Lao cột sống có nguy hiểm?

Cần biết - 11/24/2024

Nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm, lao cột sống có thể để lại những di chứng nặng nề, gây tàn phế hoặc ảnh hưởng nhiều đến công việc, học tập và sinh hoạt hàng ngày.

Năm nay tôi 38 tuổi, bị đau lưng kéo dài. Đi khám phát hiện bị mắc lao cột sống nên tôi rất lo lắng.

Xin quý báo cho biết bệnh có nguy hiểm và gây biến chứng không?

Trần Lan (Hải Phòng)

Lao cột sống là một trong những bệnh lao ngoài phổi tương đối hiếm gặp, là tình trạng viêm đốt sống - đĩa đệm do lao hay gặp nhất, bệnh nhân sốt nhẹ về chiều, vã mồ hôi, gầy sút, da xanh xao, ăn uống kém kèm theo đau cột sống âm ỉ liên tục, đau tăng về đêm.

Khi bị lâu có thể dẫn đến xẹp đốt sống gây gù nhọn. Lao có thể rò mủ ra ngoài, chất mủ giống như bã đậu. Cũng có khi lao tạo thành ổ áp-xe lạnh cạnh cột sống.

Nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm, lao cột sống có thể để lại những di chứng nặng nề, gây tàn phế hoặc ảnh hưởng nhiều đến công việc, học tập và sinh hoạt hàng ngày.

Một số biến chứng thông thường là chèn ép thần kinh xung quanh do xẹp đốt sống, thoát vị đĩa đệm, do áp-xe lạnh, do viêm màng nhện tủy.

Nếu chèn ép thần kinh ở vùng cột sống thắt lưng gây yếu liệt hai chân, rối loạn cảm giác vùng hậu môn sinh dục, đại tiểu tiện không tự chủ.

Nếu chèn ép ở cột sống cổ có thể gây liệt tứ chi...

Lao cột sống là do vi khuẩn lao sau khi qua phổi hoặc hệ thống tiêu hóa sẽ theo đường máu hoặc bạch huyết đến khu trú tại một bộ phận nào đó của hệ thống cơ xương khớp gây bệnh nên có thể lây lan cho người tiếp xúc.

Vì vậy, khi phát hiện cần cách ly người, những người trong gia đình có tiếp xúc với bệnh nhân lao cần được khám và chụp Xquang phổi để phát hiện sớm tình trạng nhiễm lao, từ đó có biện pháp điều trị và quản lý hợp lý, tránh lây lan.

Điều lưu ý, người bệnh cần được theo dõi quản lý chặt chẽ, tuân thủ các nguyên tắc điều trị bệnh nhằm tránh hiện tượng lao tái phát, lao kháng thuốc.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!