Thế nào là bệnh mộng du?

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Mộng du là tình trạng đi trong lúc ngủ, một loại rối loạn giấc ngủ.

Bệnh nhân tiến hành một số hoạt động trong khi dường như vẫn đang ngủ. Mộng du có thể gặp ở bất cứ tuổi nào, thường ở trẻ em, ngay cả khi trẻ mới biết đi, lứa tuổi hay gặp nhất là 3 - 7.

Biểu hiện của mộng du là người bệnh đang ngủ, ngồi dậy, mở mắt, đi vòng quanh phòng hoặc đi về phía có ánh sáng, trẻ em có thể đi về phía giường ngủ của bố mẹ, hoặc đi đến cửa sổ, trèo lên cửa sổ, mở cửa phòng đi ra ngoài... Có người làm một số hoạt động phức tạp như di chuyển đồ đạc, đi vào nhà tắm, cởi hoặc mặc quần áo và nhiều hoạt động tương tự khác.

Mộng du có thể đột ngột kết thúc, người bệnh trở lại giường và tiếp tục ngủ. Mộng du thường xuất hiện 1 - 2 giờ sau khi ngủ, vào giai đoạn 3 và 4 của giấc ngủ REM (giấc ngủ sâu) và kéo dài từ vài giây đến 30 phút. Khi tỉnh dậy, người bệnh không nhớ gì về sự việc đã xảy ra. Mộng du có thể xảy ra hằng đêm, cũng có thể không thường xuyên.

Thế nào là bệnh mộng du?

Biểu hiện của mộng du là người bệnh đang ngủ, ngồi dậy, mở mắt, đi vòng quanh phòng hoặc đi đến cửa sổ, trèo lên cửa sổ, mở cửa phòng đi ra ngoài...(Ảnh minh họa|: Internet)

Theo các nhà nghiên cứu, với những người bắt đầu mộng du ở tuổi trưởng thành, cần hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa tâm thần nếu bị mộng du thường xuyên, tự gây hại cho bản thân hoặc tấn công người khác... Ở trẻ em, hầu hết mộng du sẽ hết khi đến tuổi dậy thì.

Để giữ an toàn cho người bệnh, nên để phòng ngủ ở tầng trệt, trong phòng không có đồ đạc có thể gây hại, cửa được đóng cẩn thận. Nên để chuông ở cửa ra vào để báo thức cho người khác khi bệnh nhân mở cửa.  Khi đó, cần đưa người bệnh trở lại giường và không nên cố gắng đánh thức vì có thể làm họ bị kích động. Để người bệnh ngủ đủ thời gian và có giờ giấc. Trong một số trường hợp, có thể sử dụng thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm 3 vòng. Nếu bị các bệnh lý khác như động kinh, rối loạn tâm thần cần điều trị các bệnh lý đó.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!