Lý giải hiện tượng đang ngủ mà vẫn... làm bài tập

Sống khỏe mạnh - 05/19/2024

Hiện tượng nêu trên gọi là mộng du-một bệnh nguy hiểm, thường xuất hiện sau khi bạn 'say giấc nồng' từ 1 - 2 giờ.

Lúc đó, con người đang rơi vào giấc ngủ sâu nên không nhận thức được việc mình bị mộng du. Mộng du có thể kéo dài từ vài giây đến 30 phút, tùy thuộc mức độ nặng - nhẹ của mỗi người.

Người bị mộng du sẽ làm những việc thường ngày như nấu ăn, làm bài tập, viết thư... hoặc những việc làm nguy hiểm như đi trên lan can, sân thượng... Họ thực hiện những hành vi với các gương mặt hoàn toàn vô hồn, đôi khi có phần đáng sợ. Lúc thức dậy, họ hoàn toàn không có chút ký ức nào về những gì mình đã làm.

Theo thống kê, có đến 25% trẻ em và 3% người trưởng thành từng trải qua chứng mộng du trong cuộc đời mình.

Chứng mộng du đã có từ rất lâu và giới khoa học vẫn chưa tìm ra câu trả lời chính xác khiến người ta lâm vào trạng thái này. Tuy nhiên, với những kết quả thu được ban đầu, các nhà thần kinh học thuộc Đại học Y Washington (Mỹ) cho rằng, nguyên nhân chính của chứng mộng du được quy định bởi một gen nằm trên nhiễm sắc thể số 20 của con người.

Lý giải hiện tượng đang ngủ mà vẫn... làm bài tập

Người bị mộng du sẽ làm những việc thường ngày như nấu ăn, làm bài tập, viết thư... hoặc những việc làm nguy hiểm như đi trên lan can, sân thượng... (Ảnh minh họa: Internet)

Qua nhiều năm nghiên cứu và ghi nhận, các nhà khoa học nhận thấy những gia đình có người bị mộng du thường có xu hướng 'chia sẻ' cho nhau một mã biến thể di truyền trên nhiễm sắc thể số 20. Điều này có thể liên quan trực tiếp đến việc rối loạn giấc ngủ.

Các gen có khả năng gây ra chứng mộng du đóng vai trò rất quan trọng với các hoạt động của não bộ. Một số gen có nhiệm vụ như chiếc 'công tắc', vô hiệu hóa các chức năng vận động của con người trong khi ngủ. Khi các gen này mắc khiếm khuyết, chúng sẽ khiến con người mắc chứng mộng du, thực hiện những hành động bên trong tiềm thức của họ. Thậm chí, đó có thể là các hành động mà khi tỉnh táo họ không thể làm được, ví dụ như nhào lộn trên lan can, tung hứng với dao…

Tuy nhiên, cũng có tài liệu ghi nhận rằng chứng mộng du có liên quan đến các triệu chứng con người gặp phải khi ngủ. Một trong những triệu chứng thường gặp nhất gây ra mộng du là chứng ngưng thở khi ngủ - một loại rối loạn khiến con người... quên thở trong lúc 'khò khò'. Và nếu mộng du và chứng ngưng thở khi ngủ này thật sự liên quan, biến thể gen gây ra mộng du sẽ đóng vai trò nhất định trong chức năng hô hấp của con người.

Các nhà khoa học sẽ mất thêm một khoảng thời gian nữa để xác định giả thiết nào là chính xác nhất. Tuy vậy, dù là khiếm khuyết gen nào đi nữa, tự bản thân chúng vẫn chưa đủ để gây ra chứng mộng du. Tình trạng thiếu ngủ, lo âu, mệt mỏi, sợ bóng tối, đau ốm triền miên… chính là một phần tạo nên triệu chứng này.

Khi phát hiện người thân đang bị mộng du, cần nhẹ nhàng, khéo léo kéo họ trở lại giường và tuyệt đối không được hét toáng lên hay đánh thức bất thình lình! Điều này rất dễ gây kích động thần kinh cho họ, gây nguy hiểm cho chính bản thân chúng ta và mọi người.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!