Hôi miệng có phải là bệnh?

Chăm sóc răng miệng - 04/27/2024

Hôi miệng sẽ không thể làm phiền bạn nữa với các chia sẻ từ Hello Bacsi về triệu chứng, cách điều trị tại nhà và 8 phương pháp phòng ngừa hôi miệng hiệu quả.

Chứng hôi miệng hay hơi thở có mùi đều gây khó chịu và khiến bạn cảm thấy thiếu tự tin trong giao tiếp. Hôi miệng có thể là biểu hiện của tình trạng sức khỏe không tốt và bị gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Do đó, nếu bạn cảm thấy hơi thở của mình có vẻ nặng mùi, hãy đến gặp nha sĩ ngay để được xác định nguyên nhân chính xác và tư vấn phương pháp điều trị tốt nhất.

Dấu hiệu và triệu chứng của hôi miệng là gì?

Hãy hỏi một người bạn thân hoặc người thân/họ hàng để biết bạn có bị hôi miệng hay không, bởi rất khó để có thể đánh giá được hơi thở có mùi là như thế nào. Do đó, có người bị hôi miệng trầm trọng mà không hề hay biết. Lại có những người lo lắng quá nhiều về hơi thở của họ, thậm chí khi miệng không bị hôi hoặc chỉ bị một chút.

Có thể có các biểu hiện và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các triệu chứng bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc nha sĩ.

Bạn nên làm gì khi bị hôi miệng?

Nhiều trường hợp hôi miệng có thể tự điều trị tại nhà bằng những phương pháp sau:

  • Giữ vệ sinh răng miệng thật tốt bằng cách đánh răng và làm sạch lưỡi của bạn ít nhất hai lần một ngày và dùng chỉ nha khoa cho răng ít nhất một lần một ngày;
  • Tránh sử dụng các sản phẩm từ thuốc lá;
  • Tránh các thực phẩm có mùi cay nồng như hành, tỏi, cà phê;
  • Không uống rượu;
  • Ăn rau mùi tây và bạc hà để tạm thời át mùi hôi.

Khi nào bạn cần gặp nha sĩ hoặc bác sĩ?

Nếu hơi thở của bạn có mùi bạn chưa cần đến nha sĩ vội. Hãy xem lại các thói quen vệ sinh răng miệng của bạn tại nhà. Thử thay đổi lối sống, chẳng hạn như đánh răng và lưỡi của bạn sau khi ăn, sử dụng chỉ nha khoa và uống nhiều nước.

Nếu tình trạng hôi miệng vẫn không thuyên giảm sau khi bạn đã thay đổi các thói quen trên, hãy đến gặp nha sĩ. Nếu nha sĩ nghi ngờ hôi miệng ở bạn có thể do một tình trạng bệnh lý nào đó nghiêm trọng hơn gây ra, nha sĩ sẽ giới thiệu bạn đến một bác sĩ chuyên môn để tìm ra nguyên nhân gây mùi hôi.

Bạn có thể phòng ngừa hôi miệng như thế nào?

Để làm giảm và ngăn ngừa hôi miệng, bạn nên:

  • Đánh răng sau khi ăn. Sử dụng kem đánh răng có fluor ít nhất hai lần một ngày, đặc biệt là sau bữa ăn. Kem đánh răng có tính chất kháng khuẩn đã được chứng minh có thể làm giảm mùi hôi miệng.
  • Dùng chỉ nha khoa ít nhất một lần một ngày. Dùng chỉ nha khoa thay vì tăm để loại bỏ các mẩu thức ăn và mảng bám giữa các kẽ răng của bạn sẽ giúp bạn kiểm soát hơi thở.
  • Chải lưỡi. Lưỡi của bạn có thể có mảng bám tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, vì vậy việc chải lưỡi cẩn thận có thể giúp giảm mùi hôi. Nếu lưỡi bạn đóng bợn trắng, có thể có một lượng lớn vi khuẩn đang phát triển trên lưỡi của bạn (do hút thuốc lá hoặc khô miệng), bạn có thể dùng đồ cạo lưỡi để làm sạch lưỡi. Hoặc sử dụng bàn chải đánh răng có bề mặt chải lưỡi.
  • Làm sạch răng giả của bạn hoặc các thiết bị nha khoa trên răng. Nếu bạn đang dùng cầu răng sứ hoặc bạn dùng răng giả, hãy làm sạch răng kĩ ít nhất một lần một ngày hoặc theo hướng dẫn của nha sĩ. Nếu bạn dùng miếng bọc răng hoặc miếng bảo vệ răng, hãy rửa sạch chúng mỗi khi bạn đặt nó vào miệng. Nha sĩ sẽ tư vấn cho bạn cách làm sạch phù hợp.
  • Tránh khô miệng. Để giữ miệng luôn có độ ẩm, tránh hút thuốc lá và nên uống nhiều nước – không nên uống cà phê, nước giải khát hoặc rượu, điều này có thể khiến miệng bạn khô hơn. Nhai kẹo cao su hoặc ngậm kẹo – tốt nhất là dùng loại không đường – để kích thích nước bọt. Nếu bạn bị khô miệng mãn tính, nha sĩ hoặc bác sĩ có thể kê cho bạn các loại thuốc kích thích tạo nước bọt hoặc thuốc tạo nước bọt nhân tạo.
  • Điều chỉnh chế độ ăn uống của bạn. Tránh thức ăn và đồ uống có thể gây hôi miệng. Hạn chế các loại thực phẩm có đường và dễ dính răng.
  • Thường xuyên thay bàn chải đánh răng mới. Thay đổi bàn chải đánh răng của bạn khi nó bị sờn, mỗi 3 – 4 tháng thay một lần và nên chọn loại bàn chải có lông mịn.
  • Khám nha khoa thường xuyên. Bạn nên khám nha khoa thường xuyên (một lần hoặc hai lần một năm) để nha sĩ kiểm tra và lấy vôi răng, làm sạch khoang miệng.

Nếu có bất kỳ thắc mắc hay đề nghị nào, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên viên y tế để được có giải đáp tốt nhất.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!