>> Xem phần 1tại đây
Còn về trí tuệ, cảm xúc?
Quỳnh chú trọng việc giao tiếp và tương tác mọi lúc, mọi nơi khi bé thức. Ví dụ, việc thay bỉm trong ngày ở nhà tắm, một không gian rất gần gũi của bé, trong lúc đó, 2 mẹ con sẽ nói chuyện với nhau về những đồ vật xung quanh, mình luôn nói những từ ngắn gọn, đơn giản nhất để bé có thể chú ý và thích thú, một điều không thể thiếu với bé là bất cứ lúc nào trước và khi kết thúc một việc mình đều hôn lên trán bé và nói lời cảm ơn.
Khi bé ra ngoài đi chơi cùng gia đình ở công viên, hay trên ôtô, mình luôn kể cho con nghe đây là cây hoa gì, chúng ta đang ở đâu, có những ai xung quanh, con gà nó như thế nào, hay đến khi dừng ở đèn đỏ là nói với bé tại sao chúng ta không đi tiếp…
Mọi lúc, mọi nơi tương tác như thế, bản thân mình cũng phải hoạt động trí não rất nhiều, có thêm nhiều sáng tạo nữa, cháu thì không buồn chán, từng ngày lớn lên mọi thứ được nhập vào não. Theo mình, điều này sẽ giúp bé dần khám phá thế giới xung quanh một cách tự nhiên.
Khi bé bắt đầu giao tiếp và nói chuyện ê a, mình chú ý nhiều hơn đến mắt, nụ cười của bé. Biết chọn thời điểm thích hợp trong ngày để cho bé nghe nhạc, lúc nào đọc sách.
Mình tạo một thời gian biểu cụ thể cho con trong việc ăn, ngủ, mình chịu khó lắng nghe con khóc, chịu khó với những thay đổi của bé để bé thích ứng tốt.
Phải biết chọn thời điểm thích hợp trong ngày để cho bé nghe nhạc, lúc nào đọc sách
Bé sinh ra và lớn lên ở Brussel, có khi nào bạn lo lắng con sẽ không biết tiếng Việt không?
Mình không lo lắng về điều này. Ngày nào mình cũng hát ru cho bé bằng tiếng Việt để bé nhận biết ngôn ngữ mẹ đẻ. Mình nói chuyện với bé thường xuyên, vì thế, bé biết nói chuyện từ rất sớm, bây giờ thì ê a suốt ngày, trước khi ngủ cũng tự ru ngủ bằng cách ê a, rồi thì thầm một mình và ngủ.
Tin vào sự chỉ dẫn của bác sỹ và bản năng làm mẹ của mình
Sau khi sinh con, nuôi con bằng sữa mẹ, Quỳnh có gặp khó khăn gì không?
Alexandre ăn sữa mẹ đến 90%, 10% ăn sữa ngoài vì mình và chồng đều thống nhất cho bé thích ứng thêm bú bình để tạo thuận lợi cho cả mẹ và bé.
Hiện tại, bé được 7kg, dài 65cm, bé khá dài so với thời gian tuổi 4 tháng của mình, và cũng không mập như nhiều bạn khác. Alexandre mê ti mẹ từ lúc ở bệnh viện, đến bây giờ vẫn vậy.
Tuần đầu tiên về nhà, đầu ti mình bị nứt, rất đau, em bé bú là chảy máu, bác sĩ đến và tư vấn cách cho bé ăn đúng tư thế. Quả nhiên, khi cho bé ti đúng cách, ngoài việc mẹ không bị đau, bé ăn ngoan, mẹ lại còn có nhiều sữa nữa.
Theo kinh nghiệm của mình, chỉ dẫn của bác sỹ là sự tin cậy đầu tiên trong việc chăm sóc bé, bác sỹ như bà tiên vậy, mình hay nói thế với chồng.
Bà mẹ nào cũng cần tin vào bản năng làm mẹ của chính mình
Những phương pháp nuôi con khoa học này bạn biết được qua đâu?
Quỳnh có cả một quy trình 9 tháng cơ bản về việc mang thai, chăm sóc thai nhi ở một nơi có điều kiện tốt như Brussels, rồi khi sinh con, cũng có nhiều may mắn về việc sẽ chăm em bé thế nào, quy trình ra sao… Đặc biệt, Alexandre khá là thương mẹ nên hợp tác với mẹ rất tốt để 2 mẹ con cùng nhau học hỏi, thay đổi, thích ứng với nhau.
Ngoài ra, trong tủ sách nhà mình, có đầy đủ sách về quá trình mang thai, nuôi dạy bé. Có 3 cuốn mình rất thích là cuốn của Anh về khoa học chăm sóc bé và quá trình mang thai, cuốn của Mỹ khá cơ bản và dễ hiểu, cuốn của Pháp thì đúng như truyền thống Châu Âu, phù hợp với điều kiện của gia đình mình. Thông tin qua Internet như các diễn đàn dành cho mẹ và bé ở Việt Nam và của các nhóm các mẹ trên facebook cũng vô cùng hữu ích. Thêm vào đó, mình cần tin vào bản năng làm mẹ của mình nữa.
Cảm ơn Quỳnh rất nhiều về cuộc nói chuyện này. Chúc bé Alexandre ngoan ngoãn, chóng lớn.
Vì nói chuyện với con thường xuyên nên bé biết ê a từ rất sớm
Không cần con phải có cân nặng 'pro' như các bé cùng lứa, chỉ cần con khỏe mạnh là đủ
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!