Những điều bạn cần biết về viêm da dị ứng

Sơ cứu & Phòng ngừa - 05/01/2024

Viêm da dị ứng tuy là bệnh ngoài da nhưng tuyệt đối không nên xem thường, bởi nếu không chữa trị đúng cách và kịp thời, bệnh sẽ để lại sẹo.

Viêm da dị ứng tuy là căn bệnh ngoài da nhưng mọi người tuyệt đối không nên xem thường, bởi nếu không chữa trị đúng cách và kịp thời, bệnh qua đi sẽ để lại sẹo hoặc vùng da đổi màu.

Viêm da dị ứng là thuật ngữ chung mô tả tình trạng kích ứng da. Viêm da có thể do nhiều nguyên nhân và biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như ngứa, sưng hay đỏ da là tình trạng phổ biến. Vùng da bị dị ứng có thể có dấu hiệu sưng phồng, khô tróc hoặc bong vẩy.

Viêm da là tình trạng phổ biến không gây truyền nhiễm, nhưng nó khiến bạn cảm thấy khó chịu. Bạn có thể tự điều trị bằng thuốc tại nhà. Hãy cùng Hello Bác sĩ tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng cũng như một số cách điều trị khi bạn gặp phải tình trạng này nhé!

Triệu chứng

Mỗi loại viêm da có thể trông hơi khác nhau một chút và có xu hướng xảy ra ở các bộ phận khác nhau trên cơ thể. Các loại viêm da thường gặp nhất bao gồm:

  • Bệnh viêm da cơ địa hay còn gọi là bệnh chàm thể tạng (Eczema − chàm). Ở trẻ em, bệnh thường xuất hiện với các vết mẩn đỏ, ngứa thường ở vùng da tại các vị trí hay co duỗi như bên trong khuỷu tay, phía sau đầu gối và phía trước cổ. Bệnh này rất dễ tái phát;
  • Viêm da tiếp xúc. Bệnh nhân có dấu hiệu phát ban trên các vùng cơ thể thường xuyên tiếp xúc với các chất gây kích ứng da hoặc gây ra phản ứng dị ứng, ví dụ như thuốc độc, xà phòng hoặc một số loại tinh dầu. Các vết phát ban da đỏ có thể nóng, có nọc hoặc ngứa hay phồng to lên;
  • Viêm da tiết bã. Tình trạng này gây ra những mảng vảy cứng, da đỏ và khiến da đầu có gàu. Viêm da tiết bã thường xuất hiện ở các vùng da dầu trên cơ thể như vùng ngực và lưng.

Nguyên nhân gây viêm da dị ứng

Hệ thống miễn dịch có liên quan đến vấn đề dị ứng ở da. Sau khi chạm vào một thứ gì đó khiến hệ thống miễn dịch của bạn nhầm tưởng rằng cơ thể đang bị tấn công, nó bắt đầu hoạt động tạo ra kháng thể để chống lại kẻ xâm lược. Một chuỗi các phản ứng gây ra việc giải phóng các hóa chất trong đó bao gồm histamine. Đó là nguyên nhân gây ra phản ứng dị ứng có cả tình trạng xuất hiện các vết phát ban ngứa. Các nguyên nhân thông thường có thể gây ra viêm da dị ứng bao gồm:

  • Thuốc nhuộm, duỗi tóc;
  • Nickel, một kim loại được tìm thấy trong đồ trang sức và khóa dây nịt;
  • Da (đặc biệt là các loại hóa chất tạo da);
  • Cao su;
  • Trái cây có múi, đặc biệt là phần vỏ;
  • Hương thơm xà phòng, dầu gội, dầu thơm, nước hoa và mỹ phẩm;
  • Một số loại thuốc đặc trị sử dụng trên da.

Thông thường, bạn sẽ không bị phát ban dị ứng ngay lần đầu tiên tiếp xúc, nhưng dần già da bạn trở nên nhạy cảm hơn, lần tiếp theo có thể da bạn sẽ xuất hiện các triệu chứng phát ban.

Nguy cơ gây bệnh

Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ phát triển các bệnh viêm da dị ứng bao gồm:

  • Tuổi tác: Bệnh viêm da dị ứng thường xảy ra nhiều hơn ở trẻ em;
  • Dị ứng và hen: Những người có tiền sử gia đình hoặc cá nhân bị bệnh chàm, dị ứng, sốt hoặc hen suyễn có nhiều khả năng bị viêm da dị ứng hơn;
  • Nghề nghiệp: Các công việc tiếp xúc với một số loại kim loại, dung môi hoặc chất tẩy rửa làm tăng nguy cơ bị viêm da tiếp xúc;
  • Tình trạng sức khỏe: Bạn có thể có nguy cơ bị viêm da tiết bã nếu bạn mắc một trong số các bệnh như suy tim sung huyết, bệnh Parkinson hay HIV.

Điều trị

Việc điều trị có thể thay đổi tùy thuộc vào nguyên nhân và tình trạng bệnh ở từng đối tượng. Các phương pháp điều trị tại nhà bao gồm:

  • Rửa da bằng xà phòng nhẹ và nước mát ngay nếu có thể;
  • Khi phát ban chỉ một vùng nhỏ, bạn có thể bôi kem hydrocortisone để giảm bớt tình trạng phát ban;
  • Bôi kem dưỡng ẩm để giúp da khôi phục lớp bảo vệ;
  • Thuốc kháng histamine dạng uống có thể giúp giảm ngứa. Không sử dụng kem chống histamine trừ khi có chỉ định của bác sĩ, vì nó có thể gây kích ứng da hoặc gây ra dị ứng.

Khi nào bạn cần đến gặp bác sĩ?

Bạn cần tìm đến bác sĩ ngay khi tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn. Một số biểu hiện bệnh trầm trọng bao gồm:

  • Bạn khó chịu đến nỗi bị mất ngủ;
  • Da bạn có cảm giác đau hơn;
  • Bạn nghi ngờ về khả năng nhiễm bệnh;
  • Bạn đã thử điều trị tại nhà nhưng không hiệu quả.

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh, bác sĩ có thể kê toa các viên thuốc steroid hoặc thuốc mỡ và thuốc kháng histamine.

Ngoài các phương pháp điều trị như trên, mỗi chúng ta cần tạo thói quen chăm sóc da hằng ngày kết hợp với chế độ ăn uống bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết để giúp cơ thể khỏe mạnh và ngăn ngừa các bệnh về da không mong muốn bạn nhé!

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • Bạn có thể phân biệt bệnh vẩy nến, chàm và viêm da?
  • Bạn biết gì về bệnh viêm da?
  • Dị ứng theo mùa nên ăn gì và kiêng gì?

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!