Viêm ruột thừa là một căn bệnh rất nguy hiểm, có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời, đặc biệt nếu tình trạng này xảy ra ở trẻ em.
Phần 1 của bài viết đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về các triệu chứng phổ biến của chứng viêm ruột thừa. Phần 2 của bài viết sẽ tiếp tục đi sâu vào các triệu chứng của viêm ruột thừa ở trẻ em và phụ nữ mang thai. Mời bạn tham khảo ngay bây giờ nhé.
Các triệu chứng của bệnh viêm ruột thừa ở trẻ em
Không phải lúc nào trẻ cũng có thể mô tả chính xác được cảm giác của mình. Bé thường nói rằng bé bị đau toàn vùng bụng và điều này sẽ rất khó để xác định liệu bé có bị viêm ruột thừa hay không. Các bậc cha mẹ thường dễ dàng nhầm lẫn viêm ruột thừa với chứng đau dạ dày hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) ở trẻ.
Cha mẹ cần phải cực kỳ thận trọng khi trẻ bị viêm ruột thừa. Một phần ruột bị vỡ ra có thể gây nguy hiểm, thậm chí là tử vong đối với người ở bất cứ độ tuổi nào, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi.
Trẻ em từ 2 tuổi trở xuống thường có các triệu chứng khi bị viêm ruột thừa như:
- Nôn mửa;
- Phình hoặc sưng bụng;
- Đau nhẹ vùng bụng.
Trẻ em từ 2 tuổi trở lên có thể bị:
- Buồn nôn;
- Nôn mửa;
- Đau bên phải vùng bụng dưới.
Hãy nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện nếu bạn nghi ngờ trẻ bị viêm ruột thừa.
Các triệu chứng viêm ruột thừa đối với mẹ đang mang thai
Nhiều triệu chứng viêm ruột thừa rất giống với những dấu hiệu khó chịu khi đang mang thai. Các triệu chứng này bao gồm co thắt dạ dày, buồn nôn và nôn mửa. Tuy nhiên, không phải các triệu chứng điển hình khi bị viêm ruột thừa nào cũng xuất hiện ở phụ nữ mang thai, đặc biệt là vào cuối thai kỳ. Tử cung đang phát triển sẽ đẩy ruột thừa lên cao trong thời kỳ mang thai. Điều này có nghĩa là cơn đau có thể xảy ra ở vùng bụng trên thay vì vùng bụng dưới bên phải. Ngoài ra, phụ nữ có thai nếu bị viêm ruột thừa cũng có khả năng bị ợ nóng, đầy hơi hoặc táo bón và tiêu chảy xen kẽ nhau.
Điều trị bệnh viêm ruột thừa
Người bị bệnh viêm ruột thừa cần sự điều trị và phẫu thuật cắt ruột thừa bị viêm. Sau phẫu thuật, hầu hết mọi người có thể hồi phục nhanh chóng mà không để lại biến chứng nào.
Những xét nghiệm để chẩn đoán viêm ruột thừa bao gồm:
- Xét nghiệm máu để tìm dấu hiệu nhiễm trùng;
- Xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra các dấu hiệu của bệnh UTI hoặc sỏi thận;
- Siêu âm vùng bụng hoặc chụp CT để xem liệu ruột thừa có bị viêm hay không.
Nếu bạn được chẩn đoán bị viêm ruột thừa, dựa trên tình trạng bệnh mà bác sĩ có thể chỉ định bạn tiến hành phẫu thuật ngay lập tức. Bạn sẽ uống thuốc kháng sinh trước khi tiến hành phẫu thuật để ngăn ngừa sự nhiễm trùng sau phẫu thuật.
Bạn có thể tiến hành phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa qua mổ hoặc phẫu thuật cắt ruột thừa bằng phương pháp nội soi. Cách thức điều trị còn phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Tình trạng sức khỏe sau phẫu thuật
Sau khi phẫu thuật, bạn nên ở lại bệnh viện cho đến khi các cơn đau được kiểm soát hoàn toàn. Nếu bạn mắc chứng áp xe hoặc vết thương phẫu thuật bị viêm nhiễm, bạn phải ở lại bệnh viện điều trị dùng thuốc kháng sinh trong 1–2 ngày.
Sau khi phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa, hãy liên lạc với bác sĩ nếu bạn gặp phải các triệu chứng sau:
- Nôn mửa kéo dài;
- Đau liên tục ở bụng;
- Choáng váng, hoa mắt, cảm giác muốn ngất xỉu;
- Nôn ra máu hoặc đi tiểu, đi ngoài ra máu;
- Sốt;
- Tiêu chảy.
Tác nhân gây bệnh và cách phòng ngừa
Theo Viện Quốc gia về bệnh tiểu đường, tiêu hóa và thận ở Hoa Kỳ, viêm ruột thừa là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra cơn đau bụng cần đến sự phẫu thuật kịp thời. Khoảng 5% người Mỹ bị viêm ruột thừa ở một số thời điểm trong cuộc đời.
Viêm ruột thừa có thể xảy đến với bạn bất cứ lúc nào, đặc biệt thường xuất hiện ở độ tuổi từ 10–30. Bệnh phổ biến hơn ở nam giới hơn nữ giới.
Bạn không thể ngăn ngừa hoàn toàn bệnh viêm ruột thừa. Tuy nhiên, để ngăn ngừa bệnh, bạn nên có chế độ ăn uống giàu chất xơ bằng cách ăn nhiều trái cây và rau củ tươi.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Viêm ruột thừa cấp
- Những điều bạn cần biết về bệnh viêm ruột thừa (Phần 1)
- Những điều bạn cần biết về bệnh viêm ruột thừa (Phần 2)
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!