Làm sao để gắn kết với con khi cho bé bú?

Dinh dưỡng cho Trẻ - 04/27/2024

Hello Bacsi tin rằng khi mẹ học cách gắn kết với con khi cho bé bú sẽ đem lại những trải nghiệm mẫu tử tuyệt vời đấy. 

Một vị trí cho bú phù hợp sẽ đem lại một khởi đầu thuận lợi. Nhưng để cho con bú thành công thì bạn phải thành thạo việc gắn kết bầu sữa bạn với miệng của con để hai mẹ con kết hợp ăn ý với nhau. Chuyện này rất dễ dàng đối với một số người, nhưng với một số khác thì lại phải thực hành rất nhiều mới thành thục được.

Việc gắn kết mẹ và con khi cho bé bú là một tổ hợp các hành động gắn kết miệng bé lên núm vú và vùng quầng vú xung quanh. Nướu của bé sẽ tạo ra áp lực lên các vùng này để kích thích các xoang sữa nằm bên dưới bầu ngực để sữa có thể tiết ra. Nếu chỉ mút núm vú không, bé sẽ vẫn đói (vì các tuyến tiết ra sữa sẽ không được tác động) và điều này cũng sẽ làm cho người mẹ bị đau núm vú và thậm chí bị thương. Hãy chắc chắn rằng bé không bú nhầm chỗ. Trẻ sơ sinh rất thèm bú, ngay cả khi không có sữa nên nướu của bé có thể gây ra các vết bầm khi bé cứ mút vào vùng mô nhạy cảm của bạn.

Chọn tư thế cho bé bú phù hợp

Khi bạn và bé bạn đang ở trong một tư thế thoải mái, hãy nhẹ nhàng cù môi bé với núm vú của bạn cho đến khi miệng bé mở rộng như đang ngáp. Một số chuyên gia khuyên bạn nên hướng núm vú về phía mũi của bé và sau đó từ từ ấn xuống phần dưới của môi trên để bé mở miệng rộng hơn. Điều này ngăn việc môi dưới của bé bị ép vào trong khi đang bú. Nếu bé không chịu mở miệng, bạn có thể thử ép sữa lên môi bé để khuyến khích bé kết nối với bầu sữa. Nếu bé quay đi, hãy nhẹ nhàng vuốt phần má gần bạn nhất. Phản xạ tự nhiên sẽ làm bé quay đầu về phía ngực của bạn (chú ý không nên nhấn vào hai bên má để mở miệng bé). Một khi đã quen với việc bú thì bé sẽ hướng về vú của bạn khi cảm thấy ngực bạn đến gần hay nghe thấy hơi sữa.

Khi bé đã mở miệng rộng, hãy di chuyển bé lại gần bạn. Chú ý đừng di chuyển ngực bạn đến chỗ bé và không ép đầu bé vào ngực của bạn. Bạn không được nhét núm vú vào miệng nếu bé không muốn. Hãy để bé chủ động làm việc này. Bạn sẽ mất khá nhiều công sức trước khi bé chịu mở miệng hoặc há miệng đủ rộng. Hãy nhớ dùng tay giữ ngực bạn cho đến khi bé đã bám chắc và bú tốt, tránh không buông tay khỏi vú quá nhanh.

Theo dõi bé bú

Bạn sẽ biết bé có đang bám miệng vào đúng chỗ hay không khi quan sát cách cằm và chóp mũi bé chạm vào vú của bạn. Khi bé bú, núm vú sẽ được đưa vào vào phía gần cổ họng bé, và phần nướu nhỏ nhắn của bé sẽ nhẹ nhàng ngoạm lấy quầng vú của bạn. Môi của bé sẽ chếch ra như miệng cá, chứ không phải co vào bên trong. Ngoài ra, hãy kiểm tra để đảm bảo rằng bé không đang mút môi dưới của chính mình hoặc lưỡi (vì núm vú của bạn lúc này nằm bên dưới lưỡi thay vì ở trên). Bạn có thể kiểm tra bằng cách kéo môi dưới của bé xuống trong quá trình cho bú. Nếu đúng là bé đang mút lưỡi của mình, hãy dùng ngón tay của bạn ngăn lại ngay và đưa núm vú của bạn ra, hạ lưỡi bé xuống trước khi bạn bắt đầu một lần nữa. Nếu bé đang mút môi của chính mình, hãy nhẹ nhàng đẩy môi bé ra khi bé đang ngậm.

Việc cho con bú sẽ không gây đau cho mẹ nếu bé mút  đúng vị trí. Nếu bạn cảm thấy đau khi cho con bú, bé có thể đang gặm núm vú thay vì mút. Lúc này hãy đỡ bé ra khỏi vú và làm lại lần nữa. Nếu bạn nghe tiếng lích kích, điều này cũng có nghĩa là bạn và bé đã gắn kết không đúng.

Cho bé không gian để hít thở

Nếu ngực của bạn chặn ngay mũi của bé khi bé bám vào, hãy nhẹ nhàng dùng tay đè vú xuống hoặc nâng nhẹ bé lên. Nhưng vì bạn là người điều khiển chính, hãy chắc chắn rằng bạn không nới lỏng sự liên kết này.

Cho bé ngừng bú một cách thận trọng

Khi bé đã bú xong nhưng vẫn còn ngậm vú thì việc đẩy vú ra đột ngột có thể gây tổn thương cho núm vú của bạn. Thay vào đó, cho bé dừng mút bằng cách đặt ngón tay của bạn vào góc miệng của bé để bé nhận ra. Sau đó nhẹ nhàng đặt ngón tay vào giữa hai nướu của bé và đẩy nhẹ cho đến khi bạn cảm thấy bé đã nhả ra.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!