Khổ sở vì... quá nhiều sữa

Nuôi dạy con - 05/07/2024

Căng sữa khiến nhiều bà mẹ tự ti trong công việc và cuộc sống hàng ngày dù cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe các mẹ.

Đến công ty sau khi nghỉ hậu sản, ngày nào chị Ngọc ở quận Bình Thạnh (TP HCM) cũng phải mang theo hai chiếc áo phòng thủ bởi sữa căng chảy liên tục dù trưa đã tranh thủ về cho con bú.

Người mẹ 32 tuổi nhà cho biết, cả hai lần có em bé chị đều phải khổ sở vì cảnh này. Tìm đến Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản, nữ nhân viên văn phòng cho biết, mỗi ngày chị phải hút sữa 4 lần nhưng bầu ngực vẫn cứ căng tràn. 'Không chỉ chảy ướt áo trông cáu bẩn, tình trạng này còn khiến tôi đau đớn vô cùng', sản phụ nói với các bác sĩ và nhờ tư vấn cách khắc phục.

Cùng cảnh với chị Ngọc, Mỹ Tiên (28 tuổi) nhà ở quận 1 cũng cho biết chị cảm thấy ngại ngùng đến mức không dám đến công ty. 'Công việc phải thường xuyên tiếp khách, vậy mà ngực áo cứ loang lổ. Tôi đã tìm cách lót mấy lớp mà sữa vẫn chảy. Có hôm đang làm mà phải chạy về cho con bú và thay đồ', nữ tiếp tân tâm sự.

Không chỉ chảy vô kiểm soát, chứng căng sữa còn khiến một số bà mẹ lên cơn sốt bởi sau nhiều ngày sữa căng, tuyến sữa bắt đầu bị tắc gây đau nhức. 'Thật không có gì kinh khủng bằng. Ngực tôi căng đỏ rồi đau đến mức phát khóc. Thay vì chảy sữa như những ngày trước đó, sau cơn đau nhức, sữa không còn chảy được. Đến bệnh viện khám tôi mới biết bị tắc sữa thừa gây áp-xe', chị Xuân nhà ở quận 11 chia sẻ.

Khổ sở vì... quá nhiều sữa

Sữa mẹ luôn được các chuyên gia dinh dưỡng khẳng định là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ

Các bác sĩ Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP HCM cho biết, tình trạng bà mẹ bị căng sữa dẫn đến bất tiện trong sinh hoạt, thậm chỉ lên cơn sốt do viêm tắc tia sữa không phải hiếm. Chứng này thường xảy ra với các phụ nữ có con lần đầu, những người phải đi làm việc, không có thời gian cho con bú thường xuyên.

Chứng căng ngực, căng sữa không chỉ xảy ra sau thời gian nghỉ hậu sản mà còn có thể xuất hiện vài ngày sau khi sinh. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có cả yếu tố cơ địa, tuy nhiên theo các bác sĩ, thường thấy nhất là do mẹ không cho bé bú thường xuyên trong vài ngày đầu sau khi sinh. Hoặc sản phụ mặc áo ngực quá chật. Một số trường hợp do mẹ từng phẫu thuật ngực khiến túi ngực choán hết chỗ để làm tăng lượng máu, bạch huyết và sữa.

Theo các bác sĩ chuyên tư vấn sản khoa Bệnh viện Từ Dũ, để khống chế tình trạng căng sữa, điều đầu tiên cần làm là cho bú thường xuyên. Tốt nhất là từ 10 đến 12 lần một ngày, tính cả những lần cho bú trong đêm. Thời gian mỗi lần cho bú ít nhất 15 phút ở một bên vú trước khi chuyển sang vú kia. Nếu có điều kiện thời gian, người mẹ không nên rứt vú ra khỏi miệng trẻ khi trẻ đang mút vì có thể gây ứ sữa thừa, dễ dẫn đến hiện tượng sữa ôi gây viêm. Cần thường xuyên thay đổi tư thế trẻ bú để làm thông thoáng và tăng tiết sữa. Tư thế tốt nhất để người mẹ cho trẻ bú là ngồi và nên nằm ngửa giữa mỗi lần cho bú.

Nên làm ấm bầu vú ngay trước khi cho bú có thể giúp tăng tiết sữa bằng cách tắm nước nóng, xông hơi ấm vùng ngực hay đắp gạc ấm, rồi xoa tuyến vú nhẹ nhàng trước khi cho bé bú. Sau khi trẻ bú xong, nên dùng khăn chườm lạnh hoặc túi lạnh áp lên đầu vú và bầu vú phần gần dưới cánh tay sau mỗi lần cho bú để làm giảm sưng tuyến sữa. Nếu tuyến sữa vẫn căng và đau thì cần hút sữa khoảng 10 phút để xoa vắt cho sữa thừa chảy ra hết. Nếu bị căng tức sữa thì trước khi cho con bú, người mẹ có thể xoa nhẹ tuyến sữa bằng tay hoặc dùng thiết bị bơm hút để làm mềm. Vắt hút sữa nếu đang làm việc, không có điều kiện cho trẻ bú là việc cần làm, tuy nhiên không nên dùng máy hút sữa quá lâu vì càng nhiều sữa được sản xuất thì người mẹ càng bị căng tức ngực.

Một số người vì sợ quá nhiều sữa nên kiêng ăn, tuy nhiên điều này theo các bác sĩ là không nên. Người mẹ cần được nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ chất, đặc biệt phải uống nhiều nước (3 - 4 lít/ngày). Trong trường hợp thấy quá căng đau hoặc thấy tuyến sữa bỗng dưng bị tắc thì nên đến bệnh viện để được tư vấn nhằm tránh việc tuyến vú bị viêm nhiễm.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!