Bạn hoặc một vài người xung quanh bạn thường có dấu hiệu bị ốm vào mỗi cuối tuần hay các dịp lễ, Tết. Điều này nghe có vẻ buồn cười và bạn không lý giải được nguyên nhân tại sao mình thường xuyên bị ốm vào các ngày này.
Một số chuyên gia sức khỏe trên thế giới gọi tình trạng này bằng cái tên nghe rất thú vị là “bệnh giải trí”. Việc bạn mắc căn bệnh này như một sự phản ánh cách bạn quản lý những những áp lực của công việc và cách tiếp cận với sự cân bằng của cuộc sống.
Bệnh giải trí (Leisure Sickness) là bệnh gì?
Vào dịp nghỉ cuối tuần hay các kỳ nghỉ dài như lễ Tết, một số người luôn cảm thấy như mình đang bị ốm. Ở họ xuất hiện các triệu chứng như buồn nôn, đau đầu hay đau nửa đầu, đau cơ kèm theo các dấu hiệu của bệnh cảm lạnh và cúm. Nếu bạn có biểu hiện này, nghĩa là bạn đang mắc căn bệnh gọi là “bệnh giải trí”. Căn bệnh này thường xảy ra ở những người có xu hướng nghiện việc.
Bệnh giải trí tương tự như hội chứng Paradise. Đây là một thuật ngữ được một số nhà khoa học dùng để chỉ tình trạng cơ thể của một người nào đó đang phải cố gắng cân bằng giữa các hoạt động làm việc và nghỉ ngơi.
Những người luôn có xu hướng làm việc cật lực, có khối lượng công việc lớn, ý thức trách nhiệm cao thường dễ bị cảnh hưởng bởi căn bệnh này. Nguyên do là khi làm việc, cơ thể và tâm trí bạn luôn ở trong trạng thái phòng thủ vì đòi hỏi sự tập trung cao độ nhưng khi bạn được nghỉ, cơ chế phòng vệ của bạn thư giãn khiến bạn trở nên dễ bị bệnh hơn.
Năm 2002, giáo sư tâm lý học Ad Vingerhoets, trường Đại học Tilburg, Hà Lan, đã tiến hành nghiên cứu trên 1128 nam giới và 765 nữ giới trong độ tuổi từ 16 – 87. Kết quả cho thấy 6,8% nam giới và 5,9% nữ giới nhận ra mình có các triệu chứng của bệnh giải trí. Nghiên cứu chỉ ra rằng những người không có khả năng thích ứng với trạng thái không làm việc, có nhu cầu cao về thành tích và tinh thần trách nhiệm cao đối với công việc thường mắc căn bệnh này.
Nếu là một người nghiện công việc thì đây chính là thời điểm bạn nên sống chậm lại để bảo đảm sức khỏe, tránh tình trạng trải qua những ngày nghỉ trên giường bệnh.
Làm thế nào để không bị ốm trong các kỳ nghỉ?
Đặt ranh giới
Bạn là người thường xuyên phải tham dự hết cuộc họp này đến cuộc họp khác, luôn đáp ứng các yêu cầu, mong đợi của cấp trên, đồng nghiệp, thường bỏ bữa và làm việc đến tận đêm khuya… Đây chính là lúc bạn nên dừng lại.
Bạn cần thiết lập được ranh giới giữa công việc và khoảng thời gian nghỉ ngơi để giữ cho tinh thần không rơi vào trạng thái căng thẳng thường xuyên. Hãy lên danh sách liệt kê những việc bạn có thể ủy thác cho người khác, trì hoãn những việc không đòi hỏi phải làm ngay hay cần sự ưu tiên hay tập trung cao độ… Điều này sẽ giúp bạn có thời gian để làm những việc ngoài công việc nhưng lại làm cho bạn cảm thấy hạnh phúc.
Việc đặt ra ranh giới nhằm hướng não của bạn tập trung vào các nhiệm vụ quan trọng khi cần và vẫn có sự thư giãn khi bạn có thời gian nghỉ ngơi. Động thái này giúp não không bị sốc khi bạn trải qua kỳ nghỉ với trạng thái không làm việc. Điều này giúp bạn tránh bị ốm vì chứng bệnh giải trí gây ra.
Điều chỉnh khối lượng công việc
Hãy đánh giá xem khối lượng công việc mà bạn đang đảm trách có quá sức hay không. Nếu vì công việc mà bạn không có thời gian cho các mối quan hệ hay hoạt động với bạn bè, người thân, bạn nên có sự điều chỉnh phù hợp.
Ngoài bệnh giải trí, thói quen làm việc không khoa học có thể dẫn đến căng thẳng và kiệt sức cũng khiến bạn bị ốm. Đây là những nguyên nhân có thể dẫn tới huyết áp cao, bệnh tim, đái tháo đường, gia tăng tốc độ lão hóa, tăng cân, suy giảm hệ thống miễn dịch…
Đừng quên chăm sóc bản thân
Việc duy trì chế độ tập thể dục đều đặn và tập luyện sau khi làm việc, đặc biệt là ngày cuối cùng trước kỳ nghỉ, sẽ giúp cơ thể bạn quen dần với trạng thái thư giãn, nghỉ ngơi thực sự. Do đó, khi bạn trải qua kỳ nghỉ, cơ thể và tâm trí bạn đã quen với việc đó nên không rơi vào trạng thái bị ốm nữa.
Hãy thực hành các kỹ thuật thư giãn tích cực như hít thở sâu, tập yoga, thiền… để tránh căng thẳng thay vì ngồi trước tivi hoặc lướt net một cách thụ động. Điều quan trọng là hãy dành thời gian để làm những việc bạn thích như chơi một môn thể thao, trồng hoa, may vá, đọc sách, thậm chí là “tám” chuyện với bạn bè, người thân… Điều này giúp bạn thư giãn và đảm bảo rằng bạn thực sự biết cách để có thể thư giãn thực sự.
Ngoài ra, hãy luôn đảm bảo rằng bạn có được những giấc ngủ ngon. Giấc ngủ ngon có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần.
Thay đổi lối sống
Cuối tuần và các dịp lễ Tết là thời điểm tốt để bạn bắt đầu thay đổi lối sống tích cực hơn. Hãy dành thời gian để ngủ nhiều hơn, ăn nhiều hơn, nấu những bữa ăn đầy đủ dưỡng chất và cân bằng.
Thực tế là ăn nhiều hơn, ngủ nhiều hơn không đồng nghĩa với việc bạn ăn uống một cách vô độ, ngủ quá nhiều. Điều này có thể gây tác động xấu cho sức khỏe của bạn. Với những người bị ốm do bệnh giải trí và có kèm triệu chứng đau nửa đầu thì việc ngủ quá nhiều có thể làm trầm trọng hơn các dấu hiệu bệnh. Thời gian ngủ lý tưởng là 7 – 8 giờ/ngày.
Tìm hỗ trợ từ chuyên gia y tế
Nếu đã áp dụng các biện pháp kể trên mà vẫn không thể “chia tay” được với bệnh giải trí, bạn nên tìm kiếm sự hỗ trợ từ một bác sĩ. Nguyên do là trạng thái căng thẳng kéo dài có thể khiến bạn gặp các vấn đề xấu về sức khỏe, tinh thần.
Ngoài ra, việc tư vấn với một chuyên viên tâm lý cũng rất hữu ích. Họ có thể giúp bạn thực hành các hình thức trị liệu như liệu pháp hành vi nhận thức, liệu pháp hành vi cảm xúc hợp lý… Các liệu pháp này nhằm khôi phục lại sự cân bằng trong cuộc sống với sự quan tâm và đánh giá cao hơn đối với môi trường xã hội nói chung và gia đình nói riêng, có thể là một cách tiếp cận thú vị.
Quan Lan/HELLO BACSI
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- 16 bí quyết nhỏ khi vào bếp giúp bạn sống khỏe hơn
- Thực phẩm hữu cơ duy trì cuộc sống khỏe mạnh
- Các thói quen buổi sáng giúp bạn sống khỏe hơn mỗi ngày
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!