Lười đánh răng - nguyên nhân chính dẫn đến viêm nướu

Chăm sóc răng miệng - 04/26/2024

Tìm hiểu về bệnh viêm nướu trên Hello Bacsi sẽ cho bạn biết về triệu chứng, nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa hiệu quả.

Viêm nướu là một dạng phổ biến và nhẹ nhất của bệnh nha chu. Đây là nguyên nhân gây kích ứng, tấy đỏ và sưng (viêm) ở nướu. Bởi viêm nướu là một loại bệnh nhẹ nên có thể bạn không nhận ra các triệu chứng của bệnh. Tuy nhiên, việc phát hiện bệnh sớm là rất quan trọng để có thể ngăn ngừa viêm nướu phát triển thành nha chu và khiến bạn bị mất răng.

Vì sao nướu bị viêm?

Nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh viêm nướu là do vệ sinh răng miệng kém. Vì thế, hãy tập dần các thói quen tốt cho sức khỏe răng miệng như đánh răng ít nhất 2 lần/ngày, dùng chỉ nha khoa đều đặn hoặc đi kiểm tra sức khỏe răng miệng thường xuyên nhằm ngăn chặng các bệnh về nướu.

Làm sao để nhận biết viêm nướu?

Nếu nướu của bạn khỏe, nó sẽ khỏe có màu hồng hoặc hồng nhạt nhạt. Nếu nướu bị phồng lên, chuyển màu đỏ sẫm hoặc dễ dàng chảy máu, có thể viêm nướu đã “tấn công” bạn. Bởi vì bệnh viêm nướu hiếm khi gây ra đau đớn nên có khả năng bạn mắc phải bệnh này mà không hề biết trước. Sau đây là một số biểu hiện của bệnh viêm nướu mà bạn nên lưu ý:

  • Sưng nướu;
  • Nướu mềm, phồng lên;
  • Nướu bị teo rút lại;
  • Thỉnh thoảng nướu trở nên nhạy cảm;
  • Nướu dễ bị chảy máu khi bạn đánh răng hoặc dùng chỉ nha khoa, thỉnh thoảng thấy có màu hồng hoặc đỏ trên bàn chải hoặc sợi chỉ nha khoa;
  • Nướu đổi màu từ hồng nhạt sang sẫm đỏ;
  • Hôi miệng.

Nếu bạn có bất kì thắc mắc phát sinh nào về các triệu chứng bệnh, hãy tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ hoặc nha sĩ để được giải đáp.

Bạn nên làm gì khi bị viêm nướu?

Sau đây là các bước bạn có thể thực hiện nhằm ngăn chặn và cải thiện tình trạng bệnh viêm nướu:

  • Khám răng định kì 6 tháng một lần để được kiểm tra sức khỏe răng miệng toàn diện và lấy vôi răng làm sạch khoang miệng;
  • Sử dụng bàn chải mềm và thay bàn chải mới ít nhất 3-4 tháng một lần;
  • Cân nhắc việc sử dụng bàn chải điện, loại bàn chải có khả năng loại bỏ các mảm bám và cao răng bên trong;
  • Đánh răng 2 lần/ngày, hoặc tốt hơn là sau mỗi bữa ăn hoặc sau khi bạn ăn thức ăn nhẹ;
  • Dùng chỉ nha khoa ít nhất 1 lần/ngày;
  • Sử dụng nước súc miệng sát khuẩn khi được các nha sĩ đề nghị;
  • Sử dụng dụng cụ làm sạch kẽ răng, chẳng hạn như tăm hoặc que xỉa răng được thiết kế đặc biệt để làm sạch kẽ răng.

Nếu bạn vệ sinh răng miệng đúng cách tại nhà, nướu của bạn sẽ tự hồi phục và chuyển sang màu hồng trong vòng vài ngày hoặc vài tuần. Tuy nhiên, sau đó bạn cần phải thực hành vệ sinh răng miệng thật tốt nhằm ngăn chặn những vấn đề về nướu có thể tái phát.

Khi nào bạn cần gặp nha sĩ?

Hầu hết các nha sĩ sẽ đề nghị bạn đi kiểm tra răng miệng định kì nhằm xác định và ngăn chặn các dấu hiệu của bệnh viêm nướu, sâu răng hoặc các bệnh răng miệng khác. Do đó, bạn nên sắp xếp lịch hẹn gặp nha sĩ thường xuyên. Việc phát hiện bệnh sớm sẽ tăng cơ hội cải thiện những tổn thương từ bệnh về răng miệng và ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh nha chu.

Làm thế nào để phòng ngừa viêm nướu?

Cách tốt nhất để có thể ngăn ngừa bệnh viêm nướu chính là lên kế hoạch vệ sinh răng miệng đúng cách. Bạn cần phải đánh răng hoặc dùng chỉ nha khoa trong khoảng từ 3-5 phút mỗi ngày. Dùng chỉ nha khoa trước khi đánh răng giúp bạn làm sạch những mảnh vụn thức ăn hoặc các vi khuẩn còn sót lại.  Hãy bắt đầu việc này càng sớm càng tốt và duy trì các thói quen tốt này thường xuyên trong suốt cuộc đời.

Bạn có thể đến gặp nha sĩ hoặc các chuyên viên vệ sinh răng miệng để được chăm sóc răng một cách chuyên nghiệp mỗi 6-12 tháng/lần. Trong trường hợp bạn mắc viêm nướu và các bệnh có dấu hiệu tiến triển, bạn cần đến nha sĩ để làm sạch răng thường xuyên hơn.

Nếu có bất kỳ thắc mắc hay đề nghị nào, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc nha sĩ để được có giải đáp tốt nhất.

Hello Health Group không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!