Bạn băn khoăn làm sao để từ chối một lời mời hay sự nhờ vả vì quá lo lắng sợ bị mất lòng người khác? Mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng nếu bạn suy nghĩ đơn giản hơn.
Có những lúc bạn nhận được nhiều lời nhờ vả cùng một lúc và bạn không thể đồng ý với tất cả vì bạn cũng bận rộn với công việc và kế hoạch của riêng mình. Vậy làm thế nào để từ chối người khác mà không làm họ mất lòng?
Áp lực của việc nói “không”
Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đều đã từng trải qua tình huống khó xử khi nói “không” đối với sự hỏi xin giúp đỡ của một ai đó. Trên thực tế, chúng ta thường có xu hướng trả lời “đồng ý” với hầu hết các vấn đề vì chúng ta sẽ cảm thấy nhẹ nhõm và vui vẻ khi có thể giúp đỡ người khác. Không chỉ như vậy, bạn còn đồng ý khi bạn cảm thấy giúp đỡ người khác là việc cần phải làm như một loại trách nhiệm.
Bạn cũng có thể đồng ý nếu như bạn cảm thấy bạn có thể làm được điều mà người khác nhờ vả. Ngoài ra, còn có một lý do khác đó là người hỏi xin giúp đỡ là người bạn không thể từ chối như sếp, đồng nghiệp, bạn thân, người yêu… Điều này dẫn đến sự khó xử khiến bạn phải gật đầu chấp nhận thỉnh cầu một cách miễn cưỡng.
Tại sao bạn cần học cách từ chối?
Việc quyết định nói “không” trong một số tình huống có thể không dễ thực hiện. Có lẽ bạn đã nghĩ đến việc từ chối, tuy nhiên lại không đủ kiên quyết để nói ra. Thỉnh thoảng, việc bạn luôn luôn đồng ý giúp đỡ mọi người sẽ khiến cho bạn gần như không còn thời gian để dành cho bản thân. Bạn phải làm những công việc mà đáng ra bạn không có trách nhiệm phải thực hiện.
Do đó, nếu bạn học được cách sử dụng nghệ thuật từ chối, có lẽ bạn sẽ có nhiều thời gian hơn để hoàn thành những mục tiêu của bản thân. Việc học cách nói “không” cũng có thể giúp cuộc sống và công việc của bạn thay đổi một cách tích cực, bởi vì việc từ chối ai đó đồng nghĩa với việc bạn có thể chuyên tâm hơn vào vấn đề của riêng mình.
Bí quyết của nghệ thuật từ chối
1. Cân nhắc về trách nhiệm của mình
Một trong những thách thức lớn nhất trong việc học cách từ chối chính là cảm giác về bổn phận. Điều này có nghĩa là hãy cân nhắc xem liệu bạn có cảm thấy rằng bạn có trách nhiệm hoặc nghĩa vụ phải đồng ý với lời nhờ vả đó hay không? Trên thực tế, bạn sẽ cảm thấy lo lắng bởi vì e ngại người hỏi giúp đỡ sẽ cho rằng bạn không nhiệt tình và tốt bụng. Tuy nhiên, nếu nhận lời tất cả thì bạn có nguy cơ bị stress vì phải lo lắng quá nhiều thứ cùng một lúc!
Vì thế, bạn nên tự hỏi xem mình có thực sự cần thiết phải đồng ý hay không. Hãy xem xét mức độ quan trọng của người nhờ và tính chất khả quan của công việc. Nếu bạn thường nhận sự giúp đỡ của người nhờ vả và công việc mà họ nhờ bạn không quá khó khăn, hãy sẵn lòng giúp đỡ họ. Ngược lại, nếu bạn cảm thấy không cần thiết hoặc thật sự bận rộn, bạn có thể thẳng thắn từ chối một cách nhỏ nhẹ và lịch sự.
2. Vượt qua hội chứng sợ bị bỏ rơi
Bạn có từng trải qua cảm giác sợ bị bỏ rơi, hay còn gọi là hội chứng FOMO? Người mắc hội chứng này thường biểu hiện rất nhiều dấu hiệu dễ nhận biết. Chẳng hạn như trong công việc, bạn có thể luôn muốn làm thêm giờ hoặc tình nguyện làm thêm phần việc của mọi người bởi vì nỗi sợ bị đồng nghiệp cô lập. Trong đời sống cá nhân, bạn có thể luôn đồng tình với ý kiến của số đông bởi vì bạn sợ bản thân khác biệt và bị bạn bè xa lánh. Hội chứng FOMO mang tính ảnh hưởng rất nhiều đối với quyết định của bạn, bao gồm cả việc từ chối sự nhờ vả.
Hãy tự hỏi: Bạn trả lời “đồng ý” là bởi vì cảm giác sợ bị bỏ rơi hay là do bạn thực sự muốn giúp đỡ? Nếu câu trả lời là do bạn sợ bị bỏ rơi, đã đến lúc bạn nên ngừng trốn tránh và học cách đối mặt với nỗi sợ của bản thân. Những người bạn thực sự sẽ không rời bỏ bạn chỉ vì bạn quá bận rộn và không thể giúp họ. Vì thế, hãy yên tâm rằng bạn hoàn toàn có quyền nói “không” mỗi khi cần thiết.
3. Đối mặt với phản ứng của đối phương
Bạn có từng lo lắng rằng người nhờ vả sẽ phản ứng như thế nào nếu bạn từ chối giúp đỡ họ? Chính xác hơn là bạn có sợ phải đối mặt với các phản ứng và thái độ tiêu cực của người nhờ vả khi bạn nói “không” với yêu cầu của họ? Có lẽ, bạn lo sợ rằng sẽ họ cảm thấy buồn bã, thất vọng hoặc giận dữ. Trên thực tế, chúng ta thường có xu hướng muốn làm hài lòng mọi người cũng như không muốn đánh mất sự tôn trọng của người xung quanh.
Hãy nhớ rằng việc từ chối một lời nhờ vả là cực kỳ cần thiết trong một số tình huống để “ngầm” tỏ ý cho đối phương biết bạn thật sự không có thời gian. Có lẽ vào khoảng thời gian đầu, bạn sẽ cảm thấy hụt hẫng khi một số người sẽ quay lưng hoặc không còn quý mến bạn nữa. Tuy nhiên, việc vạch ra ranh giới rõ ràng giữa đồng ý và từ chối sẽ giúp bạn có thêm nhiều thời gian hơn để có thể chú tâm vào công việc hoặc theo đuổi điều bạn thực sự yêu thích. Bạn chỉ nên đồng ý giúp đỡ một người nếu bạn thực sự muốn và có đủ thời gian rỗi.
4. Suy nghĩ kỹ trước khi nhận lời giúp đỡ
Thỉnh thoảng, khi một người hỏi xin giúp đỡ, theo bản năng, bạn có thể đồng ý ngay lập tức mà không suy nghĩ. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không có lợi cho bạn. Có thể thoạt đầu bạn cảm thấy lời nhờ vả không khó thực hiện và bạn hoàn toàn làm được, tuy nhiên sau đó nó có thể phát sinh một số vấn đề làm bạn đau đầu. Chính điều này sẽ đẩy bạn vào tình trạng quá tải và bận rộn vì những chuyện không cần thiết. Đừng để bản thân khó xử vì rơi vào tình trạng nói được mà không làm được nhé!
Hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi nhận lời giúp đỡ bất kỳ ai. Khi một người đề nghị sự giúp đỡ từ bạn, điều đầu tiên là bạn hãy nói rằng bạn cần phải suy nghĩ hoặc xem xét thêm. Sau khi cân nhắc, bạn có thể đưa ra câu trả lời là đồng ý hoặc không.
Hãy luôn nhớ rằng chỉ có bạn mới là người có quyền kiểm soát các quyết định của bản thân và đừng để cho bất kỳ yếu tố nào ảnh hưởng. Bạn có thể đồng ý giúp đỡ người khác nếu muốn cũng như từ chối nếu cần nhé!
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Nói chuyện về tình dục với bạn đời, dễ hay khó?
- Trắc nghiệm tâm lý: Bạn kỳ vọng điều gì trong năm mới?
- 10 mẹo giúp bạn phục hồi mặt tâm lý tốt hơn
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!