Ít ngày trước, chị T.N.N. (28 tuổi, đang mang thai tháng thứ 7) vào khoa Cấp cứu Bệnh viện (BV) Hoàn Mỹ Sài Gòn trong tình trạng đau ở nửa bụng bên phải, đau mơ hồ không khu trú tại một điểm cố định.
Suýt mất con vì viêm ruột thừa khi thai đã lớn
Tuy nhiên khi khám và kiểm tra siêu âm bụng, các BS không phát hiện được bất thường. Vì kích thước thai khá to gây chèn ép những cơ quan xung quanh nên việc chẩn đoán và xác định nguyên nhân chính xác gặp rất nhiều khó khăn.
Trước tình hình đau bụng không dứt của thai phụ, sau khi hội chẩn ngay tại khoa Cấp cứu, các BS thống nhất cho bệnh nhân chụp MRI vùng bụng để xác định bệnh. Kết quả cho thấy ruột thừa bệnh nhân bị viêm với đường kính 10 mm, chưa vỡ.
Bệnh nhân viêm ruột thừa khi thai đã 7 tháng.
Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa. Sau 1 giờ thực hiện phẫu thuật, ca mổ đã thành công. Thai phụ nhanh chóng hồi phục sức khoẻ và đã được xuất viện sau 2 ngày điều trị.
ThS.BS Nguyễn Quang Luật, người tiếp nhận và phẫu thuật cho bệnh nhân chia sẻ, viêm ruột thừa ở phụ nữ mang thai là phổ biến. Nhưng ở phụ nữ mang thai lớn (3 tháng cuối thai kỳ) lại ít gặp và rất khó chẩn đoán, vì khi đó tử cung to, đẩy ruột thừa ra khỏi vị trí thường gặp nên chẩn đoán thường bị chậm trễ.
Ảnh siêu âm thai kỳ.
'Nghiên cứu ở Hoa Kỳ cho thấy, siêu âm bụng chẩn đoán được viêm ruột thừa ở phụ nữ mang thai 3 thángcuối chỉ chiếm 3-5% trường hợp, chẩn đoán chỉ bằng cách khám lâm sàng có thể sai đến 42%.
Chính vì vậy cần có sự hỗ trợ của các phương tiện chẩn đoán hình ảnh hiện đại như MRI, là phương tiện gần như không gây hại cho mẹ và thai nhi mới giúp bác sĩ chẩn đoán được chính xác bệnh, nhằm tránh phải mổ nhầm những trường hợp không cần thiết phải mổ, tránh những biến chứng cho mẹ và thai nhi'.
Ekip điều trị cảnh báo, nếu ruột thừa trên thai phụ bị vỡ sẽ gây khó khăn cho việc súc rửa ổ bụng. Đặc biệt khi thai lớn dẫn đến hậu quả áp xe tồn dư và dính ruột cho bà mẹ, khó khăn cho việc áp dụng phẫu thuật nội soi và như vậy nguy cơ phải mổ hở. Khi viêm nhiễm ở bụng nhiều gây kích thích tử cung co bóng mạnh có thể dẫn đến sẩy thai, hoặc mẹ bị nhiễm trùng máu gây nhiễm trùng thai nhi.
Sau phẫu thuật, ruột thừa được cắt và bệnh nhân giữ được thai.
BS Phan Hoàng Nguyên, Trưởng khoa Cấp cứu của BV khuyên các phụ nữ trong giai đoạn cuối thai kỳ, khi có những dấu hiệu đau bụng tương tự bệnh nhân trên cần đến các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị chính xác, kịp thời nhằm tránh các biến chứng cho mẹ và thai nhi.
Đau bụng bất kỳ chỗ nào cũng đừng chủ quan
Trước đó vào cuối tháng 8, bà Đ.T.C (56 tuổi) bị đau bụng dữ dội nên đã đi khám tại 2 cơ sở y tế tư nhân tại khu vực Tiền Giang và được chẩn đoán đau quặn thận. Dù đã được điều trị nhưng bệnh không dứt điểm, cơn đau không thuyên giảm mà ngày càng tăng kèm theo sốt cao.
Quá lo lắng nên bệnh nhân đã được người thân đưa lên Bình Dương tiếp tục khám bệnh.
Bệnh nhân Đ.T.C.
Sáng ngày 20/8, bệnh nhân được đưa vào một BV tại Bình Dương. Các BS sau khi thăm khám đã chẩn đoán bệnh nhân bị ruột thừa viêm vỡ mủ và cần được mổ cấp cứu bằng phương pháp phẫu thuật nội soi ổ bụng. Nếu để quá muộn có thể dẫn đến viêm phúc mạc toàn thể, nhiễm trùng , nhiễm độc, shock và thậm chí có thể tử vong.
Quá trình phẫu thuật, ekip điều trị ghi nhận vùng hông phải bà C. có mủ và giả mạc kèm tổ chức viêm dính nhiều, manh tràng nằm dưới gan. Gốc ruột thừa hoại tử vỡ phải cắt bỏ ruột thừa và dẫn lưu bụng.
Hình ảnh nội soi ruột thừa.
Sau phẫu thuật 2 ngày, bệnh nhân được rút dẫn lưu, sức khỏe ổn định và xuất viện 1 tuần sau đó.
Bác sĩ Phạm Thành, người trực tiếp phẫu thuật cho biết, viêm ruột thừa là bệnh lý phổ biết hàng đầu của cấp cứu bụng ngoại khoa, chiếm tỉ lệ khoảng 6% dân số và tỷ lệ phẫu thuật chiếm khoảng 30-40% tổng số ca phẫu thuật cấp cứu bụng.
Tuy nhiên đây lại là một bệnh lý gây không ít khó khăn cho các bác sĩ trong chẩn đoán và điều trị vì mức độ đa dạng và phức tạp của nó. Các vị trí của ruột thừa thông thường sẽ dễ chẩn đoán và xử trí đơn giản, mổ sớm sẽ có kết quả tốt và không để lại di chứng đặc biệt.
Ảnh ruột thừa dưới gan.
Tuy nhiên với các vị trí khó chẩn đoán khác như nằm dưới gan, dưới thanh mạc manh tràng, hố chậu trái, tiểu khung, giữa bụng.v.v… sẽ dễ nhầm với nhiều loại bệnh khác hoặc bỏ sót mà không xử trí kịp thời có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm'.
'Trường hợp của bà C. vị trí ruột thừa dưới gan, quặt ngược sau manh tràng và vùi dưới thanh mạc, một bệnh cảnh ruột thừa rất khó và hiếm gặp. Tỷ lệ ruột thừa vị trí sau trong manh tràng bình thường là 75%, vị trí bất thường 25% bao gồm: tiểu khung, dưới gan, quanh rốn, hố chậu trái, quặt ngược sau manh tràng, đầu ruột thừa tiếp giáp mỏm nhô, trước và sau hồi tràng.v.v... Tỷ lệ dưới thanh mạc và dưới gan thì càng hiếm gặp hơn' – BS phân tích.
Bác sĩ Kiên cũng khuyến cáo mọi người nếu có các triệu chứng đau bụng bất kỳ vị trí nào thì cũng nên đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để tầm soát điều trị kịp thời, tránh được các biến chứng khó lường.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!