Các kháng sinh họ bêta - lactam với khoảng hơn 50 dẫn xuất như amoxycillin, penicillin, cephalexin... đều có tác dụng điều trị và độ an toàn tương đối cao. Tuy nhiên, đây cũng là nhóm nguyên nhân chủ yếu gây ra các phản ứng dị ứng do thuốc.
Các phản ứng phụ đáng lo ngại nhất của nhóm thuốc này là những phản ứng dị ứng tức thì gây ra do kháng thể IgE đặc hiệu với thuốc. Những phản ứng này thường xảy ra trong vòng vài phút đến vài giờ sau khi dùng thuốc. Biểu hiện nhẹ thường là nổi ban đỏ ngứa, phù mắt, môi.
Những trường hợp nặng có thể gây tụt huyết áp, co thắt phế quản hoặc phù nề thanh quản. Một số phản ứng dị ứng muộn cũng có thể xảy ra sau dùng các kháng sinh bêta-lactam như thiếu máu tan máu, hội chứng Stevens-Johnson và viêm da.
Dị ứng thuốc kháng sinh có thể gây những hậu quả khôn lường (Ảnh: Internet)
Riêng ampicillin và amoxycillin thường gây ra ban dạng sởi. Đây là một dạng ban đỏ xảy ra tương đối muộn, không nguy hiểm đến tính mạng và chưa rõ cơ chế, thường xảy ra hơn ở những người có nhiễm vi-rút Epstein-Barr hoặc cytomegalovirus.
Để dự phòng và hạn chế các phản ứng dị ứng do nhóm kháng sinh bêta - lactam, cần khai thác kỹ tiền sử dị ứng trước đây của người bệnh và thử test dị ứng với thuốc và các dị nguyên của thuốc trước khi sử dụng.
Với những người bệnh trước đây đã bị các thể dị ứng nặng do các kháng sinh bêta - lactam như sốc phản vệ, hội chứng Stevens-Johnson, nên tránh dùng lại các kháng sinh trong họ này và tìm các thuốc thay thế thích hợp.
Nếu không có các thuốc thay thế thích hợp, có thể cân nhắc điều trị giảm mẫn cảm tại các cơ sở chuyên khoa dị ứng. Có thể xảy ra dị ứng chéo giữa các kháng sinh cephalosporin và penicillin, đặc biệt là các kháng sinh cephalosporin thế hệ 1.
>> Xem thêm: Hỏi - đáp về bệnh dị ứng thuốc
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!