Hứa đi chùa mà không đi sẽ 'giông' cả năm?

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Đi chùa đầu năm là tục lệ từ lâu đời – một nét đẹp trong đời sống văn hóa tâm linh của người dân Việt mỗi dịp Tết đến xuân về.

Từ xưa, người ta thường chọn ngày lành đầu tiên trong năm để đến chùa lễ Phật, hoặc đến đình lạy Thánh, với mong muốn khởi đầu năm mới được an lành, suôn sẻ. Dù vậy, xung quanh tục đi chùa đầu năm ngày nay còn nhiều điều gây tranh cãi, một trong số đó là quan niệm của nhiều người rằng nếu đã lên kế hoạch đi chùa mà sau đó không đi thì sẽ 'giông' cả năm (tức gặp xui xẻo cả năm).

Chị Nguyễn Thanh Hương (28 tuổi, nhân viên văn phòng ở Hà Nội) nói:

'Mình thường có thói quen đi chùa vào đầu năm, ngày mùng 1 hoặc ngày rằm hàng tháng. Một khi đã lên kế hoạch thì mình coi đó là điều chắc chắn phải làm. Và nếu lần đó không thể đi chùa như kế hoạch thì dù vì bất kỳ lý do nào, khách quan hay chủ quan, mình cũng đều không cảm thấy được sự may mắn và suôn sẻ trong thời gian sau đó, dù những điều mình mong cầu chỉ đơn giản như sức khỏe, bình yên.

Theo chị Hương thì đầu năm ngoái, chị đã lên kế hoạch đi chùa Phúc Khánh nhưng sau đó không đi được nên cả năm qua trong lòng chị có nhiều bất an.

'Những cảm giác không may mắn hình thành rất rõ nét trong suy nghĩ. Mình có dự cảm năm vừa rồi làm việc gì cũng không suôn sẻ, từ công việc đến chuyện tình cảm.

Chính mình cũng không thể cắt nghĩa được vì sao lại có suy nghĩ như thế và không biết những điều xui xẻo đó liệu có xảy ra hay không nếu đầu năm mình đi chùa được, chắc phải quay ngược thời gian mới có câu trả lời được', chị Hương nói.

Chị Thanh Mai (34 tuổi, Hà Nội) thì cho biết: 'Chồng mình vẫn thường xuyên nhắc nhở rằng, đừng bao giờ hứa là sẽ đến chùa này chùa kia bởi có thể vì bận rộn mà không thực hiện được kế hoạch này, khi đó sẽ gặp xui xẻo.

Hứa đi chùa mà không đi sẽ 'giông' cả năm?

Nhiều người thường chọn ngày lành đầu tiên trong năm để đến chùa lễ Phật (Ảnh minh họa: Internet)

Thông thường thì đầu năm mới nào vợ chồng mình cũng đi chùa cầu may mắn, tài tộc và sức khỏe cho cả gia đình'. Quan niệm nói đi chùa đầu năm nhưng sau đó không đi thì xui xẻo cả năm hẳn đang nằm trong suy nghĩ của không ít người một phần lớn cũng xuất phát từ đức tin thái quá của người dân vào việc đi chùa cầu may.

Trao đổi với báo chí về vấn đề này, TS Trần Trọng Dương, Viện nghiên cứu Hán Nôm, từng phải thốt lên rằng: 'Lễ chùa ngày nay thì đúng là quá nhiều tệ nạn khi người ta mang cái tục tâm vào chùa'.

Theo ông, 'lễ Phật thì trọng ở lòng thành. Đến chùa thì tâm thái hướng thiện là quan trọng nhất. Thắp một nén nhang với tất cả lòng thành thì gọi đó là tâm nhang, tâm hương'. Ông phân tích, 'ngày xưa, người ta thường chọn ngày lành đầu tiên trong năm để đến chùa lễ Phật, hoặc đến đình lạy Thánh, với mong muốn khởi đầu năm mới được an lành, suôn sẻ. Đó gọi là tục 'thí sự'.

Thời ấy, chùa làng nào, dân làng nấy thờ (tức làng nào cũng có chùa). Còn nay, nhiều người do tâm lý đám đông, nghe nói chùa nào thiêng, chùa nào nổi tiếng thì nô nức đến thắp hương, còn chùa làng mình thì quên bẵng mất. Tệ thật đấy!'.

Còn đại đức trụ trì Thích Tâm Kính – trụ trì chùa Tây Khánh (tỉnh Thái Bình) cũng khẳng định, theo quan điểm của Phật giáo thì quan niệm hứa đi chùa mà sau đó không đi thì sẽ 'giông' cả năm là không đúng.

'Đối với đạo Phật, việc đến chùa là xuất phát từ tâm thành, tức là tâm của người ta đã hướng về Phật. Còn vì một nhân duyên nào đó mà họ không đến chùa được thì sự thành tâm vẫn sẽ được chứng minh, không hề có tội hay gặp xui xẻo gì cả.

Đạo Phật tin vào luật nhân quả, họa phước đều có nhân quả, không ai có quyền ban phước hay giáng họa cho một người nào đó cả, phúc hay họa là do tự bản thân mình tự tạo ra'. Cũng theo đại đức Thích Tâm Kính, việc cảm thấy xui xẻo nếu không đi chùa chỉ đơn giản là tâm tư, cảm giác có lỗi với Phật chứ thực ra không có họa phước nào cả.

'Mọi người đi chùa nên xuất phát từ sự thành tâm chứ không nên cầu xin, nên đến chùa để tâm hồn thư thái, để học tập đức hạnh của đức Phật, áp dụng đức hạnh đó vào cuộc sống để bản thân được an lạc, từ đó bản thân sẽ được hạnh phúc, đó là sự nhiệm màu của đạo Phật', sư trụ trì Thích Tâm Kính khuyên.

Nguyễn Tâm

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!