Mẹo giúp con biết nói sớm của mẹ 9X

Nuôi dạy con - 11/24/2024

Để trẻ nhanh biết nói cha mẹ cần áp dụng những phương pháp đặc biệt, tuy đơn giản nhưng không phải ai cũng biết.

Trẻ hình thành kỹ năng hiểu ngôn ngữ trước khi bắt đầu nói. Mỗi bé có khả năng phát triển khác nhau nhưng có những mốc chung cho giai đoạn đầu đời.

Phạm Kiều Trang (25 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: "Con gái tôi hiện được 16 tháng và bé nói khá tốt. Tầm tuổi này, bé đã có thể gọi tên được nhiều đồ vật, các con vật, đếm từ 1 đến 5, nói một số từ ghép có nghĩa và có mục đích như “mẹ bế con”, “hết rồi”, “con măm”.

Trước thành tích này của con, vợ chồng chị Trang rất hạnh phúc và hài lòng vì đã biết cách kích thích con tập nói ngay từ khi sinh ra.

Thường xuyên nói chuyện với bé

Cha mẹ hãy tích cực nói chuyện, trao đổi với trẻ về các vấn đề diễn ra trong cuộc sống, suy nghĩ, tình cảm đối với con ngay từ trong thai kỳ. Ta nên gạt bỏ suy nghĩ bé còn nhỏ, không hiểu gì. Dù chưa biết nói nhưng trẻ vẫn cảm nhận được, việc bạn nói chuyện sẽ giúp bé xây dựng vốn từ vựng ngay từ nhỏ và kích thích nói sớm.

Mẹo giúp con biết nói sớm của mẹ 9X

Chị Trang thường đọc sách cho con nghe từ khi còn rất nhỏ.

Với trẻ bắt đầu tập nói, môi trường xung quanh đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo lập phản xạ nói. Cha mẹ nên nói chuyện với bé nhiều hơn để làm quen và tiếp xúc với ngôn ngữ. Ngay cả khi bé mới chỉ biết ê a, hãy chú ý bắt chuyện với con với một thái độ thích thú, nhiệt tình và tạo cho con cơ hội để đáp trả. Bé sẽ bắt đầu hiểu rằng, giao tiếp là cho đi và nhận lại. Càng được sống trong môi trường giàu ngôn ngữ, bé càng nhanh biết nói một cách tự nhiên.

Dạy con bằng ngôn ngữ của người lớn

Mẹ không nên bắt chước ngôn ngữ của con như nói thiếu từ, nói không rõ tiếng. Như vậy nghe rất dễ thương nhưng lại làm cho con có nguy cơ nói ngọng. Do đó, cách dạy bé tập nói tốt nhất là ngôn ngữ của người lớn, luôn nói chậm rãi, rõ ràng, mạch lạc, chuẩn từ.

Đọc sách cho bé nghe

Ngay từ khi bé chưa chào đời, mẹ cũng nên đọc sách cho bé nghe. Đây là việc làm rất tốt để bé có thể phát triển tư duy ngôn ngữ. Thói quen đọc truyện trước giờ đi ngủ có ý nghĩa lớn. Điều này không chỉ kích thích não bộ, phát triển tư duy, trí tưởng tượng mà còn giúp con ghi nhớ và nhanh học nói do trẻ tích lũy được vốn từ vựng sau mỗi câu chuyện mẹ kể.

Trước khi sinh, tôi đã chuẩn bị một số truyện tranh có nội dung và hình ảnh phù hợp với lứa tuổi của con. Mỗi ngày, tôi đều đọc cho con nghe vào một khoảng thời gian nhất định, thường là trước khi đi ngủ. Các mẹ đừng nghĩ làm như vậy tốn thời gian, con không hiểu. Thực tế, trẻ thông minh hơn chúng ta nghĩ. Mẹ hãy lựa chọn những câu chuyện cổ tích hay với những ngôn từ đẹp và thường xuyên đọc trước giờ đi ngủ. Ngoài ra, mẹ cũng có thể đọc thơ, hát cho bé nghe.

Tăng cường giao tiếp

Dù bé chưa biết nói, nhưng bạn hãy tích cực giao tiếp với bé. Khi bé khóc hay cười, cha mẹ hãy đáp lại và cảm nhận sự khác nhau trong mỗi biểu cảm của bé. Sự đáp lại của cha mẹ sẽ hình thành cho bé thói quen về giao tiếp.

Mẹo giúp con biết nói sớm của mẹ 9X

Bà mẹ 9X thường đưa con đến nơi đông người để bé có thói quen giao tiếp.

Mẹ hãy thường xuyên nói chuyện với con về hành động của mẹ. Có thể bé không hiểu mẹ nói gì nhưng sẽ có kinh nghiệm với một số cụm từ quen thuộc và biết cách phản ứng. Ví dụ, trước khi bế bé, mẹ giang hai tay và nói: “Để mẹ bế con nào”, hoặc mẹ chỉ vào một con vật đồ chơi và nói tên con vật, chỉ vào màu sắc và nói với con. Dần dần, bé sẽ quen với những món đồ xung quanh, nhanh bắt chước theo hành động và ngôn ngữ của mẹ.

Khi làm bất cứ việc gì cùng con như thay tã bỉm, tắm, ngủ mẹ cũng nên tranh thủ nói chuyện.

Cho trẻ đến chỗ đông người

Mẹ cần tạo điều kiện cho bé giao tiếp với nhiều người, đặc biệt là trẻ nhỏ. Thông thường, trẻ có xu hướng thích gần gũi và chơi cùng với bạn đồng trang lứa. Nhờ vậy mà khả năng ngôn ngữ của trẻ cũng được cải thiện rất nhanh.

Các mẹ nên cho con đến vườn bách thú, bách thảo, bảo tàng, công viên cho trẻ em,... sẽ mở ra chân trời kiến thức mới cho con. Những hoạt động bổ ích này giúp con nhận biết tên các loại động, thực vật và tích lũy vốn từ sinh động.

Khuyến khích trẻ nói

Khi mới bắt đầu bập bẹ, thậm chí mới chỉ phát ra những âm thanh vô nghĩa, hãy dành cho bé lời khen thật nhiệt tình, tích cực để bé tăng thêm tự tin, thích nói hơn và cố gắng học nói.

- 0-3 tháng: Âm thanh ban đầu mẹ nghe được chỉ là tiếng khóc, dần dần sẽ là âm thanh thực sự phát ra từ cổ họng. Trẻ 3 tháng biết cười, phản xạ khi người xung quanh nói chuyện.

- 3-6 tháng: Bé biết nói các âm "ba", "ma" hoặc phát ra những âm thanh khác nhau khi diễn tả những cảm giác khác nhau.

- 6-9 tháng: Bé biết lặp từ "baba", "mama", "tata"..., la hét để tạo sự chú ý, cười và ê a khi nhận ra người quen.

- 9-12 tháng: Âm thanh kéo dài hơn đi kèm với biểu hiện của khuôn mặt.

- 12-15 tháng: Âm thanh rõ ràng kết hợp với cử chỉ

- 15-18 tháng: Bé tập hát được những bài hát quen thuộc

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!