Mỗi năm có 1,5 -1,8 triệu ca cúm

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Việt Nam là một trong những nước có sự lưu hành các chủng vi-rút cúm mạnh mẽ như cúm H1N1, H2N2, H3N2, H5N1, H7N9 và H5N8…

Kết quả giám sát trên người của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur TPHCM cho thấy, trong hai tháng đầu năm 2015 chủng vi-rút cúm A(H3) là chủng lưu hành chủ yếu chiếm 77,8%, tiếp đó là chủng vi-rút cúm A(H1N1) và cúm B cùng chiếm 11,1%. Trong khi đó năm 2014, cúm B lưu hành chủ yếu với tỷ lệ chiếm 59%, tiếp đó là cúm A(H3) với tỷ lệ 28%, cúm A(H1N1) với tỷ lệ 13%.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, đây là sự thay đổi mang tính thường xuyên trong số các chủng vi-rút cúm mùa. Hiện chưa phát hiện chủng vi-rút cúm mới cũng như sự đột biến làm tăng độc tính hay gây kháng thuốc ở các chủng vi-rút cúm lưu hành trên người tại Việt Nam.

Mỗi năm có 1,5 -1,8 triệu ca cúm

Giết mổ gia cầm không đúng địa điểm quy định là một trong những nguyên nhân làm lây lan dịch bệnh cúm (Ảnh minh họa: Internet)

Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, hàng năm có khoảng 5-10% người lớn trưởng thành và khoảng 20-30% trẻ em bị nhiễm bệnh cúm mùa. Trong đó có 3 triệu đến 5 triệu trường hợp có diễn biến nặng và khoảng 250 đến 500 nghìn người tử vong.

Tại Việt Nam, hàng năm ghi nhận khoảng 1,5 triệu đến 1,8 triệu trường hợp mắc hội chứng cúm và nguyên nhân chủ yếu do các chủng vi-rút cúm A(H3N2), cúm A(H1N1) và cúm B gây nên. Bệnh ghi nhận quanh năm và nhiều hơn vào mùa đông xuân.

Trong khi đó, trong tháng 2/2015 đã ghi nhận ổ dịch cúm A/H5N1 ở đàn gia cầm tại ấp 1, xã Đại Hải, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng.

Trong năm 2014, Việt Nam cũng đã ghi nhận 2 trường hợp mắc và tử vong do cúm A/H5N1 tại Bình Phước, Đồng Tháp, nâng tổng số người mắc cúm A/H5N1 tại Việt Nam từ năm 2003 lên 127 trường hợp mắc, trong đó có 64 trường hợp tử vong. Như vậy cho thấy tỷ lệ tử vong ở người mắc cúm A/H5N1 là rất cao.

>>Xem thêm: Hỏi đáp về bệnh cúm

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!