Thanh Hoá: Dự kiến đến năm 2025 tỷ số giới tính khi sinh được khống chế

Thời sự - 11/28/2024

Công tác DS-KHHGĐ của Thanh Hóa thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng: Tốc độ gia tăng dân số từng bước được khống chế; quy mô gia đình 2 con cơ bản được xã hội chấp nhận, chất lượng dân số từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, do sự ưa thích sinh con trai đó ăn sâu vào tiềm thức của một bộ phận người dân nên tỉ số giới tính khi sinh trên địa bàn vẫn ở mức cao.

Thanh Hóa là tỉnh có quy mô dân số lớn, cơ cấu dân số thuộc loại cơ cấu dân số trẻ, tiềm năng sinh sản lớn. Những năm gần đây, sự phát triển kinh tế của tỉnh đã thay đổi đáng kể, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện.

Các loại dịch vụ phục vụ con người gia tăng, trong đó dịch vụ y tế ngày càng phát triển. Các phòng khám tư nhân liên tục mở rộng, đặc biệt là dịch vụ siêu âm chăm sóc sức khoẻ - bên cạnh việc giúp phát hiện bệnh lý phục vụ cho chăm sóc sức khoẻ, nó cũng phần nào làm tăng nguy cơ về các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi đối với những cặp vợ chồng mong muốn sinh con trai. Đây cũng là một trong những nguyên nhân góp phần dẫn đến tăng tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS) trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá.

Qua các năm thực hiện đề án kiểm soát, giảm thiểu tỷ số giới tính khi sinh, TSGTKS ở Thanh Hoá có giảm nhưng không ổn định, vẫn ở mức cao so với toàn quốc. Thông qua nhiều hoạt động can thiệp, đề án bước đầu đã mang lại những hiệu quả thiết thực trong việc cung cấp thông tin kiến thức cơ bản về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) .

Thanh Hoá: Dự kiến đến năm 2025 tỷ số giới tính khi sinh được khống chế

Cùng với những giải pháp quyết liệt, đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, Thanh Hóa dự kiến đến năm 2025 sẽ khống chế được tỷ số giới tính khi sinh

Công tác truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với công tác kiểm soát TSGTKS được chú trọng, đẩy mạnh: thực hiện các hoạt động truyền thông vận động cho lãnh đạo, chính quyền, người có uy tín trong cộng đồng; Xây dựng các phóng sự, bài phát thanh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; Tổ chức các hội nghị và nói chuyện chuyên đề về MCBGTKS cho gia đình, nam nữ thanh niên chuẩn bị kết hôn và những người cung cấp dịch vụ có liên quan đến giới tính thai nhi.

Trong đó, giai đoạn 2016-2019, Thanh Hoá đã nhân bản hơn 200.000 tờ rơi cấp cho đối tượng là thanh niên chuẩn bị kết hôn, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ với nội dung xoay quanh kiến thức về GTKS; 6.200 cuốn tài liệu hỏi đáp vềMCBGTKS cấp cho cán bộ dân số huyện, xã và cộng tác viên dân số với nội dung chủ yếu: Kiến thức về MCBGTKS, các quy định nghiêm cấm lựa chọn giới tính khi sinh, các văn bản quy định mới nhất về xử phạt vi phạm hành chính về lựa chọn giới tính khi sinh; Tổ chức các cuộc nói chuyện chuyên đề về nguyên nhân, hệ lụy của MCBGTKS...

Theo số liệu thống kê dân số hằng năm, TSGTKS năm 2016 ở Thanh Hoá là 115,2; năm 2017 là 115,4; năm 2018: 116; năm 2019 là 115. Giai đoạn 2016-2019, tốc độ tăng TSGTKS đạt chỉ tiêu đề ra.

Tuy đạt được những kết quả khả quan, song công tác DS-KHHGĐ tại Thanh Hóa vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Kết quả giảm sinh chưa bảo đảm được tính bền vững, tỷ suất sinh còn chênh lệch giữa các vùng, miền: Vùng ven biển, vùng đồng bào công giáo mức sinh còn cao (17-18%0) tiềm ẩn nhiều nguy cơ tăng sinh trở lại; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên có chiều hướng gia tăng; TSGTKS đang ở nhóm cao trong cả nước… Mặc dù đã có nhiều cố gắng bằng các hoạt động can thiệp song TSGTKS vẫn còn ở mức cao, dự kiến phải đến năm 2025 tỷ số này mới có thể được khống chế.

Ông Nguyễn Đình Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Thanh Hóa cho biết: 'Được sự quan tâm từ Trung ương đến địa phương, công tác tuyên truyền, vận động xã hội, phối hợp liên ngành được đẩy mạnh, đạt hiệu quả. Đặc biệt là nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân được nâng lên rõ rệt. Nhận thức của cộng đồng về MCBGTKS bắt đầu được nâng lên, người dân đã phần nào nhận thức được tình trạng MCBGTKS hiện nay và hậu quả trong tương lai'.

Tuy nhiên, tình trạng ưa thích con trai đã ăn sâu vào tâm lý của nhiều người Việt, để thay đổi được tâm lý này có thể nói là một cuộc đấu tranh khó khăn, phức tạp, lâu dài đòi hỏi chúng ta phải kiên trì, bền bỉ thực hiện nhiều biện pháp can thiệp vào từng nhóm nguyên nhân, góp phần giảm thiểu MCBGTKS. Tăng cường cung cấp thông tin về giới và MCBGTKS cho người dân, trước hết là các cặp vợ chồng sẽ sinh con, những người cung cấp dịch vụ siêu âm, nạo phá thai, ... những người có uy tín trong cộng đồng nhằm hạn chế các hành vi không phù hợp với việc sinh đẻ theo quy luật tự nhiên.

Theo ông Tuấn, để giảm thiểu được tình trạng MCBGTKS, thời gian tới Thanh Hoá sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm cấm việc lựa chọn giới tính thai nhi và các hành vi liên quan; kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng các phương pháp, kỹ thuật giúp tạo giới tính thai nhi, chẩn đoán giới tính thai nhi; xử lý nghiêm minh các vi phạm về chính sách DS-KHHGĐ.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!