Bé gái 11 tuổi tự tử vì nghĩ bố mẹ không thương mình
Khi thể hiện tình cảm thiên lệch giữa những đứa con, chẳng ông bố, bà mẹ nào nghĩ đến những kết cục đau lòng ấy. Để rồi khi hậu quả đau lòng xảy ra, họ có hối hận thì cũng đã muộn. Câu chuyện về một bé gái 11 tuổi uống thuốc tự tử vì nghĩ bố mẹ thương em trai hơn mình khiến chúng ta phải suy nghĩ.
Bé tên L.Q (11 tuổi, sống tại Tiền Giang). Tại bệnh viện, nhân viên y tế phải tra tên thuốc dựa theo gợi nhớ của gia đình và thực hiện các xét nghiệm định tính máu và nước tiểu. Các bác sĩ xác định dạng thuốc ngủ có hoạt chất từ Phenobarbital, thuốc ức chế thần kinh và chống co giật thường gặp. Nhóm thuốc này khi uống vào lúc đói, uống quá liều sẽ gây biến chứng của tình trạng ngủ, như ức chế tim, gây ức chế thần kinh trung ương, gây xoắn đỉnh, thông thường chỉ khoảng 30 phút là đi vào giấc ngủ.
Ngay sau khi xác định dạng thuốc ngủ, các bác sĩ đã tiến hành giải độc, đồng thời thực hiện xét nghiệm định tính nồng độ thuốc. Nhờ sự tận tình cứu chữa của các bác sĩ, bé Q đã may mắn thoát khỏi lưỡi hái của tử thần.
Theo các bác sĩ bệnh viện Nhi đồng TPHCM cho biết, bệnh viện từng tiếp nhận nhiều trường hợp vị thành niên tìm đến cái chết được cứu sống. Các em bị áp lực học đường, bất mãn gia đình, phân bì tình cảm anh em, tâm tư tuổi mới lớn không ổn định, áp lực cuộc sống dẫn đến trầm cảm, ức chế. Để tránh việc con nhỏ suy nghĩ quẩn, phụ huynh cần quan tâm đến tâm tư, tình cảm của con nhiều hơn.
Được biết, lý do khiến bé tử tự vì nghĩ cha mẹ hết thương mình nên bé đã lấy tiền tiêu vặt ra mua thuốc ngủ giá 70.000 đồng với lý do mua cho bố mẹ.
Bé Q tươi tỉnh sau khi được các bác sĩ cứu sống ảnh ( BVCC)
Một câu chuyện thiên vị tình cảm khác của các ông bố, bà mẹ cũng khiến chúng ta phải suy ngẫm. Theo đó, nữ sinh 17 tuổi ở thành phố Lạc Dương (tỉnh Hà Nam, Trung Quốc) bị mẹ mắng vì ăn một miếng bánh của em trai khiến em nảy sinh lòng hận thù. Cô bé này đã dắt em gái 10 tuổi đến một hồ nước gần nhà và nhảy xuống. Trong thư tuyệt mệnh cô bé để lại có viết: 'Bọn con vĩnh viễn đi xa rồi, sau này mẹ hãy trông cậy vào con trai của mẹ nhé'. Không ít cư dân mạng đã cảm thán: Trọng nam khinh nữ đã để lại trong lòng bọn nhỏ những bóng tối u ám.
Theo đó, gia đình này sinh được 3 người con (2 gái, một trai). Tuy nhiên, gia đình luôn thiên vị cho đứa con trai duy nhất này. Một ngày, người mẹ mua một bát mì chỉ dành riêng cho cậu con trai, nhưng người chị cả đã lén ăn một ít. Phát hiện, người mẹ đã trách mắng cô con gái thậm tệ. Khi đó, cô chị bức xúc cãi lại: 'Mẹ thiên vị quá rồi, lần nào cũng bắt bọn con giữ em trai, cái gì cũng làm vì em trai, mẹ cũng không thèm để ý đến cảm nhận của chị em con, chỉ suốt ngày nói về con trai của mẹ'.
Một lát sau, người mẹ đưa đứa con trai duy nhất ra ngoài ăn cơm, để hai người con gái ở nhà. Người chị cả đã tức giận, viết một lá thư: 'Mẹ à, con và em gái đi xa vĩnh viễn đây, không khiến mẹ tức giận nữa, sau này mẹ hãy trông cậy vào con trai của mẹ nhé. Con phải đi đây, con rất vui khi rời xa thế giới này... con sẽ đưa em gái đi theo, con biết mình làm vậy là không đúng, nhưng mà, con cũng muốn giải thoát cho em'.
Sau đó, thiếu nữ 17 tuổi chở theo em gái đến một hồ nước cách nhà không xa rồi cả hai nhảy xuống và chết đuối. Lúc người mẹ trở về nhà mới phát hiện lá thư của con gái để lại, thảm kịch đã xảy ra khiến bà chỉ biết khóc tại hiện trường vụ án.
Sự thiên vị của bố mẹ trong chuyện tình cảm dễ khiến những đứa trẻ bị tổn thương (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)
Bố mẹ làm gì khi con có ý định tự tử?
Chuyện phân biệt đối xử giữa những đứa con và dẫn đến kết cục đau lòng là điều không ai mong muốn. Nhưng nếu ai đó nói về điều này thì có tới 100% ông bố, bà mẹ khẳng định làm gì có chuyện yêu con trai, ghét con gái, rằng chúng đều được đối xử như nhau.
Những suy nghĩ tiêu cực chắc hẳn là chuyện thường tình của người lớn. Nhưng khi chúng xuất hiện ở trẻ em, đặc biệt dưới những ý nghĩ liên quan đến tự tử, lại là tình huống mà các bậc phụ huynh không bao giờ mong đợi. Bố mẹ dường như đứng trước tình thế bối rối: 'Chuyện gì đã xảy ra với đứa con còn 'non dại' của mình?' Một số phụ huynh khác có thể thảng thốt trước hành động của trẻ cho đến khi biết được ý tưởng tự tử đã xuất hiện trong con từ rất lâu. Họ chợt nhận ra là: 'Từ lúc nào giữa ba mẹ và con trở nên có khoảng cách đến thế?'
Những sự kiện này dường như quá khó để trẻ có thể vượt qua. Chúng khơi gợi cảm xúc buồn bã, thất vọng, chán nản, suy nghĩ tiêu cực và dẫn đến những hành vi gây tổn thương đến bản thân và có thể chọn con đường 'tự giải thoát' trong lúc bế tắc.
Để ngăn chặn tình trạng này cần những mối quan hệ tích cực, hỗ trợ từ gia đình và xã hội đóng vai trò quan trọng bảo vệ trẻ khỏi virus 'tự tử'. Sự gắn kết vững chắc giữa ba mẹ và con cái tạo cảm giác an toàn và là tiền đề giúp trẻ phát triển nhận thức về giá trị bản thân: 'Mình không đơn độc'; 'Mình xứng đáng nhận được tình yêu thương từ ba mẹ và mọi người xung quanh'; 'Bố mẹ thương mình như thương em'…
Bên cạnh đó, cần ngăn chặn ngay tư tưởng bất bình đẳng giới ngay từ trong mỗi gia đình của chúng ta. Luật Bình đẳng giới nêu, bình đẳng giới là xoá bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế – xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.
Điều 26 (Hiến pháp 2013) cũng quy định: 'Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội. Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới'.
Do vậy, ngăn chặn tình trạng bất bình đẳng giới cũng chính là đem một môi trường an toàn cho chính con em chúng ta.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!