Không nên 'chỉ định' ngược

Thời sự - 04/28/2024

Con tôi bị viêm phế quản, sốt và ho. Bác sĩ cho dùng thuốc hạ sốt paracetamol và uống kháng sinh (amoxicillin và clavululate). Tôi đã cho cháu dùng thuốc nhưng vẫn không khỏi. Nghe nói dùng thuốc tiêm sẽ nhanh khỏi hơn, tôi có thể đề nghị bác sĩ cho dùng thuốc tiêm không?

Nguyễn Thu Mến(Bắc Ninh)

Có thể nói, uống thuốc là một trong những cách điều trị cơ bản lâu đời với cả y học cổ truyền và y học hiện đại. Bằng cách này, thuốc được hấp thu qua đường tiêu hóa từ từ, tương đối phù hợp với sinh lý và đặc biệt hiếm khi gây phản ứng tức thì đe dọa đến tính mạng người dùng. Trong hầu hết các trường hợp đau yếu thông thường, thuốc uống hoàn toàn đảm bảo hiệu quả chữa bệnh.

Còn thuốc tiêm được hấp thu nhanh, trực tiếp vào máu, do đó thường cho tác dụng nhanh, mạnh và đầy đủ hơn. Tuy vậy, các chuyên gia đều cho rằng, thuốc tiêm chỉ nên sử dụng trong các trường hợp cấp cứu hoặc với các ca không thể dùng thuốc uống được và nên thực hiện việc tiêm thuốc này ở các cơ sở y tế có đủ điều kiện về trình độ và trang thiết bị. Vì thuốc tiêm hay gây ra sốc phản vệ (không cấp cứu kịp thời dễ dẫn tới tử vong).

Như vậy, dùng thuốc theo đường tiêm, tỷ lệ rủi ro cao hơn so với đường uống. Hơn nữa bệnh nhân sẽ đau hơn, tốn kém hơn (thuốc tiêm bao giờ cũng đắt hơn thuốc uống)... Vì những lý do trên mà người ta khuyên rằng không nên lạm dụng thuốc theo đường tiêm.

Với trường hợp của cháu, chị nói dùng thuốc theo đơn vẫn chưa thấy bệnh thuyên giảm, vậy không rõ chị đã dùng thuốc được bao nhiêu ngày, đã hết đơn thuốc bác sĩ kê chưa. Nếu không yên tâm, chị nên đưa cháu tới cơ sở y tế để được bác sĩ khám lại, đánh giá kết quả điều trị để điều chỉnh liều lượng hay thay thế thuốc thích hợp hơn (khi cần thiết). Căn cứ vào thực tế tình trạng bệnh của cháu, bác sĩ sẽ quyết định dùng thuốc theo đường nào (uống hay tiêm). Bạn không nên sốt ruột mà chỉ định ngược cho thầy thuốc.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!