Dự hội thảo có bác sỹ Mai Xuân Phương - Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Giáo dục cùng với các chuyên viên của Tổng cục Dân số, Bộ Y tế. Về phía địa phương có lãnh đạo UBMTTQ, Sở Y tế, Chi cục dân số cùng với 200 các trưởng, phó phòng Trung tâm y tế thuộc 27 huyện, thị, thành phố và đồng bào công giáo đại diện cho công giáo của tỉnh Thanh Hóa.
'Hội thảo cung cấp thông tin về MCBGTKS cho đồng bào Công giáo tại tỉnh Thanh Hóa ' với chủ đề 'Thúc đẩy bình đẳng giới góp phần giảm thiểu MCBGTKS' nhằm hướng tới mục tiêu quyền con người để xóa bỏ bất bình đẳng giới, đảm bảo nhân phẩm và các quyền con người của mỗi cá nhân, phụ nữ, trẻ em, kêu gọi nỗ lực hơn nữa từ Chính phủ, các cơ quan, cộng đồng cùng chung tay để chấm dứt hiện tượng MCBGTKS để phụ nữ và các em gái ở tất cả mọi nơi trên đất nước nói chung và trong đồng bào Công giáo nói riêng đều có thể nhận được cơ hội như nhau về chăm sóc và giáo dục để phát triển toàn diện.
200 đại biểu về dự hội thảo
Mất cân bằng giới tính đang là mối quan ngại ngày càng lớn tại các quốc gia châu Á nơi có tới hàng triệu phụ nữ và trẻ em gái được báo cáo 'mất tích' trong những năm qua. Tại Việt Nam, MCBGTKS đã tăng cao trong những năm gần đây; Tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam đã bước vào mức cao (năm 2019 là 111,5) và sẽ còn tiếp tục gia tăng trong thời gian tới ngày càng lan rộng, tính chất hết sức nghiêm trọng. TSGTKS tăng ở cả thành thị, nông thôn.
Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, Việt Nam sẽ dư thừa 1,38 triệu đàn ông vào năm 2026 và nếu không có can thiệp kịp thời để chặn đứng sự gia tăng MCBGTKS đến năm 2050, tại Việt Nam tùy theo tình hình can thiệp dự báo sẽ chênh lệch giữa số lượng nam và nữ từ 2,3 đến 4,3 triệu người. Theo số liệu báo cáo của các tỉnh, thành phố có tỷ số giới tính khi sinh lớn hơn 107nam/100 nữ là 55/63 tỉnh, thành, phố (năm 2019).
Thanh Hóa là 1 trong những tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh cao trong cả nước (115 bé trai/100 bé gái năm 2019). Thực trạng MCBGTKS của Thanh Hóa là một thách thức lớn đối với ngành y tế nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung. Tình trạng này không chỉ diễn ra ở thành thị và còn diễn ra cả nông thôn, các huyện miền núi và ven biển.
Ông Mai Xuân Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Giáo dục Tổng cục Dân số, Bộ Y tế cung cấp những nội dung trọng tâm về công tác dân số MCBGTKS.
MCBGTKS sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới cấu trúc dân số Việt Nam trong tương lai dẫn tới việc dư thừa nam giới trong xã hội. Tình trạng 'nam thừa, nữ thiếu' sẽ làm cho rất nhiều nam giới khó khăn trong việc tìm bạn đời. Mất cân bằng giới tính có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và ảnh hưởng tới cuộc sống của phụ nữ, nam giới, gia đình và cộng đồng.
MCBGTKS chủ yếu do việc lựa chọn giới tính thai nhi, định kiến giới, ưa thích con trai. Thái độ xem thường giá trị của phụ nữ đã ăn sâu bám rễ trong các quan niệm văn hóa, tư tưởng truyền thống lâu đời đã tạo nên áp lực nặng nề đối với phụ nữ về việc phải sinh được con trai và ảnh hưởng tới vị thế kinh tế, xã hội, đời sống sinh sản và tình dục của người phụ nữ.
Do đó, giải pháp của vấn đề là cần được giải quyết trong bối cảnh rộng lớn của phát triển kinh tế, xã hội và quyền con người để xóa bỏ bất bình đẳng giới, đảm bảo nhân phẩm và các quyền con người của mỗi cá nhân, phụ nữ, trẻ em. Khi mà phụ nữ và các em gái được tiếp cận với chăm sóc y tế, giáo dục, cơ hội việc làm một cách bình đẳng như nam giới, thì họ sẽ có thể phát triển tốt và làm được những gì mà nam giới và trẻ em trai được mong đợi cần phải làm, thậm chí họ có thể làm tốt hơn.
Tại Hội thảo, bác sỹ Mai Xuân Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Giáo dục Tổng cục Dân số, Bộ Y tế cung cấp thông tin những vấn đề trọng tâm về công tác Dân số trong tình hình mới, về thực trạng, nguyên nhân, hệ lụy, giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng MCBGTKS tại Việt Nam và Thanh Hóa. Một số các quy định cấm của Nhà nước trong vấn đề lựa chọn giới tính thai nhi. Đồng thời thông tin về thực trạng công tác truyền thông và các giải pháp truyền thông về MCBGTKS cho đồng bào công giáo...
Ông Nguyễn Bá Cẩn - Phó Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa phát biểu tại hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Bá Cẩn - Phó Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa đề nghị sự quan tâm, hỗ trợ vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành và các tổ chức đoàn thể từ trung ương tới cơ sở, mọi tầng lớp nhân dân đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi trong triển khai thực hiện Chiến lược Quốc gia về Dân số Việt Nam đến năm 2030, Chương trình hành động quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2020–2030; nhằm can thiệp một cách có hiệu quả, góp phần kiểm soát và giảm thiểu tình trạng MCBGTKS trong thời gian tới. Đồng thời, đẩy mạnh việc thực thi nghiêm minh pháp luật về giải quyết MCBGTKS, nghiêm cấm xác định giới tính trước khi sinh tại các cơ sở y tế và tại cộng đồng.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!