Mẹ Việt ở Nhật chia sẻ cách giáo dục giới tính

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Khi người lạ tới nhà, chẳng hạn như người giao hàng thì nhất định là không cho con cởi truồng ra ngoài, ít nhất cũng phải mặc bỉm.

Giáo dục giới tính tuy không còn là đề tài bị 'né tránh' trong các cuộc nói chuyện giữa cha mẹ và con cái nhưng cách đề cập tới nội dung này như thế nào, khi con ở độ tuổi nào… thì vẫn khiến nhiều phụ huynh lúng túng.

Còn với chị Bích Nguyệt (hay được biết đến với tên Tảo biển Wakame) nổi tiếng với những bài viết trên mạng xã hội về cách chăm sóc trẻ, thuộc nhóm các bà mẹ có cái nhìn cởi mở với giáo dục giới tính, lại cho rằng: 'Giáo dục giới tính cho trẻ không chỉ là việc dạy cách phân biệt sự khác nhau giữa cơ thể bé trai, bé gái hay trẻ con từ đâu sinh ra… mà giáo dục giới tính căn bản nhất là dạy cho trẻ biết yêu thương và trân trọng cơ thể mình. Ngay từ khi bé sinh ra, mỗi khi thay bỉm, cha mẹ đều nói với bé những câu đại loại như 'Con tè rồi để mẹ thay bỉm cho sạch nhé' - đó cũng là một hình thức của giáo dục giới tính, dạy trẻ biết trân trọng và giữ gìn cơ thể sạch sẽ'.

Chị Bích Nguyệt bắt đầu chú trọng giáo dục giới tính cho con từ khi nhận thấy con có những biểu hiện quan tâm đến sự khác biệt cơ thể của con và cơ thể của mẹ. Khi đó, bé khoảng 1 tuổi rưỡi. Cộng thêm với lần xem bản tin trên ti vi nói về một người làm trong nhà trẻ có hành động xâm hại đến trẻ thì chị càng cảm thấy cần thiết phải trang bị kiến thức cho con, để con có thể tự bảo vệ mình hoặc ít nhất là biết kể lại với mẹ về điều đã xảy ra. 

Chị Bích Nguyệt cho rằng, giáo dục giới tính cho con căn bản nhất là dạy trẻ biết yêu thương, trân trọng cơ thể mình.

Với cô con gái Kimura Akino, chị Bích Nguyệt bắt đầu dạy từ những kiến thức cơ bản, đơn giản là giải thích cho con về vai trò của từng bộ phận trên cơ thể. Chị kể: 'Khi mình thay bỉm, rửa ráy cho bé, mình hay nói với bé là chỉ có mẹ và cô giáo được sờ vào mông, vào chỗ này, chỗ kia của con thôi nhé. Khi có người lạ tới nhà, chẳng hạn như người giao hàng thì nhất định là không cho con cởi chuồng ra ngoài, ít nhất cũng phải mặc bỉm.

Bé tiếp thu tốt những điều mình hướng dẫn. Khi có người giao hàng đến, nếu bé mới ị hoặc tè, chưa kịp mặc quần, mình chỉ cần đưa cho bé cái quần và nói: 'Con mặc vào đi nhé' thì bé sẽ tự động tìm chỗ nào đó mặc vào rồi mới chạy ra ngoài. Nhiều lúc nhìn bé cuống cuồng mặc quần, mình cũng không nhịn được cười. Và bố bé bây giờ hầu như không rửa ráy cho bé được mỗi khi bé cần thay bỉm'.

8 năm sống ở Tokyo (Nhật Bản), chị Bích Nguyệt đã học được nhiều điều trong cách dạy dỗ con cái của cha mẹ Nhật, không chỉ ở nội dung giáo dục giới tính. Chị nhận thấy, sự khác biệt lớn nhất trong cách giáo dục trẻ ở Việt Nam và Nhật Bản là bố mẹ Nhật không quá bao bọc con cái. Họ dạy cho con biết tự quản và có trách nhiệm với đồ đạc cá nhân, tự xử lý các công việc của mình, kỷ luật và ngăn nắp ngay từ khi bé còn rất nhỏ.

Chị chia sẻ thêm: 'Có lần đi công viên, mình đã nghe lỏm được một bé gái hơn 3 tuổi nói với bố: 'Bố ơi, hôm trước con tập xe ở chỗ này bị ngã…'. Người bố không do dự trả lời: 'Ngã cũng được, phải luyện tập nhiều mới giỏi được'. Hoặc trong mùa đông, ngay cả những ngày giá rét, các bố mẹ người Nhật vẫn cho con đi ra ngoài, chơi công viên như bình thường.

Mẹ Việt ở Nhật chia sẻ cách giáo dục giới tính

Bé Kimura Akino bây giờ đã hơn 2 tuổi được mẹ tập cho tính kỷ luật và sử dụng dao, kéo khá thành thạo

Có lẽ Nhật Bản là một đất nước an toàn nên việc trẻ em đi lại một mình cũng không quá nguy hiểm. Mình gặp rất nhiều em nhỏ khoảng 7 - 8 tuổi đạp xe đến cửa hàng mua rau, mua đậu hay trứng hộ mẹ. Hoặc khi đi khám răng định kỳ cho bé, mình cũng thấy nhiều bé mới 8 - 9 tuổi đã tự đến phòng khám một mình. Khi đến, đầu tiên là các em chào hỏi, xưng tên rồi tự mình vào nhà vệ sinh rửa tay, xúc miệng hoặc đánh răng trước khi được gọi - vô cùng quy củ.

Trẻ con bên này tự cầm, xách đồ đạc của mình là chuyện bình thường, không cần cha mẹ giúp đỡ. Trời mưa thì các bé cầm ô nhỏ của mình tự che. Các bé cũng biết cách sắp xếp đồ đạc gọn gàng. Ví dụ như khi bước vào nhà, các bé luôn có ý thức quay lại xếp dép ngay ngắn, lấy đồ xong thì phải để lại vị trí cũ… Và các bé ở Nhật cũng đi bộ nhiều hơn, hầu hết bé tiểu học trở lên là đi bộ từ trường về nhà chứ ít khi được mẹ đưa đón.

Ngoài ra, người Nhật cũng rất chú trọng tới việc dạy bé kỹ năng hòa nhập với xã hội và sử dụng các vật dụng nguy hiểm như dao, kéo từ sớm. Khi đưa con ra ngoài chơi, nếu là đồ chơi công cộng thì mọi người đều nói với con: 'Xếp  hàng con nhé' hoặc 'Bạn đang chơi, con chờ bạn chơi xong nhé'. Nếu là chơi cầu trượt, không bao giờ có chuyện một trẻ trượt mãi trong khi các bạn khác đứng chờ mà luôn là con trượt xong thì đi ra chỗ khác chờ để các bạn trượt.

Cùng như thế, mọi người dạy con nói 'Cảm ơn', 'Xin lỗi' từ rất sớm. Còn như sử dụng dao kéo, nhiều bé 3 tuổi đã biết dùng dao một cách an toàn. Bé nhà mình từ 2 tuổi đã có thể rửa được chảo, biết cầm kéo cắt hoặc dùng nạo củ quả khá thành thạo. Có lẽ được dạy tự lập sớm như vậy nên mình cảm giác trẻ em Nhật già dặn hơn so với các bé cùng tuổi ở Việt Nam'.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!