Lo âu đến sút cân có đáng ngại?

Cần biết - 04/26/2024

Có người vì tăng cân mà lo lắng lại có người vì lo lắng mà sút cân. Trong đời sống, ai trong chúng ta cũng có lúc trải qua cảm giác lo âu, căng thẳng: về sức khỏe, công việc, học hành thi cử, an ninh...

Nếu lo âu, căng thẳng kéo dài thường xuyên sẽ dẫn tới các triệu chứng dần trở nên nghiêm trọng và có thể gây sút cân. Và đây là sút cân do bệnh lý.

Rối loạn lo âu

Khi ai đó thường xuyên lo âu, phiền muộn thì rất có thể đã mắc phải tình trạng rối loạn lo âu. Rối loạn lo âu làm giảm đáng kể chất lượng cuộc sống của người mắc. Có nhiều người vì lo âu kéo dài mà bị sút cân. Vì thế, nếu ai đó bỗng nhiên sụt giảm cân nặng cơ thể, nghi ngờ mình bị rối loạn lo âu, hãy đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị càng sớm càng tốt.

Mặc dù sút cân là hậu quả của nhiều rối loạn sức khỏe khác nhau, nhưng trong đó rối loạn lo âu là một nguyên nhân. Khi sự lo âu trở nên quá nặng nề, có thể làm gián đoạn cuộc sống của bạn, ảnh hưởng đến việc tập luyện và ăn uống đúng cách.

Các nhà khoa học phân chia ra 5 loại rối loạn lo âu, đó là: rối loạn lo âu thông thường, rối loạn hoảng sợ, rối loạn căng thẳng sau sang chấn, ám ảnh sợ xã hội và rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Trong đó một số nguyên nhân của rối loạn lo âu là: sang chấn từ những việc xảy ra trong cuộc sống, di truyền, thay đổi các chất hóa học trong não bộ và khả năng đối phó tình huống kém.

Lo âu đến sút cân có đáng ngại?

Các triệu chứng của lo lắng.

Biểu hiện của lo âu

Lo âu có biểu hiện các triệu chứng cả về mặt sinh lý lẫn cảm xúc. Triệu chứng sinh lý có thể tạo ra dấu hiệu tương tự một trường hợp cấp tính. Bệnh nhân thường xuất hiện các triệu chứng: đau đầu, mệt mỏi, khó thở, chóng mặt, tim đập nhanh, run và buồn nôn...

Triệu chứng về cảm xúc thường là: dễ cáu giận, cảm giác sợ hãi cực độ, luôn tìm kiếm những dấu hiệu của sự nguy hiểm và không thể tập trung vào công việc gì. Nếu những dấu hiệu này nặng, có thể khiến người bệnh lo lắng đến mức mất cảm giác ngon miệng và hay bỏ bữa. Tình trạng này kéo dài có thể góp phần dẫn đến sút cân nghiêm trọng cho đến khi được khám chẩn đoán và điều trị bệnh.

Tuy các triệu chứng khác của lo âu như tim đập nhanh, đổ mồ hôi, đau ngực, tiêu chảy và mệt mỏi không nguy hiểm và thường giảm nhẹ trong vòng vài phút, nhưng những dấu hiệu này có thể tiềm ẩn các nguy cơ như nhồi máu cơ tim, đột quỵ hay hạ đường huyết. Vì thế, bạn cần xin tư vấn từ bác sĩ để đảm bảo rằng bạn không có những yếu tố đe dọa tính mạng.

Lo âu ảnh hưởng nhiều đến đời sống người bệnh

Tình trạng lo âu trầm trọng và kéo dài có thể khiến cuộc sống của người bệnh bị mất thăng bằng: sinh hoạt hàng ngày, công việc, tài chính, đời sống xã hội. Căng thẳng cũng có tác động rất lớn lên cơ thể. Lo lắng sẽ gây tăng huyết áp, cộng thêm nếu chế độ ăn uống không lành mạnh, thường ngày ít vận động có thể dẫn đến các biến chứng như bệnh tăng huyết áp, bệnh tim mạch hay rối loạn ăn uống.

Phương pháp chữa trị

Nếu bạn hay người thân bị rối loạn lo âu thì việc tìm đến sự giúp đỡ của bác sĩ chuyên khoa là điều rất quan trọng để có được phương pháp điều trị đúng cho tình trạng bệnh lý này.

Việc điều trị bao gồm cả các bài tập luyện và chế độ ăn giúp bạn duy trì cân nặng. Bác sĩ có thể dùng liệu pháp nhận thức - hành vi giúp bạn tập trung vào các suy nghĩ và hành vi có thể trải qua khi bị lo âu.

Các nhà trị liệu có thể giúp bạn dần vượt qua những suy nghĩ không đúng đang ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn. Liệu pháp phơi nhiễm (exposure therapy) giúp bạn đối mặt thực tế với những điều gây ra lo lắng cho bạn.

Cùng với liệu pháp phơi nhiễm và đơn thuốc chống lo âu sẽ giúp hạn chế các triệu chứng của rối loạn lo âu. Bạn cũng nên học cách xử trí các tình huống trong cuộc sống và thực hành các phương pháp thư giãn sẽ giúp làm giảm lo âu, tăng cảm giác vị giác và giúp bạn cảm thấy bình thường trở lại.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!