Lợi ích bất ngờ của óc sáng tạo với sức khỏe con người

Tâm lý - 05/03/2024

Óc sáng tạo không chỉ đem lại nhiều lợi ích cho đời sống mà còn giúp ích cho sức khỏe tinh thần của bạn rất nhiều.

Việc giữ cho tinh thần và cảm xúc của bản thân không bị cuốn theo nhịp sống hối hả, tất bật trong thời đại ngày nay là một điều không dễ dàng. Hầu hết chúng ta đều đang lãng phí thời gian vào những việc linh tinh nơi công sở, cho việc chăm sóc con cái và bếp núc cùng những việc vặt không tên khác. Một báo cáo chỉ ra rằng thậm chí đối với những gia đình hai lợi tức (cả chồng và vợ đều có việc làm) thì người vợ vẫn phải dành ra 50 phút cho công việc nội trợ, nhiều hơn so với người chồng 18 phút mỗi ngày. Con số này cho thấy cuộc sống này bận rộn đến mức nào. Câu hỏi đặt ra là chúng ta phải làm thế nào để có thể tận dụng tối đa quỹ thời gian ít ỏi còn lại cho việc chăm sóc bản thân?

May mắn thay, những hoạt động mang tính sáng tạo lại là liệu pháp hữu hiệu dành cho tinh thần của bạn trong những trường hợp này. Cho dù bạn làm việc trong bất cứ lĩnh vực nào, từ việc viết lách, tài chính, làm vườn, chăn nuôi đến việc sản xuất âm nhạc thì một bộ óc sáng tạo cũng sẽ giúp những ý tưởng của bạn hiện lên một cách rõ ràng. Bên cạnh đó, sự sáng tạo cũng ảnh hưởng đến một số sở thích cá nhân như đọc sách hay nghe nhạc.

Dưới đây là năm cách giúp bạn có thể sử dụng óc sáng tạo của mình như một chiếc chìa khóa vàng để bảo vệ sức khỏe tinh thần cũng như cảm xúc của bạn giữa bộn bề cuộc sống.

Sự sáng tạo giúp giải tỏa căng thẳng

Bạn đã bao giờ cảm thấy mất phương hướng khi đang cố gắng làm việc gì đó chưa? Theo những bản tin của trang thông tấn Mỹ CNN được đăng tải gần đây thì những hoạt động mang tính sáng tạo có tác động đến cơ thể tương tự như khi chúng ta ngồi thiền. Đây được xem như là một bài tập yoga cho trí não của bạn.

Việc giảm đi tình trạng căng thẳng có tác dụng bảo vệ sức khỏe toàn diện của cơ thể. Theo tờ báo Sức khỏe cộng đồng Hoa Kỳ, những căn bệnh mãn tính như bệnh tim, trầm cảm hay chứng mất trí tạm thời ở người lớn tuổi (Alzheimer) có liên quan đến mức độ căng thẳng mà các bệnh nhân thường trải qua. Có nhiều nhân tố ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần như chế độ dinh dưỡng và tập luyện, tuy nhiên việc giảm tình trạng căng thẳng là phương pháp hữu hiệu nhất.

Cơ thể bạn không cần phải sản xuất ra các chất hóa học để giảm bớt căng thẳng mà đơn giản chỉ bằng cách quan sát quá trình sáng tạo của người khác, bạn đã có thể giải tỏa được áp lực tâm lý một cách hiệu quả. Chẳng hạn như khi xem một buổi hòa nhạc, bạn vừa có thể thưởng thức khả năng sáng tạo của các nghệ sĩ vừa có thể giảm bớt căng thẳng.

Bạn nên cho phép bản thân có thời gian để sắp xếp lại mọi thứ khi mất phương hướng. Do đó, bạn hãy thử một vài hoạt động mang tính sáng tạo và nên tạm thời tắt màn hình điện thoại di động hoặc máy tính. Tuy nhiên, bạn không nên tự đặt ra áp lực cho bản thân rằng mình phải tạo ra một tuyệt tác nghệ thuật. Thay vào đó, hãy suy nghĩ một cách đơn giản hơn, rằng đó chỉ là một sản phẩm của riêng bạn và tận hưởng từng phút giây trong quá trình tạo ra nó.

Sự sáng tạo tăng cường và làm mới chức năng não bộ

Rõ ràng, các hoạt động và dự án tiến hành trong trường học giúp các học sinh rèn luyện kỹ năng suy nghĩ sắc bén. Tuy nhiên, khi đề cập đến quá trình sáng tạo thì có thể nói đó là cách mà chúng ta phát  triển não bộ trên nhiều lĩnh vực khác nhau theo những cách tiếp cận mới hơn. Việc tham gia vào những hoạt động này giúp bạn bảo vệ sự phát triển của các nơ-ron thần kinh bằng cách thúc đẩy sản sinh ra các nơ-ron mới, điều đó đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì một hệ thần kinh trung ương khỏe mạnh.

Thêm vào đó, các hoạt động sáng tạo cũng có tác dụng giúp não bộ nhanh phục hồi hơn sau bệnh tật, các chấn thương hoặc tình trạng căng thẳng. Thực tế, các bác sĩ đã áp dụng rất nhiều những loại hình nghệ thuật khác nhau trong quá trình điều trị ở các bệnh nhân mắc các chứng rối loạn thần kinh nghiêm trọng hoặc những chấn thương tâm lý và cho thấy những dấu hiệu rất khả quan. Đặc biệt, những người tham gia vào các dự án làm đồ thủ công trong độ tuổi trung niên sẽ có nguy cơ mắc các vấn đề về nhận thức như chứng mất trí thấp hơn 45% so với những người khác.

Sự sáng tạo giúp ngăn ngừa chứng mất trí tạm thời ở người già (Alzheimer)

Cơ thể của chúng ta sẽ thay đổi rất nhiều khi chúng ta già đi và trí não cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Mặc dù bạn có thể làm trì hoãn quá trình lão hóa nhưng chắc chắc không có một cách cụ thể nào có thể ngăn cản những căn bệnh liên quan đến tuổi già.

Alzheimer là căn bệnh đầu tiên được nhắc đến khi nói về sức khỏe tinh thần ở tuổi xế chiều. Tình trạng thoái hóa não bộ nghiêm trọng này thường gặp ở những bệnh nhân trên 65 tuổi. Bạn có thể không cần phải lo lắng về căn bệnh này khi còn trẻ nhưng những thói quen xấu trong những năm 20 tuổi đến 30 tuổi của cuộc đời có thể tác động rất nhiều đến sức khỏe tinh thần của bạn trong tương lai.

Theo các nghiên cứu khoa học, sáng tạo ra các sản phẩm nghệ thuật giúp cải thiện sự tương tác giữa những phần khác nhau trong não bộ, đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn chức năng nhận thức suy thoái. Ngoài ra, các nghiên cứu này còn phát hiện ra rằng khi não bộ của bạn tham gia vào quá trình sáng tạo ra cái mới cũng là lúc thùy thái dương hoạt động và góp phần cải thiện và tăng cường trí nhớ.

Điều quan trọng là bạn có thể né tránh được chứng mất trí tạm thời nhưng không thể loại bỏ tận gốc căn bệnh này nếu chỉ tham gia vào các hoạt động mang tính sáng tạo. Chính vì thế mà bạn cần phải biết kết hợp những thói quen khác tốt cho sức khỏe như có một chế độ dinh dưỡng cân bằng, ngủ đủ giấc, tránh căng thẳng quá nhiều. Kết hợp những điều trên cùng với sự sáng tạo có thể làm chậm quá trình thoái hóa của não bộ một cách hiệu quả hơn.

Sự sáng tạo giúp cải thiện tâm trạng. Thỉnh thoảng, bạn có thể cảm thấy tâm trạng chán nản, đặc biệt là trong những giai đoạn khó khăn hay phải đương đầu với những biến cố của cuộc sống. May mắn thay, khi bạn say mê hát những bài hát yêu thích hay trong khoảnh khắc bạn sáng tạo ra cái mới có thể sản xuất ra liều thuốc tinh thần cứu bạn thoát khỏi những rắc rối hiện tại của cuộc sống.

Ngoài ra, những hoạt động mang tính sáng tạo có thể cải thiện sức khỏe tinh thần toàn diện. Các nghiên cứu khoa học nhấn mạnh rằng sự sáng tạo giúp cơ thể kiểm soát những nỗi đau về mặt cảm xúc và tình trạng trầm cảm tốt hơn rất nhiều.

Một nghiên cứu khác của Anh tiến hành theo dõi tình trạng tinh thần của 3500 người đan len trên toàn thế giới và kết quả cho thấy những người này luôn ở trong tâm trạng thư thái và luôn thấy hạnh phúc. Ngoài ra, các báo cáo cũng cho thấy những người càng đan len thường xuyên thì có chức năng nhận thức hoạt động tốt hơn.

Sự sáng tạo có thể nuôi dưỡng các mối quan hệ xã hội

Những mối quan hệ trong xã hội rất cần thiết đối với sức khỏe toàn diện của bạn. Cụ thể hơn, con người không chỉ cần phải có một quả tim khỏe mạnh mà điều quan trọng là phải sở hữu tinh thần thoải mái và vui vẻ. Nếu bạn không thể sống hòa hợp với cộng đồng thì sức khỏe tinh thần của bạn sẽ dễ dàng suy sụp. Trên thực tế, con người thường dễ gần gũi và liên kết với nhau thông qua những trải nghiệm và sở thích chung. Do đó, bạn hãy kết bạn với những người có cùng sở thích sáng tạo với mình để mở rộng mối quan hệ, từ đó làm cho tinh thần luôn vui tươi và sảng khoái.

Óc sáng tạo không chỉ mang lại nhiều lợi ích cho đời sống xã hội mà còn giúp ích cho sức khỏe tinh thần của bạn rất nhiều. Vì vậy đừng ngần ngại vận dụng óc sáng tạo của bạn vào cuộc sống thường ngày nhé.

Bạn có thể quan tâm một số bài viết sau đây:

  • 7 cách đơn giản giúp kích thích trí tưởng tượng cho bé
  • Ăn gì bổ não và tăng trí nhớ?
  • Ăn chay có ảnh hưởng tới sự phát triển của não bộ?

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!