Làm thế nào để vượt qua sự lười biếng sau kỳ nghỉ dài ngày (P1)

Sống Khỏe - 04/20/2024

Hello BACSI - Đâu là cách giúp bạn thoát khỏi tình trạng lười biếng để quay trở lại guồng làm việc thường ngày một cách hiệu quả đây?

Cảm thấy mệt mỏi và trì trệ trong công việc là cảm giác thường gặp sau mỗi kỳ nghỉ lễ dài ngày. Vậy đâu là cách giúp bạn thoát khỏi nó một cách nhanh chóng để quay trở lại guồng làm việc thường ngày một cách hiệu quả đây?

Đối với những người năng động và làm việc hiệu quả, họ thường tự cho rằng lười biếng là khi họ dành thời giản rảnh để thư giãn hoặc các dự án vẫn chưa được hoàn thành đúng hạn. Trước khi vội vàng kết luận đó có phải là do lười biếng hay không, bạn hãy ngừng lại một chút và tìm ra chính xác vấn đề của mình là gì.

Phân tích và đánh giá hiện trạng bản thân

Bạn có thể dùng các phần mềm kiểm soát thời gian làm việc hoặc đơn giản chỉ là kẻ bảng và ghi ra những việc bạn làm trong khoảng thời gian cụ thể mỗi ngày trong vòng 1 tuần. Sau khi đã có dữ liệu trong một tuần, bạn có thể thấy vấn đề của mình rơi vào 1 trong 3 trường hợp sau:

  • Vấn đề về tự kiểm soát bản thân: nếu lịch làm việc đã kín mít nhưng bạn vẫn chưa hoàn thành xong công việc trong thời gian quy định, bạn có thể đang gặp phải vấn đề trong việc tự kiểm soát bản thân. Các giải pháp cho vấn đề này có thể là hạn chế tiếp xúc với những yếu tố khiến bạn mất tập trung, bên cạnh đó bạn vẫn phải tìm cách thúc đẩy năng suất làm việc của bản thân;
  • Do đặt mục tiêu quá cao:nếu lịch làm việc của bạn kín và bạn đã hoàn thành những việc cần làm nhưng vẫn cảm thấy bản thân lười biếng thì vấn đề có thể là do bạn quá khắt khe với bản thân và đặt ra những mục tiêu quá cao. Chúng ta đều muốn hoàn thành công việc nhưng cũng không nên ép cơ thể làm việc quá mức;
  • Thiếu động lực: nếu lịch làm việc của bạn tương đối trống hoặc phần lớn thời gian của bạn dành cho việc ngủ và các hoạt động giải trí, thiếu động lực có thể là vấn đề của bạn. Thiếu động lực có thể do bạn không biết bản thân muốn làm gì và nên làm gì hoặc bạn đang phải vật lộn với chứng trầm cảm. Tuy nhiên ai cũng sẽ phải trải qua khoảng thời gian thiếu động lực như vậy. Bạn nên dành thời gian để tìm ra được điểm yếu của mình và lập 1 kế hoạch làm việc phù hợp nhất với điểm mạnh và điểm yếu của bản thân.

Chìa khoá dành cho bạn: kiên trì và theo sát kế hoạch làm việc mỗi ngày

Một khi bạn đã bắt đầu quay lại công việc, hãy kiên trì thực hiện lịch làm việc đã lên sẵn vì sự lười biếng có thể quay lại một khi bạn hơi lơ là và không đi theo đúng lịch trình kế hoạch trước đó. Chỉ cần một ngày chểnh mảng khỏi kế hoạch, bạn sẽ có khả năng quay trở lại vạch xuất phát và lại phải tiếp tục vật lộn với cảm giác chán nản, lười biếng không muốn làm việc. Bạn vẫn có thể không thực hiện đúng hoàn toàn kế hoạch trong một vài ngày nhưng bạn vẫn phải nhớ quay lại đúng tiến độ ngay sau đó để tránh bị quên mất những mục tiêu kế hoạch đã tự lập ra. Bạn hãy nhớ rằng, lười biếng chỉ là thói quen chứ không phải  tính cách cố định, và thói quen này có thể sửa được một khi bạn kiên trì đủ nhiều.

Một phương pháp khá hiệu quả để duy trì các thói quen là sử dụng phương pháp theo dõi tiến độ thực hiện các mục tiêu. Mục đích của việc làm này chính là để nhắc bạn những việc cần làm và đẩy nhanh tiến độ. Quan trọng hơn, bạn có thể kiểm soát được những mục tiêu cũng như số lần hoàn thành chúng.

Bạn có thể sử dụng “Done list” – danh sách ghi lại những việc, mục tiêu đã hoàn thành. Khi thấy được những thay đổi và công việc đã được hoàn thành sẽ tiếp thêm động lực cho bạn tiếp tục thực hiện những mục tiêu tiếp theo.

Ở phần 2, mời bạn tiếp tục tìm hiểu về những cách để trân trọng công việc  của mình nhé

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!