Viêm nang lông

Cần biết - 04/26/2024

Các nang lông có nhiệm vụ sinh ra lông, tuyến mồ hôi trong nang lông tiết mồ hôi và chất bã giúp bài tiết và điều hòa thân nhiệt.

Tôi bị bệnh ngoài da, đi khám bác sĩ chẩn đoán tôi bị bệnh viêm nang lông. Vậy tôi xin hỏi bệnh trên là bệnh gì, nguyên nhân triệu chứng và cách điều trị?

(H.N - Long An)

Bình thường trên da của chúng ta có nhiều lông, mọc lên từ các nang lông nằm sâu dưới da, các nang lông có nhiệm vụ sinh ra lông, tuyến mồ hôi trong nang lông tiết mồ hôi và chất bã giúp bài tiết và điều hòa thân nhiệt. Khi chất bả được bài tiết quá nhiều kết hợp với nhiễm trùng sẽ gây viêm nang lông. Về nguyên nhân, thì có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng viêm nang lông, trong đó theo các nhà khoa học về da có 3 thủ phạm chính gây ra và có tới 90% tình trạng viêm nang lông là do:

1. Lớp sừng của da quá dày nên khi trên da có nhiều tế bào chết tích tụ lại gây sừng hóa. Tình trạng này xảy ra nhiều nhất vào mùa đông, mùa đông đến da thường bị khô và thiếu độ ẩm khiến tốc độ sừng hóa cao hơn.

2. Lông ở chân quá yếu và mảnh, có thể không xuyên qua lớp da cứng và dày để mọc lên trên bề mặt da, từ đó cũng tạo nên sự ứ động chất bã do không thoát ra ngoài được sẽ ứ lại và gây viêm.

3. Do bẩm sinh và di truyền, có một số bệnh nhân viêm chân lông là tình trạng di truyền từ cha mẹ, từ khi sinh ra, các bạn đã phải chung sống với căn bệnh.

Về triệu chứng, viêm nang lông là một bệnh khá đa dạng và có nhiều nguyên nhân gây ra, thường gặp nhất là do vi trùng, tuổi phổ biến nhất ở lứa tuổi thanh niên, thường biểu hiện bằng tổn thương da với nốt sẩn nhỏ nhô lên từ các nang lông, lúc đầu có màu hồng, về sau mãn tính thường có màu hơi thâm đen, mỗi nang lông là một sẩn.

Bệnh thường không khỏi tự nhiên, nếu được điều trị bệnh sẽ dần dần khỏi, các sẩn biến mất, da bớt đỏ và sạch trở lại nhưng bệnh cũng rất dễ tái phát.

Về điều trị, tại chỗ thường dùng thuốc thoa như Fucidine 2% hay Dalacin T, thoa ngày 2 lần sáng và chiều. Thuốc uống có thể dùng một trong các thuốc, kháng sinh chống nhiễm khuẩn như Clindamycine, Minoxycycline… Nếu người bệnh kèm theo ngứa thì dùng thuốc chống ngứa như: Loratadine, Chlorpheniramine, Cetirizine…

Ngày nay người ta còn điều trị viêm nang lông bằng công nghệ ánh sáng 3G nhằm hấp thụ melanin để giảm thâm đen, công nghệ này là sự kết hợp giữa sóng IPL và RF, có khả năng hấp thụ hắc tố trên da, giúp da sáng hơn, khắc phục tình trạng vết thâm và sẹo.

Tóm lại, viêm nang lông tuy không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, nhưng làm cho người bệnh rất khó chịu vì mất thẩm mỹ, việc điều trị thì khó khăn do dễ bị tái phát.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!