Ai gặp cũng nói bố mẹ tôi giỏi, ở cái thời bao cấp khó khăn ngày đó mà vẫn nuôi các con khôn lớn, với 3 đứa sinh liền nhau chỉ trong 2 năm (con trai đầu và hai con gái sinh đôi).
Ngày đó, bố mẹ làm kỹ sư ở nhà máy dệt, tại một thành phố tỉnh lẻ. Lương không đủ sống nên bố mẹ còn vỡ đất trồng rau, nuôi thêm gà lợn trong căn hộ tập thể bé xíu mà nhà máy phân cho. Ba đứa trẻ nheo nhóc trong điều kiện ăn cơm tem phiếu, nhưng chưa bao giờ chúng tôi thấy mình khổ về vật chất và tinh thần. Mẹ luôn có cách để chúng tôi vào khuôn khổ mà không biết. Bí quyết của mẹ là luôn để anh em chúng tôi 'thi' với nhau, trở nên tự giác làm mọi việc.
Ngày các con nhỏ xíu, mỗi tối đi làm về, mẹ chẻ 3 bát mía con con đặt ở góc nhà, dặn các con thi xem đứa nào ăn kỹ nhất, mía sạch nước nhất. Thế là cả tiếng đồng hồ, 3 đứa trẻ chỉ mải gặm mía quên cả nghịch, còn mẹ rảnh tay để đi nấu cơm, quét dọn. Đến giờ tắm, bố lùa 3 đứa trẻ xuống bể nước khu tập thể, cũng 'thi' xem đứa nào tắm nhanh và sạch nhất.
Tới lúc 4 - 5 tuổi, việc trông 3 đứa trẻ nghịch suốt ngày còn vất vả hơn nhiều. Thế là mẹ phát động phòng trào 'dũng sĩ diệt ruồi'. Mẹ bảo bố làm cho mỗi đứa một cái vỉ, ai diệt được nhiều ruồi nhất, đạt chỉ tiêu cuối tuần sẽ có thưởng (thường là một cái bánh rán). Ba đứa chúng tôi quên cả nghịch, cả ngày chỉ lăm lăm cái vỉ trong tay để hoàn thành chỉ tiêu. Nhưng về sau mẹ phát hiện lũ trẻ đều không thể làm tốt nhiệm vụ, nên đã dồn hết ruồi cho một đứa để đủ nhận quà, cuối tuần có bánh lại đem... chia nhau ăn chung.
Bí quyết của mẹ là luôn để anh em chúng tôi 'thi' với nhau (Ảnh: Internet)
Vậy là mẹ đổi chiến lược, lần này là sổ 'người tốt việc tốt'. Cuốn sổ đơn giản, chỉ có kẻ ô tên của ba đứa, mỗi lần làm một việc tốt (ví dụ dọn bàn ăn, giúp mẹ nhặt rau...) sẽ được đánh dấu một lần. Làm việc xấu (ví dụ đánh nhau...) sẽ bị trừ 3 điểm tốt. Cuối tuần tổng kết xem ai được điểm tốt nhiều nhất là có thưởng. Ba đứa trẻ vì thế mà bớt nghịch hẳn, chỉ nhăm nhăm mẹ nhờ gì làm nấy, hoặc giám sát xem đứa kia có làm việc xấu. Cuốn sổ đó duy trì được khá lâu, cho đến tận khi chúng tôi vào lớp 4.
Năm tôi học lớp 5, mẹ lại có kế sách mới. Lần này mỗi tuần, mẹ giao tiền chợ cho mỗi đứa, để đi chợ mua thức ăn mặn. Trong vài tuần liên tiếp, bữa ăn của gia đình toàn đậu phụ với cá khô, sang lắm thì có mũi lợn. Thì ra ba anh em đi chợ đều sợ nhanh hết tiền, nên có đứa mua cả cân cá khô cho rẻ. Sau lần đó, chúng tôi học được bài học tiết kiệm không bao giờ là thừa. Thói quen đó còn đi theo chúng tôi đến tận ngày nay.
Nhà nuôi đàn gà, mẹ giao cụ thể cho anh tôi chăm mấy con gà trống, còn lũ gà mái thì chia đều cho hai chị em. Mỗi đứa phải bao thầu toàn bộ việc cho ăn, ốm đau của chúng hay nhặt trứng. Kết quả là ngày nào ba đứa trẻ cũng chăm chỉ cho gà ăn cám, uống nước, âm thầm đọ xem gà của ai béo hơn, đẻ nhiều trứng hơn. Gà đi lạc thì hò nhau đi xua về nhà. Mấy luống rau mẹ cũng phân cho từng đứa, giao nhiệm vụ tưới tắm. Chúng tôi háo hức vô cùng khi đến ngày thu hoạch, xem luống đỗ của ai nhiều quả hơn.
Mùa hè năm cấp hai, gia đình khi đó không còn quá khó khăn nhưng mẹ vẫn nhận thêm sợi và guồng về để 3 anh em quay sợi (làm con sợi cho nhà máy dệt). Cái cảnh quen thuộc của nhà tôi khi đó là tinh mơ mờ sáng 3 đứa trẻ choai choai đã chăng guồng từ nhà ra tận ngõ, nối sợi rồi quay vào guồng, hý hoáy đến trưa mới xong một con sợi. Mỗi con như vậy được nhà máy trả vài trăm đồng, nhưng đa phần mẹ phải bù lỗ vì các con làm ẩu, mối nối quá to hoặc con sợi quá nhỏ, phải làm lại. Lớn lên nhìn lại, tôi mới hiểu đó là cách mẹ dạy chúng tôi quý trọng đồng tiền và sức lao động của mình.
Những 'bài học' của mẹ nhẹ nhàng, thấm từ từ khiến các con không hề biết là mình được dạy. Lúc nào chúng tôi cũng thấy háo hức với các kế hoạch của mẹ, khi thì 'làm kế hoạch nhỏ', lúc lại là 'chiến sĩ tăng gia'. Giờ đây, đến lượt tôi học tập mẹ áp dụng lại các bài học cho con mình.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!