Tìm hiểu về bệnh mộng du ở trẻ nhỏ

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Bệnh mộng du có thể gặp ở bất cứ lứa tuổi nào nhưng thường xuất hiện ở trẻ em từ 3 - 12 tuổi và mất dần sau tuổi dậy thì.

Khi bị mộng du trẻ đang ngủ bỗng ngồi dậy, mở mắt, đi vòng quanh phòng hoặc đi về phía có ánh sáng, về phía giường ngủ của bố mẹ, hoặc đi đến cửa sổ, trèo lên cửa sổ, mở cửa phòng đi ra ngoài...

Mộng du thường xuất hiện 1-2 giờ sau khi ngủ, vào giai đoạn 3 và 4 của giấc ngủ (giấc ngủ sâu) và kéo dài từ vài giây đến 30 phút. Bệnh xảy ra không thường xuyên, cũng có trường hợp xảy ra hằng đêm.

Một số yếu tố dẫn đến trẻ nhỏ mộng du là lo âu, mệt mỏi, mất ngủ, hoảng sợ ban đêm, ngủ không có giờ giấc, thiếu magie, trào ngược thực quản, sử dụng một số thuốc điều trị bệnh tâm thần, ngủ ở môi trường lạ hoặc nơi quá ồn ào, có quá nhiều ánh sáng…

Tìm hiểu về bệnh mộng du ở trẻ nhỏ

Mộng du ở trẻ nhỏ thường xuất hiện 1-2 giờ sau khi ngủ (Ảnh minh họa: Internet)

Thông thường, tình trạng này sẽ mất dần khi trẻ bước vào tuổi dậy thì. Vì vậy, các bậc phụ huynh không cần điều trị bằng thuốc, nhưng nên đưa bé đến bác sĩ khám chuyên khoa để được tư vấn liệu pháp thích hợp. Khi trẻ đang mộng du, tránh đánh thức hay làm trẻ giật mình.

Hãy nhẹ nhàng đến gần và hướng trẻ quay trở lại giường ngủ. Mộng du có thể sẽ kết thúc ngay khi trẻ quay trở về điểm xuất phát, nhưng để an tâm hơn, cha mẹ nên nán lại với con để chắc chắn trẻ đã hoàn toàn ngủ say.

Cũng có một số phương pháp giúp trẻ hạn chế chứng mộng du như: Cho con thư giãn trước khi ngủ bằng những bản nhạc nhẹ nhàng; giữ yên tĩnh và giảm độ sáng của đèn trong phòng khi con ngủ, hạn chế để trẻ uống nhiều nước vào buổi tối và nhắc con đi vệ sinh trước giờ ngủ để không phải thức dậy vào ban đêm.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!