Khám phá ẩm thực tết của các dân tộc trong dịp Tết

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Tết Nguyên đán của người Việt Nam mang đậm những nét văn hóa truyền thống, được thể hiện qua phong tục tập quán đặc trưng và nền ẩm thực độc đáo.

Mỗi món ăn lại gắn liền với một câu chuyện xa xưa, mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam với ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Hãy cùng khám phá những món ăn Tết đặc trưng của các dân tộc Việt Nam sau đây:

1. Dân tộc Kinh

Ẩm thực ngày Tết của người Kinh không thể thiếu các món ăn truyền thống như: bánh chưng xanh, gà luộc, canh măng, dưa hành, thịt đông (với người miền Bắc); bánh tét, củ kiệu, canh khổ qua (với người miền Nam). Ngoài ra, người Kinh còn làm thêm một số món như nem rán, giò chả, xôi gấc… cho mâm cơm ngày Tết thêm phong phú.

Đêm 30 Tết, các gia đình người Kinh sẽ chuẩn bị 1 mâm cơm đầy đặn với đầy đủ các món ăn truyền thống dâng lên tổ tiên như: bánh chưng, xôi gấc, gà luộc, giò lụa, thịt đông, canh thập cẩm…

Khám phá ẩm thực tết của các dân tộc trong dịp Tết

Những món ăn đặc trưng Tết truyền thống của người Kinh

2. Dân tộc Mường

Cũng giống người Kinh, bánh chưng là món ăn đặc trưng ngày Tết của người Mường. Trước Tết 3 – 4 ngày, người dân bản thường cùng nhau gói bánh, đây thực sự là ngày hội với trai, gái trong bản.

Ngày Tết của dân tộc Mường còn có món cá ướp chua, gắn với câu nói Ăn một miếng cá chua, sáng mắt cả năm. Cá bắt về sẽ được cắt thành khúc nhỏ, bỏ đầu đuôi, đem ướp muối, trộn đều với ít men rượu, cơm nguội rồi cho vào 1 cái hũ. Sau nửa tháng, bỏ tiếp thính vào. Cá ướp chua có thể để được từ 3 – 6 tháng.

Cơm nếp đồ là món ăn ưa thích của người dân tộc Mường. Món này được đồ bằng cuốp (là một loại cây thân mềm, đồ cơm bằng dụng cụ này sẽ không bị nứt) vẫn giữ được giá trị dinh dưỡng và hương vị thơm ngon của gạo. Sau khi cơm chín, người dân Mường sẽ đổ cơm vào nia hoặc thúng, mủng rồi để nguội, cơm sẽ dẻo ngon, không bị nát.

Người Mường còn có rất nhiều món ăn cổ truyền ngày lễ, tết khác như cá ốc đồ, rau trộn đồ, sườn rang mắm tôm, thịt trâu xào tiêu rừng, măng chua, ớt cá lá kiệu, dưa cá muối kiệu, chả lá bưởi, canh cây chuối rừng, nộm tai lưỡi… Trong văn hóa ẩm thực của người Mường, ngày lễ Tết không thể thiếu các loại rượu như rượu cần, rượu trắng; các loại nước từ cây rừng, nước chè và bánh đủ loại như bánh ống, bánh trôi, bánh uôi…

Khám phá ẩm thực tết của các dân tộc trong dịp Tết

Bánh chưng là món ăn đặc trưng ngày Tết của người Mường

3. Dân tộc Mông

Người Mông bắt đầu nghỉ ngơi và chuẩn bị đón Tết từ ngày 25, 26 tháng Chạp. Món truyền thống luôn có trong mâm cỗ ngày Tết của người Mông là rượu, thịt, bánh ngô và bánh dầy. Trong dịp này, mỗi gia đình dân tộc Mông phải có 1 mâm bánh dầy làm từ hạt gạo nếp nương, do chính tay người Mông làm ra. Vào ngày Tết, tùy mỗi bản làng, người Mông tổ chức thi giã bánh dầy, người nào có tài làm bánh dẻo, thơm, đẹp mắt thì được thưởng.

Khám phá ẩm thực tết của các dân tộc trong dịp Tết

Khám phá ẩm thực tết của các dân tộc trong dịp Tết

Tiếng giã bánh dầy là âm thanh ngày Tết của người Mường

4. Dân tộc Thái

Người dân tộc Thái (Yên Bái) rất giỏi về chài lưới, đánh cá và nuôi thả cá trên ruộng đồng, ao hồ nên cá là món ăn quen thuộc hàng ngày của họ và nhất là dịp Tết Nguyên đán thì món ăn này càng không thể thiếu.

Cá đánh bắt về được dân làng chọn con to nhất để nướng nguyên con, số còn lại được chế biến thành các món như cá sả, cá độn cơm, cá sấy, cá pa lạp… Trong đó, cá pa lạp là món ăn đặc biệt, vừa béo vừa cay, lại có vị chua chat của lá rừng, thường được dùng để đãi khách quý trong ngày Tết.

Ngoài ra, người Thái (Yên Bái) còn làm món xôi ngũ sắc thơm ngon, béo ngậy từ hạt gạo, lá nếp. Một món ăn nữa không thể không kể đến là cơm lam – món ăn linh thiêng mà theo tín ngưỡng dân gian, nó gắn với vòng đời của con người. Vị ngọt của ống nứa, vị thanh thanh của lá chuối cùng hương thơm, bùi của cơm dẻo khiến ai từng thưởng thức cũng đều mê mẩn.

Khám phá ẩm thực tết của các dân tộc trong dịp Tết

Cá nướng – món Tết đặc trưng của người Thái

5. Dân tộc Cơ Tu

Ngoài ăn Tết cổ truyền giống người Kinh, người Cơ Tu Quảng Nam vẫn giữ những nét văn hóa đặc trưng ngày Tết của dân tộc mình. Từ khoảng giữa tháng Chạp, người dân nơi đây đã tất bật vào rừng hái lá dong, lá đót, ống tre, nứa tươi… để chuẩn bị nguyên liệu làm các món ăn truyền thống của dân tộc mình trong ngày Tết.

Món bánh luôn có mặt trong mâm lễ cúng dâng lên Giàng của dân tộc Cơ Tu là bánh sừng trâu (còn gọi là bánh đót). Bánh không có nhân, được làm từ nếp và gói bằng lá đót.

Bánh được cột lại từng cặp, ngâm vào nước trong vòng 2-3 tiếng rồi mới luộc. Khi luộc chín, bánh tỏa hương thơm hấp dẫn của nếp quyện cùng mùi thơm của lá. Bánh sừng trâu có ý nghĩa tâm linh và tượng trưng cho hình ảnh con trâu của người dân Cơ Tu – một con vật thiêng liêng và có nhiều ý nghĩa trong đời sống. Ngoài ra, ẩm thực ngày Tết của người dân nơi đây luôn phải có 2 loại rượu truyền thống là rượu cần và rượu Tà vạt.

Rượu Tà vạt không qua chế biến, có vị ngọt thơm và uống rất ngon, bổ. Ngoài ra, người Cơ Tu còn làm món Z’ ră, được chế biến từ cá, chim, thịt rừng, ếch nhái trộn với măng, ớt, rau và các gia vị nhồi vào ống tre/ nứa sau đó đem nướng lên.

Khám phá ẩm thực tết của các dân tộc trong dịp Tết

Bánh sừng trâu – món ăn truyền thống mang ý nghĩa tâm linh của người Cơ Tu

6. Dân tộc Tày

Món ăn trong ngày lễ Tết của người Tày ở Văn Lãng (Lạng Sơn) rất phong phú và được chế biến từ nhiều nguồn nguyên liệu khác nhau, mang hương vị độc đáo và nét riêng có.

Đầu tiên, phải kể đến thịt lợn quay – một món ăn không thể thiếu trong ngày Tết của người Tày Văn Lãng. Thịt lợn được chọn từ con lợn ta xương nhỏ, thịt chắc, nhiều nạc. Sau khi mổ và lấy hết nội tạng lợn ra, người dân sẽ ướp gia vị và lá mắc mật vào bên trong bụng lợn và khâu lại.

Sau đó, dùng 1 đoạn tre vót nhọn xiên từ đuôi lên mõm lợn và buộc lạt để cố định lợn vào xiên quay. Quá trình quay lợn sẽ diễn ra trong khoảng 3 tiếng. Miếng thịt lợn giòn thơm, ngọt mềm, thường được thưởng thức cùng với thứ nước lấy ra từ trong bụng của lợn, có vị ngọt đậm đà, béo ngậy, dậy mùi thơm của mắc mật.

Tết của dân tộc Tày còn có món khâu nhục, được chế biến khá cầu kỳ từ những kinh nghiệm tiếp thu của người Hoa trong vùng. Để làm món khâu nhục ngon, người Tày chọn thịt ba chỉ có đủ mỡ, bì, nạc và cắt thành từng miếng to, mỗi miếng khoảng 5 lạng, sau đó đem luộc chín.

Khi thịt chín tới, vớt ra để nguội, sau đó dùng chiếc que nhọn xiên vào phần bì miếng thịt, ướp các gia vị như húng lìu, xì dầu, muối, mật ong. Sau đó, đem rán ngập trong chảo dầu sôi. Bước tiếp theo là hấp cách thủy sao cho thịt chín mềm không nát, lại có vị ngọt đậm đà, ăn nóng kèm với xôi hoặc cơm đều rất ngon. Món khâu nhục thường được người Tày Văn Lãng làm để đãi khách trong các dịp quan trọng như mừng thọ, cưới hỏi.

Khám phá ẩm thực tết của các dân tộc trong dịp Tết

Thịt lợn quay Lạng Sơn

7. Dân Tộc Nùng

Với người Nùng, ngoài bánh chưng được coi là món ăn không thể thiếu để thết đãi khách, ngày Tết của người dân nơi đây còn có bánh cao (bánh khảo). Bánh cao được gia chủ tự làm và được dùng để mời khách đến nhà chơi. Ngoài ra, bánh tro cũng là món đặc trưng, được làm cầu kỳ và khi ăn thường chấm với mật. Bánh tro rất được trẻ em Nùng ưa thích.

Khám phá ẩm thực tết của các dân tộc trong dịp Tết

Bánh khảo, bánh tro làm nên hương vị Tết của người Nùng

8. Dân tộc Dao

Trong mâm cơm ngày Tết của người Dao luôn có thịt lợn chua (còn gọi là ò sui). Đây là món ăn dân dã, được chế biến từ thịt lợn, cơm tẻ nguội và muối tinh. Món này ăn kèm với lá prăng lẩu, lá lốt, chấm chanh ớt mới cảm nhận hết được vị ngon của thịt, vị chua của men quyện hòa cùng hương thơm của lá lốt.

Khám phá ẩm thực tết của các dân tộc trong dịp Tết

Thịt lợn chua của người Dao

9. Dân tộc Tây Nguyên

Ẩm thực của các dân tộc Tây Nguyên trong ngày lễ Tết rất đặc biệt: nấu cơm lam bằng gạo nếp thay cho gạo tẻ, thịt nướng và rượu cần. Thịt là thực phẩm chủ yếu dùng trong các món ăn dịp Tết của người Tây Nguyên, họ chế biến thịt nướng và làm tiết canh, nem sống, để dâng cúng thần linh hoặc đãi khách.

Khám phá ẩm thực tết của các dân tộc trong dịp Tết

Cơm lam và thịt gà thui

10. Dân tộc Chăm và Khơ me

Bánh củ gừng của người Chăm cũng như dân tộc Khmer là loại bánh truyền thống, để dâng lên tổ tiên trong ngày Tết với ước mong cuộc sống no đủ, hạnh phúc.

Bánh được làm từ bột gạo nếp, trứng gà, đường và men rượu, được khéo léo nặn thành hình củ gừng. Sau khi được chiên dầu, bánh được nhúng vào nước đường để bóng mịn, sau đó được gắp ra phơi khô trong 10-15 phút để làm tăng độ giòn.

Theo phong tục Chăm, bánh gừng hiện diện trong các lễ hội quan trọng, đặc biệt là Tết Ka tê, lễ cưới. Bánh gừng không chỉ góp phần làm tăng vẻ đẹp của mâm cơm mà còn thể hiện sự long trọng trong ngày lễ Tết.

Trong lễ cưới, bánh gừng được đặt lên trên cùng với bánh gang tay (gakiya) và bánh tét (paynung). Bánh gang tay tượng trưng cho người vợ, bánh tét tượng trưng cho người chồng, còn bánh gừng là sự hòa hợp, tượng trưng cho sự chung thủy của hai vợ chồng.

Khám phá ẩm thực tết của các dân tộc trong dịp Tết

Bánh củ gừng là một trong những lễ vật không thể thiếu trong dịp Tết của người Chăm

P.H

(Ảnh minh họa: Internet)

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!