bạn nên tìm cách điều trị sớm để tránh gây ảnh hưởng đến công việc và sinh hoạt hàng ngày.  

Nếu bạn cảm thấy buồn ngủ thường xuyên, không những hiệu suất làm việc bị giảm sút mà sự an toàn cũng không được đảm bảo khi bạn lái xe đi trên đường. Chưa kể, bạn còn bị dán nhãn là người “lười biếng” hay “thiếu tập trung”. Những hậu quả do hội chứng li bì gây ra có thể trở thành nguyên nhân khiến bạn đánh mất đi nhiều cơ hội quý giá để phát triển bản thân. 

Hội chứng ngủ li bì còn có thể khiến bạn mệt mỏi triền miên và không có được cảm giác được nghỉ ngơi đầy đủ. Tuy nhiên, bạn vẫn thể chữa trị để tỉnh táo, sảng khoái và làm việc hiệu quả hơn. Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu về hội chứng buồn ngủ mọi lúc mọi nơi này để bạn có thể tìm cách đẩy lùi càng sớm càng tốt nhé!

Hội chứng ngủ li bì là gì?

Tình trạng đôi khi cảm thấy mình bị thiếu ngủ hoặc mệt mỏi quá mức là bình thường nếu bạn không ngủ đủ. Tuy nhiên, người mắc hội chứng ngủ li bì có thể cảm thấy cần buồn ngay cả khi họ đã ngủ đủ số giờ khuyến nghị và ngủ rất ngon. 

Hội chứng ngủ li bì một trong trong những chứng rối loạn giấc ngủ. Hội chứng này có thể ảnh hưởng đến khả năng học tập, làm việc và thực hiện những hoạt động hằng ngày như lái xe, điều khiển các thiết bị máy móc…

Hội chứng ngủ li bì cũng tương tự như một rối loạn giấc ngủ khác gọi là chứng ngủ rũ vì cả hai hội chứng này đều gây ra những cơn buồn ngủ quá mức.Tuy nhiên, những người mắc chứng ngủ rũ thường có những cơn buồn ngủ đến đột ngột. Tuy nhiên, những cơn buồn ngủ của người mắc hội chứng ngủ li bì lại có xu hướng càng lúc càng tăng dần.

Các dấu hiệu của hội chứng ngủ li bì thường bắt đầu ở độ tuổi khoảng từ 17 đến 24. Theo một bài báo trên tạp chí Tâm lý học (Psychosomatics), độ tuổi khởi phát trung bình là 21,8 tuổi.

Bạn có thể tìm hiểu thêm: Chứng ngủ rũ là gì?

Dấu hiệu của hội chứng ngủ li bì

Hội chứng ngủ li bì: Liệu có cách chữa trị?

Dấu hiệu chính của hội chứng ngủ li bì là tình trạng buồn ngủ quá mức dù người mắc đã ngủ đủ 7 tiếng mỗi đêm. Cơn buồn ngủ quá mức này không phải do một bệnh lý hoặc một thuốc nào đó mà bạn đang sử dụng.

Các triệu chứng khác của hội chứng ngủ li bì có thể bao gồm:

  • Thức dậy khó khăn.
  • Ngủ nhiều lần trong ngày.
  • Liên tục cảm thấy mệt mỏi.
  • Ngủ vào những thời điểm không cố định.
  • Cảm thấy không tỉnh táo hoặc bực bội khi phải dậy.
  • Ngủ hơn 9 tiếng nhưng không cảm thấy mình đã nghỉ ngơi đủ.
  • Chợp mắt khi buồn ngủ nhưng sau khi thức dậy lại không cảm thấy sảng khoái hơn.

Các dấu hiệu của hội chứng ngủ li bì có thể chỉ kéo dài dưới 1 tháng nhưng cũng có thể kéo dài hơn từ 1 – 3 tháng, thậm chí tới hơn 3 tháng.


Nguyên nhân gây hội chứng ngủ li bì

Hội chứng ngủ li bì có thể do sự gia tăng các hóa chất gây buồn ngủ trong não. Một nguyên nhân khác gây hội chứng này có thể là do các hóa chất trong não tương tác với axit y-aminobutyric (GABA), một chất chịu trách nhiệm thúc đẩy giấc ngủ.

Các yếu tố khác khiến bạn dễ mắc hội chứng ngủ li bì là:

  • Căng thẳng.
  • Từng bị nhiễm virus.
  • Uống quá nhiều rượu.
  • Từng bị chấn thương đầu.
  • Có thành viên trong gia đình mắc hội chứng ngủ li bì.
  • Có tiền sử bị trầm cảm, lạm dụng chất gây nghiện, rối loạn lưỡng cực, Alzheimer hoặc Parkinson.

Một số người có thể mắc hội chứng ngủ li bì mà không rõ lý do. Đây được gọi là hội chứng ngủ li bì vô căn và xuất hiện ở khoảng 0,01 – 0,02% dân số.

Cách chẩn đoán hội chứng ngủ li bì

Hội chứng ngủ li bì: Liệu có cách chữa trị?

Đầu tiên, bác sĩ sẽ chẩn đoán hội chứng ngủ li bì bằng cách loại trừ các bệnh lý hoặc thuốc có thể gây buồn ngủ quá mức. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng sẽ đặt câu hỏi liên quan như:

  • Môi trường ngủ của bạn thế nào?
  • Giờ giấc ngủ nghỉ của bạn thế nào?
  • Bạn hiện có đang điều trị bệnh lý nào không?
  • Bạn bắt đầu chú ý tới các dấu hiệu của hội chứng ngủ li bì khi nào?
  • Có tác nhân nào làm cho các dấu hiệu ngủ li bì tồi tệ hơn và có tác nhân nào giúp các dấu hiệu đỡ hơn?

Cách điều trị hội chứng ngủ li bì

Hội chứng ngủ li bì: Liệu có cách chữa trị?

Khi đã chẩn đoán bạn mắc hội chứng ngủ li bì, bác sĩ có thể kê toa một số chất kích thích để giúp bạn cải thiện cơn buồn ngủ như amphetamine, methylphenidate và modafinil. Các loại thuốc khác cũng thường được sử dụng để điều trị hội chứng ngủ li bì có thể kể đến là:

  • Clonidine
  • Levodopa
  • Bromocriptine
  • Thuốc chống trầm cảm
  • Chất ức chế monoamin oxydase (MAOI)

Ngoài thuốc điều trị hội chứng ngủ li bì, bác sĩ có thể khuyên bạn nên thay đổi thói quen ngủ nghỉ như sau:

– Hạn chế đồ uống có cồn.

– Tránh các chất kích thích như caffeine và nicotine trước giờ ngủ.

– Tránh các thực phẩm có thể gây ợ nóng hoặc ảnh hưởng đến tiêu hóa như các loại thức ăn giàu chất béo, đồ chiên, thức ăn cay, trái cây có múi và đồ uống có ga.

– Tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên nhiều hơn vào ban ngày và giữ phòng tối hơn vào ban đêm.

– Thiết lập một thói quen trước khi đi ngủ như đi tắm hoặc đọc sách để thư giãn và báo hiệu cho cơ thể biết đã tới giờ ngủ.

– Thay đổi môi trường ngủ cho thoải mái hơn bằng cách giữ nhiệt độ trong phòng vào khoảng 20 độ C, chọn nệm thoải mái, tránh ánh sáng nhân tạo từ di động và máy tính…

Bạn cũng có thể gặp bác sĩ tâm lý để được tư vấn và thử liệu pháp nhận thức hành vi để thay đổi thói quen ngủ cũng như học cách giảm căng thẳng.

Nếu kiên trì áp dụng các cách điều trị, bạn sẽ sớm cải thiện và đẩy lùi hội chứng ngủ li bì. Bạn chỉ cần chăm sóc cho giấc ngủ và dùng thuốc theo chỉ định bác sĩ là có thể cải thiện sự mệt mỏi, thiếu tỉnh táo và lơ mơ hội chứng ngủ li bì gây ra. Khi đã có cảm giác nghỉ ngơi thoải mái, bạn sẽ làm việc và học tập năng suất hơn rất nhiều đấy!

Như Vũ | HELLO BACSI

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • Tầm quan trọng của giấc ngủ đối với suy nghĩ và trí nhớ
  • Giấc ngủ trưa: Bí quyết giúp bạn tràn đầy sức sống cả ngày dài!
  • Những điều bạn cần biết về rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!