Câu hỏi
Mỗi khi bé nhà tôi bị sổ mũi, viêm họng, tôi đều lấy nước muối để rửa mũi cho bé và thấy rất hiệu quả. Mong chuyên mục tư vấn với thời tiết thay đổi thất thường như hiện nay, tôi có nên rửa mũi hàng ngày cho bé bằng nước muối sinh lý để phòng bệnh đường hô hấp không?
Vân Trang (Ninh Bình)
Trả lời
Khi trẻ bị viêm đường hô hấp, việc vệ sinh mũi cho trẻ hàng ngày có thể giúp rửa trôi vi khuẩn, loại bỏ chất tiết, dị vật. Việc này còn giúp mũi bé thông thoáng, để bé dễ thở hơn bởi khi mũi bị viêm nhiễm, lớp niêm mạc bị tổn thương, các lớp dịch tiết ứ đọng, lúc này cần làm sạch mũi bằng nước muối sinh lý trước khi nhỏ thuốc cho bé để thuốc phát huy hiệu quả.
Mẹ chỉ nên rửa mũi cho trẻ khi cần thiết (Ảnh minh họa: Internet)
Rửa mũi cho bé bằng dung dịch nước muối sinh lý (nồng độ muối 0,9%), hiện nay trên thị trường thường có hai dạng là dung dịch nước muối sinh lý nhỏ mũi và một loại làm từ nước biển sâu làm giảm nồng độ muối chưa hoặc đã đẳng trương. Đối với trẻ nhỏ, nên sử dụng các loại nước nhỏ mũi không bơm áp suất, nhỏ từ 2-3 giọt, trẻ lớn hơn từ 4-5 giọt, dùng dụng cụ hút mũi thích hợp hút mũi cho bé, chú ý tránh dùng các vật nhọn làm trầy xước mũi.
Trẻ lớn có thể dùng loại có bơm áp suất và cho bé tự xì mũi. Tránh dùng có loại bình xịt áp suất cao với trẻ nhỏ có thể ảnh hưởng đến cấu trúc xương mũi bé cũng như rất dễ gây tình trạng sặc nước muối vì các khoang trong miệng trẻ được thông với nhau làm trẻ sợ.
Tuy nhiên, trong trường hợp bé không ốm bệnh, bạn không nên rửa mũi cho bé với mục đích phòng ngừa viêm đường hô hấp vì việc lạm dụng nước muối sinh lý để rửa mũi cho bé sẽ làm hư hại lớp niêm mạc mũi dễ gây nên tình trạng viêm nhiễm. Bạn chỉ cần nhỏ rửa mũi cho bé 1 lần/tuần hoặc chỉ khi đưa bé đến những nơi có nhiều bụi bặm.
Bạn cũng nên lưu ý không nên sử dụng các loại nước muối tự pha nếu không có hướng dẫn thích hợp. Khi tự pha cần đảm bảo nồng độ nước muối là 0,9% tức khoảng 9g muối tinh khiết cho 1 lít nước. Chú ý nguồn nước cần sạch và tinh khiết. Đã có một số báo cáo về một số trường hợp tự pha nước muối nhỏ mũi trên thế giới bị nhiễm amip 'ăn não người' Naegleria fowleri, một loài sinh vật đơn bào có thể chui vào mũi, lên não gây nên tình trạng viêm nhiễm và hoại tử não.
Cần biết nồng độ muối trong nước muối sinh lý, các ion trong nước muối 'biển sâu' không đủ hoặc không có khả năng diệt vi khuẩn mà trong trường hợp cần thiết cần dùng thuốc diệt khuẩn chuyên biệt. Do đó khi trẻ vị viêm nhiễm đường hô hấp cần sự tư vấn của bác sĩ để điều trị thích hợp chứ không thể chỉ dùng nước muối sinh lý để tự chữa trị.
Chuyên gia tư vấnKim Mai
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!