Khám phá xúc giác của trẻ từ 0-6 tháng tuổi

Gia đình và thai kỳ - 11/24/2024

Hello Bacsi - Khi bé tương tác với thế giới xung quanh nhiều. Khả năng xúc giác của trẻ sẽ phát triển từ từ. Bố mẹ hãy tìm hiểu để chăm sóc con nhé!

Xúc giác của bé hình thành từ khi bé còn trong bụng mẹ và phát triển trong suốt những năm đầu đời. Bé được sinh ra với làn da còn rất dễ bị kích ứng, một vài nơi trên cơ thể bé có thể trở nên đặc biệt nhạy cảm như miệng, má, mặt, bàn tay, bụng và lòng bàn chân.

Trải nghiệm đầu tiên của bé với môi trường xung quanh chính là nhờ xúc giác. Xúc giác là một trong những yếu tố thiết yếu cấu thành nên các khả năng thể chất, ngôn ngữ, kỹ năng nhận thức, năng lực và cảm xúc xã hội. Xúc giác không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển trong những năm đầu đời của bé, mà còn có tác động trong lâu dài nhờ vào sự âu yếm và vuốt ve bạn dành cho bé khi bé vừa chào đời. Thông qua xúc giác, bé sơ sinh có thể hiểu hơn về thế giới của mình, gắn kết với bạn và có thể thể hiện nhu cầu và mong muốn của mình với bạn. Hơn hết, 80% giao tiếp của bé với bạn đều được thể hiện thông qua chuyển động cơ thể. Nếu bạn chạm và âu yếm bé một cách hợp lý, bạn đã cho bé có thêm cơ hội để phát triển các kỹ năng xã hội, cảm xúc và cả trí tuệ.

Những cột mốc phát triển xúc giác

Trong suốt 6 tháng đầu đời, con của bạn sẽ có thể:

  • Quay đầu lại nếu bạn nhẹ nhàng chạm vào má bé và sử dụng miệng để khám phá thứ gì đã chạm vào mình.
  • Nắm ngón tay bạn khi bạn chạm vào bàn tay bé. Đây là phản xạ tự nhiên. Tương tự, bé có thể nắm lấy bất kỳ vật gì nếu bạn đặt vật đó vào bàn tay của bé.
  • Cảm thấy dễ chịu khi bạn âu yếm bé trong vòng tay. Bé sẽ tỏ ra thoải mái nếu bạn âu yếm bé nhẹ nhàng và dịu dàng cù lét bé. Lưỡi, môi và miệng của bé rất nhạy cảm. Khi bé nhai một món đồ chơi mềm đó là lúc bé đang tìm hiểu về hình thái và bề mặt của món đồ chơi đó.
  • Có thể nhận ra sự khác biệt giữa một vật cứng và mềm.

Bé cũng có thể:

  • Với tay và chạm vào đồ vật.
  • Nâng, giữ và nắm đồ vật bằng cả hai tay. Nhưng bé vẫn sử dụng miệng để cảm nhận món đồ đó.
  • Cảm thấy thích thú khi ở trong nước, và đặc biệt thích té nước khi tắm.
  • Học cách với và tóm lấy món đồ mình muốn bằng cả hai tay, chuyền từ tay này sang tay kia. Bé sẽ thích những món đồ chơi bé có thể chạm tay vào. Hãy khuyến khích bé phát triển hơn bằng cách cho bé những món đồ chơi có thể phát ra âm thanh khi bé chạm tay vào.

Bạn nên làm gì để giúp bé phát triển xúc giác?

Bé cảm nhận được mọi thứ chạm vào mình. Khi bạn cưng nựng, mơn trớn hoặc xốc bé, bé sẽ cảm thấy dễ chịu và an tâm. Chạm không chỉ quan trọng với bé, mà còn với chính bản thân bạn. Bạn có thể cảm thấy kiệt sức và mệt mỏi khi chăm con. Liệu pháp điều trị tốt nhất cho bạn đó chính là cảm giác ấm áp khi bạn bế bé trong tay.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nếu không được âu yếm hoặc ôm ấp sẽ dễ mắc phải các vấn đề về thể chất và thần kinh. Chạm vào bé không chỉ giúp bé được thư giãn và thoải mái, mà còn hỗ trợ sự phát triển sau này của bé.

Bé rất thích được vuốt ve. Vuốt ve nhẹ nhàng giúp bé dễ đi vào giấc ngủ, tăng cường mối liên kết giữa bạn và bé. Vuốt ve cũng đặc biệt có lợi với trẻ sinh non, có thể giúp bé tăng cân, tỉnh táo và lanh lợi hơn.

Những hoạt động đời thường nhất – như cho bé ăn, tắm cho bé, thay quần áo, thay tã, ôm bé, bế bé trên tay – cũng giúp phát triển xúc giác và cử động cơ thể của bé.

Vui chơi cũng góp một phần quan trọng trong quá trình học hỏi và phát triển của bé. Chơi với những món đồ chơi hoặc các đồ dùng gia đình đa dạng đem lại những mặt tích cực và có thể hỗ trợ cho sự phát triển của bé. Hãy tìm những món đồ chơi có bề mặt khác nhau – như nhẵn mịn, thô ráp, cứng hay mềm – và có thể tạo ra âm thanh, chẳng hạn như lục lạc. Sách có các bề mặt khác nhau cũng có thể hỗ trợ bé, hoặc bạn có thể chọn chất liệu vải, lông vũ, bìa cứng hoặc lông nhân tạo.

Nhiều phương pháp sử dụng hành động chạm vào bé được thực hiện hàng nghìn năm trước trong văn hóa nhiều nước đang dần được chấp nhận như một liệu pháp chữa bệnh. Đơn giản, mát-xa có thể giúp ích cho bé khi bé đau bụng, táo bón, hỗ trợ trong vấn đề hô hấp và cải thiện giấc ngủ. Mát-xa cũng giúp kích thích các dây thần kinh trong não, từ đó hỗ trợ hệ tiêu hóa, đặc biệt trong trường hợp bé ốm và gặp khó khăn khi ăn.

Thông qua mát-xa, máu sẽ được tuần hoàn tốt trong các cơ, từ đó giúp bé cử động dễ dàng. Hệ tuần hoàn ở tay và chân của bé vẫn chưa phát triển hoàn thiện, mát-xa sẽ làm ấm tay chân của bé. Mát-xa cũng giúp thông thoáng lỗ chân lông và tăng tiết dầu trên da, từ đó giúp ngăn ngừa các vi sinh vật xâm nhập cơ thể. Nếu thường xuyên được âu yếm, bé sẽ trở nên điềm tĩnh, nhịp thở ổn định, bé sẽ ít quấy khóc hoặc căng thẳng.

Mát-xa giúp tăng cường tiếp xúc giữa da với da, cải thiện sự liên kết và khả năng phục hồi về mặt cảm xúc. Mát-xa tốt cho bé, đặc biệt đối với trẻ sinh non hoặc thiếu cân.

Chú ý đến phản ứng của bé là điều quan trọng, điều này sẽ giúp bạn hiểu rõ nhu cầu và mong muốn của bé.

Bạn có thể quan tâm:

Khám phá thính giác của trẻ từ 6 – 12 tháng tuổi

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!