Vì Vân nằm suốt 8 giờ ở phòng sinh thường, nên khi vào đến phòng mổ, thuốc gây tê bắt đầu hết tác dụng mà bác sĩ không biết. Thế là vết dao của bác sĩ đi đến đâu, Vân đều biết đến đó.
Từ khi mang thai, Mi Vân đã đặt tên con là Bào Ngư. Mọi người thường đùa: 'Ai bảo đặt tên Bào Ngư làm gì nên con nhỏ 'dai nhách'?'. Quả thật, trong suốt quá trình sinh em bé, Mi Vân mới được chứng kiến cái sự 'dai nhách' đó dễ sợ như thế nào.
Thai 40 tuần, vẫn chưa thấy chuyển dạ
Khi mang thai Bào Ngư, Mi Vân hoàn toàn khỏe mạnh, không biết mệt mỏi, thậm chí là chẳng phải ốm nghén ngày nào, lại ăn ngủ tốt nên suốt quá trình mang thai, Mi Vân lên tận 22 kg. Cả nhà cứ trêu là: 'Có khi Vân lăn còn nhanh hơn đi đấy!'. Đùa vậy thôi chứ Vân vẫn thường xuyên đi du lịch, đến gần ngày sinh vẫn đi bộ phăm phăm còn nhanh hơn cả người bình thường. Chỉ hơi tủi thân vì thời gian mang thai Bào Ngư, Vân sống ở Sài Gòn, không được ở gần bố mẹ nên thỉnh thoảng có hơi mít ướt một chút.
Bé Bào Ngư ngày còn nhỏ
Thông thường 1 em bé đến 36 tuần là đã có thể sẵn sàng để chui ra khỏi bụng mẹ rồi. Nhưng Bào Ngư 'dai nhách' mãi đến 40 tuần vẫn chưa có dấu hiệu gì là muốn ra chào thế giới cả. Ngày nào Mi Vân cũng phải đến bệnh viện để kiểm tra nhưng mãi chẳng thấy động tĩnh gì. Đến khi bác sĩ thấy quá ngày đã lâu, đành giữ Mi Vân ở lại bệnh viện theo dõi luôn. Không ngờ cái đêm đầu tiên ở lại bệnh viện ấy, Bào Ngư bắt đầu rục rịch làm mẹ chuyển dạ từng cơn. Đêm ấy là đêm rằm, trăng sáng vằng vặc. Mọi người bảo con gái sinh ngày rằm thì mặt sáng như gương. Có lẽ vì vậy mà nàng đợi đúng rằm mới chịu chui ra chăng?
Mọi người thường đùa 'Ai bảo đặt tên Bào Ngư làm gì nên con nhỏ 'dai nhách'?'
Bào Ngư 'dai nhách'
Còn nhớ buổi tối hôm đó, cả nhà ở lại bệnh viện với Mi Vân, ăn uống no nê rồi Vân ngồi chơi cùng mọi người đến gần nửa đêm mới ngủ. Đến lúc vừa chợp mắt được một chút thì Vân bắt đầu nhận thấy những cơn đau đầu tiên. Bác sĩ lập tức thăm khám và chuyển Vân xuống phòng sinh vào 4 giờ sáng. Lúc này Vân còn rất tỉnh táo, nhìn xung quanh thấy các bà mẹ nằm chờ sinh đang vật vã với cơn đau vượt cạn, Vân càng thấy hồi hộp và hoang mang tột độ. Vân nằm đó, vừa đếm những cơn đau của mình, vừa chứng kiến những em bé lần lượt ra đời, được bác sĩ mang đi cắt rốn, làm vệ sinh, thăm khám tổng quát, vừa lo lắng vì sao con mình mãi vẫn im thin thít…
Vì Vân nằm suốt 8 giờ ở phòng sinh thường, nên khi vào đến phòng mổ, thuốc gây tê bắt đầu hết tác dụng mà bác sĩ không biết. Thế là vết dao của bác sĩ đi đến đâu, Vân đều biết đến đó.
8 giờ trôi qua trong đau đớn và lo âu, cuối cùng thì Vân bị chuyển sang phòng mổ vì em bé không tự chui ra được bằng đường sinh thường. Bà ngoại và bố ở bên ngoài cứ đứng ngồi không yên. Trên đường chuyển sang phòng mổ, Vân còn tỉnh táo động viên mọi người và trêu con bé Bào Ngư 'dai nhách' chưa gì đã tỏ rõ sự bướng bỉnh rồi.
Nhưng đến khi ca mổ thật sự bắt đầu, thì mọi sự mới thật khủng khiếp.
Cô bé Bào Ngư 'dai nhách' ngày xưa đã được 3 tuổi
Bác sĩ mổ đến đâu, Vân biết đến đó
Vì Vân nằm suốt 8 tiếng ở phòng sinh thường, nên khi vào đến phòng mổ, thuốc gây tê bắt đầu hết tác dụng, các bác sĩ thêm liều thuốc tê qua đường truyền để giảm đau trong lúc mổ nhưng chắc thuốc chưa kịp ngấm nên vết dao của bác sĩ đi đến đâu, Vân đều biết đến đó. Cảm giác đau xé thịt xé da khiến Vân khóc thét lên. Đến lúc đó bác sĩ mới vội vàng chụp thuốc mê cho Vân và Vân lịm dần đi, không còn biết những gì đang diễn ra xung quanh mình nữa.
Lẽ ra sau 8 giờ thuốc mê sẽ tan hết nhưng chỉ 5 giờ là Vân đã tỉnh dậy rồi. Việc đầu tiên Vân làm là bất giác đưa tay sờ lên bụng mình xem em bé còn ở đó không. Chẳng thấy con đâu cả, mà bụng thì vẫn còn to và hơi cứng, Vân sợ quá nhìn quanh quất tìm con nhưng vẫn không thấy. Mong muốn duy nhất của mình lúc đó chỉ là được gặp con rồi mọi thứ có ra sao thì ra. Thấy Vân ngơ ngác và hoang mang, bác sĩ vội an ủi là em bé đã được đưa sang phòng khác và hoàn toàn khỏe mạnh, còn Vân sau khi hồi sức cũng sẽ được đưa về phòng gặp con ngay. Lúc đó Vân mới có thể thở phào nhẹ nhõm, cùng với việc nhận ra nước mắt mình đã chảy tự lúc nào.
Bé Bào Ngư càng lớn càng điệu đà và rất ngoan
Đến khi gặp được con rồi, nhìn thấy con bé xíu như búp bê, sờ vào mềm mềm oặt ẹo, Vân lại run hết cả tay. Những trải nghiệm đầu tiên của việc làm mẹ thật sự không hề dễ dàng. Cũng may mà hôm đầu Vân mổ phải nằm im bất động nên toàn bộ việc chăm sóc em bé như thay bỉm, pha sữa, dỗ dành đều do một tay bà ngoại gánh vác mà không phải gửi y tá ngày nào.
Đến ngày thứ 2, bản năng người mẹ trỗi dậy mạnh mẽ nên dù vẫn còn rất đau đớn vì vết mổ, Vân vẫn tập ngồi dậy, tập đi lại và bắt đầu bế con, cho con bú, thay bỉm cho con như bất cứ người mẹ nào khác. Những công việc thiêng liêng ấy đã khiến Vân quên đi hết những cơn đau mà mình đang chịu đựng.
Bây giờ cô bé Bào Ngư 'dai nhách' ngày xưa đã được 3 tuổi, càng lớn càng điệu đà và rất ngoan. Thỉnh thoảng con vẫn nhìn ảnh mình hồi bé rồi bảo: 'Mẹ ơi, kia là em bé đấy, ngày xưa em bé nằm trong bụng mẹ đạp mẹ à?'. Rồi nàng lại xoa bụng mẹ hỏi: 'Mẹ ơi bụng mẹ nhỏ thế này làm sao mà con chui vào được? Mà mẹ ơi, mẹ cho con em bé đi, con thích em bé lắm'…
Quyển nhật ký Vân viết cho con từ ngày đầu con chào đời, ảnh chụp từng tháng cũng được dán vào đó, những ghi chú ngày con biết lẫy, biết bò, biết chập chững những bước đi đầu tiên… Vân vẫn còn giữ. Sau này khi con lớn, nó sẽ là những kỉ niệm vô giá không chỉ của con, mà còn của chính mình khi nhìn lại những trải nghiệm đầu tiên của việc thực hiện thiên chức vĩ đại của một phụ nữ, để thấy yêu con hơn và yêu mẹ mình hơn.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!