Mùa hè, chớ chủ quan với viêm nang lông

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Thời tiết nắng nóng mùa hè và môi trường nhiều khói bụi tác động xấu đến sức khỏe nói chung và làn da nói riêng.

Đây là điều kiện thuận lợi gây kích thích lên da dễ làm da bị tổn thương và là cơ hội cho các bệnh ngoài da phát triển. Trong đó, da luôn bị ẩm và điều kiện vệ sinh không sạch sẽ là những điều kiện thuận lợi cho bệnh viêm nang lông gia tăng.

Viêm nang lông là một nhóm bệnh có mụn mủ nhỏ, khu trú ở nang lông, căn nguyên thường gặp nhất là do tụ cầu vàng, ngoài ra còn có các tác nhân khác như trực khuẩn mủ xanh, trực khuẩn Gram âm, nấm,... hay các kích thích lý hóa học cũng có thể là nguyên nhân gây nên viêm nang lông.

Viêm nang lông được phân loại dựa vào độ nông sâu, mức độ lan rộng của hiện tượng viêm nhiễm.

Các biểu hiện khác nhau của viêm nang lông

Viêm nang lông nông (viêm miệng nang lông): Là hiện tượng viêm nhiễm khu trú ngay tại cổ nang lông, hay gặp nhất ở vùng da đầu hoặc ở các chi.

Nguyên nhân do tụ cầu vàng hoặc do tiếp xúc với hóa chất như dầu mỡ gây bít tắc cổ nang lông. Bệnh thường xuất hiện ở trẻ nhỏ và những người bôi corticoid kéo dài.

Tổn thương cơ bản là mụn mủ hình chóp, kích thước bằng đầu đinh ghim, ở giữa có một chấm vàng, xung quanh là một quầng đỏ, khiến bệnh nhân thường có cảm giác ngứa rát. Các mụn mủ mọc thành từng đợt, sau 7-10 ngày khỏi không để lại sẹo. Đôi khi bệnh diễn biến dai dẳng trở thành mạn tính.

Viêm nang lông sâu: Hiện tượng viêm nhiễm lan sâu xuống nang lông nên thương tổn lớn hơn viêm nang lông nông. Thương tổn hóa mủ nhưng không vỡ mà xẹp đóng vảy tiết, sau đó vảy tiết bong để lại sẹo lõm do trung bì bị tổn thương. Bệnh nhân thấy đau nhức tại vùng bị thương tổn.

Nhọt: Là tình trạng viêm nang lông sâu cấp tính, hoại tử do tụ cầu vàng, có thể có một nhọt hoặc nhiều nhọt đứng thành đám hay rải rác.

Thương tổn do nhọt lan cả ra phần da bao bọc nang lông, hoại tử tổ chức và biến thành ngòi mủ màu vàng xanh, khi ngòi bong để lại vết loét sâu, sau khi khỏi sẽ trở thành sẹo. Bệnh hay gặp ở đối tượng thanh niên, chủ yếu là nam giới. Vị trí hay gặp là ở mặt, cổ, tay, mông.

Mùa hè, chớ chủ quan với viêm nang lông

Nhọt.

Hậu bối: Biểu hiện là viêm một đám nang lông liền kề do tụ cầu vàng, thương tổn viêm lan rộng xuống cả mô liên kết và mô mỡ phía dưới. Bệnh hay gặp ở những người mắc bệnh đái tháo đường, suy dinh dưỡng, suy tim,...

Thương tổn khởi đầu là một đám da viêm đỏ, nổi cao, bề mặt nhẵn và rắn, ấn vào có cảm giác đau. Sau 3-5 ngày, thương tổn lớn dần và đạt tới khoảng 10cm đường kính.

Sau khoảng 7-10 ngày, thương tổn mềm dần và hóa mủ, mủ thoát ra qua miệng các nang lông. Đôi khi cả đám thương tổn bị hoại tử tạo thành một vết loét sâu, dưới đáy có rất nhiều mủ. Tình trạng này khiến bệnh nhân đau nhức, sốt cao, toàn thân mệt mỏi, chán ăn.

Mùa hè, chớ chủ quan với viêm nang lông

Hậu bối.

Đinh râu: Là một dạng nhọt xuất hiện ở vùng mặt. Do cấu tạo giải phẫu các tĩnh mạch ở vùng mặt đổ vào xoang tĩnh mạch trong sọ não nên vi khuẩn có thể theo dòng máu gây nhiễm khuẩn các xoang tĩnh mạch này. Bệnh nhân không xử lý sớm tình trạng này có thể hôn mê và tử vong.

Sycosis: Là hiện tượng viêm mủ toàn bộ nang lông bán cấp hay mạn tính do vi khuẩn. Nguyên nhân gây bệnh thường gặp là tụ cầu vàng, kết hợp với các yếu tố cơ địa của bệnh nhân. Bệnh tái phát dai dẳng ở những vùng lông tóc rậm, vùng đầu, lông mày, mép cằm, bộ phận sinh dục.

Biểu hiện là các mụn mủ tiến triển kinh diễn, hay gặp ở nam giới. Thương tổn từng mảng giống chàm, các mụn tập trung, da trợt, chảy nước hoặc có vảy che phủ, có mụn mủ ở giữa. Mụn mủ nằm sâu hơn tạo thành nhiều u nhỏ, nổi cao, giới hạn rõ, ấn vào mủ chảy ra, các lỗ chân lông giãn rộng.

Điều trị viêm nang lông không khó

Viêm nang lông không khó điều trị, điều quan trọng là người bệnh phải đi khám, làm các xét nghiệm để xác định tác nhân gây bệnh và dùng thuốc điều trị phù hợp.

Viêm nang lông nông: chấm tổn thương bằng dung dịch sát khuẩn trong dung môi cồn: cồn iod 2-3%,...

Viêm nang lông sâu: dùng các dung dịch sát khuẩn để tránh thương tổn lan rộng phối hợp với kháng sinh đường uống.

Nhọt và hậu bối: dùng kháng sinh tại chỗ và toàn thân, khi có mủ rạch tháo lấy ngòi.

Đinh râu: điều trị phối hợp nhiều kháng sinh đường tiêm

Sycosis: điều trị kháng sinh kết hợp với thay đổi cơ địa bằng histaglobin, vắc-xin tụ cầu.

Lời khuyên của bác sĩ

Để điều trị và phòng tránh bệnh viêm nang lông, người bệnh cần lưu ý một số nguyên tắc cơ bản sau: tăng cường vệ sinh thân thể, giữ cho da khô về mùa hè, trong chế độ ăn giảm chất bột, đường, tăng cường vitamin nhóm B.

Khi có biểu hiện viêm nang lông phải đến khám tại các cơ sở chuyên khoa da liễu, đồng thời tuân thủ chỉ định của bác sĩ để bệnh nhanh khỏi và không tái phát.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!