Khả năng giết người không ngờ của ethanol

Sống khỏe mạnh - 11/28/2024

Khi nồng độ ethanol trong cơ thể quá lớn, nạn nhân không chỉ bị ngộ độc, biến chứng mà còn mất mạng nếu không giải độc kịp thời.

Trong vụ 'bệnh lạ' khiến 18 người Nigeria tử vong chỉ trong 24h, xét nghiệm lâm sàng cho thấy, nguyên nhân do ngộ độc ethanol. Người đứng đầu cuộc điều tra, Ông Adeyanju, Bộ trưởng Y Tế bang Ondo cho biết 70% nạn nhân được xác định đã uống rượu trước đó. Những biểu hiện của các nạn nhân cũng giống với ngộ độc ethanol. Xét nghiệm khẳng định sẽ cho kết quả cuối cùng để xác định nguyên nhân.

Vượt ngưỡng ethanol trong rượu

Một trong những ứng dụng của ethanol là nguyên liệu chính trong thức uống có cồn, được sinh ra trong quá trình lên men rượu. Nước hoa, nước súc miệng bạn hay dùng cũng có ethanol.

Ở mức cho phép, chất này không gây hại cho cơ thể người. Tuy nhiên, để tăng lợi nhuận, một số gian thương sản xuất rượu bằng cách pha loãng cồn ethanol, điều này làm nồng độ ethanol trong rượu tăng cao, gây ảnh hưởng xấu cho người sử dụng.

Nguy hiểm hơn, một số nơi còn sử dụng cồn công nghiệp (methanol), chất có độc tính gấp nhiều lần ethanol, không được phép uống.

Trong vụ ngộ độc rượu ở Quảng Ninh khiến 4 người thiệt mạng, cơ quan chức năng xét nghiệm thấy hàm lượng ethanol trong 'Rượu nếp 29 Hà Nội' (Công ty CP kỹ nghệ thực phẩm Thái Lan, TP Hạ Long) lên đến 98%, vượt mức cho phép 1900 lần.

Chất methanol cũng vượt 1600 lần. Các mẫu thứ của loại rượu làm 5 người tử vong ở Ninh Thuận cũng chứa hàm lượng methanol gấp 1200-1700 lần tiêu chuẩn.

Khả năng giết người không ngờ của ethanol

Ethanol được sinh ra trong quá trình lên men rượu (Ảnh minh họa: Internet)

Ngộ độc, mất mạng vì rượu

Việt Nam nằm trong trong số những nước tiêu thụ rượu, bia cao ở châu Á. Trong 10 năm, tốc độ tiêu thụ các sản phẩm này tăng hơn 200%, tập trung nhiều vào các đợt nghỉ lễ. Trong đợt nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều trường hợp phải nhập viện cấp cứu do ngộ độc rượu.

Những trường hợp ngộ độc thường do uống quá nhiều rượu, dùng phải rượu 'rởm'. Nạn nhân nếu không được chữa trị kịp thời có thể tử vong. Ngộ độc rượu chiếm đến 42% các vụ ngộ độc thực phẩm, có những vụ ngộ độc tập thể kéo theo hàng chục nạn nhân.

Đầu năm 2015, ít nhất 123 người dân bang Uttar Pradesh (Ấn Độ) đã phải nhập viện do sử dụng rượu 'rởm'. Các nạn nhân nhập viện với các triệu chứng nhức đầu, nôn tháo, mờ mắt. Nhiều người trong trạng thái nguy kịch, 29 nạn nhân đã không qua khỏi.

Ở Việt Nam, ngoài 2 vụ tử vong do sử dụng rượu kém chất lượng ở Quảng Ninh và Ninh Thuận thì còn có vụ ngộ độc tập thể tại An Giang. Rượu cưới chứa ethanol và methanol quá mức tiêu chuẩn 60 lần khiến 40 người phải nhập viện điều trị. Có người ngộ độc nặng phải tiến hành chạy thận. 2 người tử vong do ngộ độc nặng.

Khả năng giết người không ngờ của ethanol

Những trường hợp ngộ độc rượu thường do uống quá nhiều rượu hoặc dùng phải rượu 'rởm' (Ảnh minh họa: Internet)

Biến chứng nặng nề

Ngoài 18 người tử vong tại Nigeria, ethanol cũng khiến 5 nạn nhân khác bị mù tạm thời. Như vậy, dù bảo vệ được tính mạng, khả năng mang bệnh tật từ rượu là khá cao.

Viện Chiến lược chính sách y tế cho biết, 4,4% dân số nước ta phải mang bệnh tật do sử dụng chất có cồn này. Trong đó, bệnh viêm tuỵ có 70% do sử dụng rượu. Đây là bệnh mất nhiều tiền điều trị, tỷ lệ tử vong 10 - 15%.

Ngoài ra, rượu cũng gây ra những ảnh hưởng cho hệ thần kinh và thị giác. Vì thèm rượu, nạn nhân P.Đ.T (Hà Nội) đã uống một chén cồn ethanol. Việc này không chỉ khiến anh phải cấp cứu ở Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) mà còn lấy đi thị lực của anh. Bệnh nhân Lưu Xuân L. ( Long Biên, Hà Nội) sau một đêm uống rượu đã mù vĩnh viễn. Thêm vào đó, não anh cũng liệt hoàn toàn dù các bác sĩ đã cố gắng hết sức.

Dịp nghỉ lễ dài ngày sắp tới, không thể tránh khỏi việc phải nâng ly. Để đảm bảo sức khoẻ và tính mạng, mọi người nên có sự kiềm chế, uống kết hợp với bổ sung dinh dưỡng hợp lý.

Thanh Nguyên

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!