Chế độ ăn Keto đòi hỏi người áp dụng phải tuân thủ kiêng thực phẩm giàu carb, tiêu thụ nhiều chất béo và protein. Một khẩu phần ăn bao gồm 80% chất béo, 15% protein và 5% calo lấy từ carb. 100 calo trong 2000 calo được hấp thụ mỗi ngày đều bắt nguồn từ carb, bao gồm cả carb lành mạnh trong trái cây và rau xanh. Khi áp dụng chế độ ăn này, cơ thể bạn sẽ tự động đốt cháy mỡ thừa để tạo năng lượng.
Chế độ ăn Keto thực sự đem lại hiệu quả giảm cân như đã được nhiều chuyên gia nhắc tới. Tuy nhiên, việc giảm tiêu thụ carb và tăng cường bổ sung chất béo, protein có thể gây nên một số vấn đề đáng lo ngại. Chế độ ăn giảm cân này mang trong mình một số mặt tốt và mặt trái mọi người nên quan tâm dưới đây:
Mệt mỏi
'Cúm keto' là cụm từ không hề xa lạ đối với người mới áp dụng chế độ ăn này. Cắt giảm carb khiến bạn gặp phải tình trạng 'ketosis' và gây ra một loạt triệu chứng khó chịu như đau đầu, mệt mỏi, buồn nôn và tiêu chảy. Kristen Mancinelli, chuyên gia dinh dưỡng kiêm tác giả của cuốn The Ketogenic Diet giải thích, đây là kết quả của việc cơ thể làm quen sử dụng chất béo thay cho carb để tạo năng lượng. Bạn sẽ cảm thấy đỡ hơn sau một hoặc hai tuần thích nghi với điều này.
Tăng cân trở lại
Chế độ ăn Keto nổi tiếng với khả năng giảm cân nhanh chóng. Becky Kerkenbush, chuyên gia dinh dưỡng tại Trung tâm Y tế ở Watertown giải thích, hiệu quả này đến từ việc ngừng tiêu thụ carb và thải ra ngoài lượng nước dư thừa thông qua đường tiểu. Bạn có thể dễ dàng nhận thấy trọng lượng giảm đáng kể sau một thời gian áp dụng chế độ ăn keto.
Sụt cân bắt nguồn chủ yếu từ việc giảm lượng chất lỏng tích trữ trong cơ thể. Một nghiên cứu tại Ý đã chỉ ra, mọi người có thể giảm gần 6 cân sau khi áp dụng chế độ ăn này trong 25 ngày.
Tuy nhiên, không có nhiều nghiên cứu chỉ ra hiệu quả này có thể tồn tại lâu dài. Không ít người gặp rất nhiều khó khăn khi theo đuổi chế độ ăn này. Theo Ginger Hultin, chuyên gia dinh dưỡng tại Seattle kiêm phát ngôn viên của tạp chí Học viện Nutrition and Dietetics, cân nặng rất dễ trở lại nếu bạn không tuân thủ chặt chẽ quy định của chế độ ăn Keto.
Mất cảm giác thèm ăn
Giảm cân đồng nghĩa với việc chống lại cảm giác thèm ăn và tránh tiêu thụ nhiều thực phẩm. Trên thực tế, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, một số người không còn thấy đói và mất cảm giác thèm ăn sau khi áp dụng chế độ dinh dưỡng Keto. Các chuyên gia cho biết việc hạn chế carb có thể ngăn ngừa sản sinh hormone đói như ghrelin.
Khát nước
Thường xuyên khát nước là hiện tượng bình thường khi bạn áp dụng chế độ ăn này. Việc bài tiết lượng nước dư thừa có thể khiến cơ thể mất nước nghiêm trọng. Hiện nay các chuyên gia chưa thể ước tính lượng nước mọi người cần bổ sung khi áp dụng chế độ ăn này. Tuy nhiên, nói chung, bạn nên uống nước kịp thời khi nhận thấy các dấu hiệu mất nước rõ ràng như nước tiểu có màu vàng đậm.
Giảm mụn trứng cá
Bạn sẽ nhận thấy cơ thể thay đổi rõ rệt sau khi áp dụng chế độ ăn Keto, đặc biệt là những người ưa thích đồ ngọt. Hấp thụ một lượng lớn các carb rỗng có thể làm mụn trứng cá xuất hiện do những loại thực phẩm này kích thích cơ thể phản ứng với viêm nhiễm và thúc đẩy sản sinh hormone.
Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Academy of Nutrition and Dietetics, các hormone góp phần tăng cường sản xuất bã nhờn gây cản trở lỗ chân lông thoát khí trên da. Trên thực tế, hạn chế lượng carb hấp thụ có thể giúp bạn giải quyết vấn đề này, từ đó góp phần cải thiện vẻ đẹp của làn da.
Táo bón
Táo bón là một trong những tác dụng phụ phổ biến nhất của các chế độ ăn ít carb, trong đó bao gồm cả Keto. Hạn chế hấp thụ carb đồng nghĩa với việc tránh sử dụng các thực phẩm giàu chất xơ như ngũ cốc nguyên cám, đậu và nhiều loại rau củ trái cây khác. Kết hợp với việc bài tiết chất lỏng thường xuyên, hiện tượng này có thể dễ dàng gây táo bón.
Tuy vậy, mọi người vẫn có thể bổ sung nhiều chất xơ đến từ các loại thực phẩm nằm trong chế độ ăn keto như bơ, quả hạch và các loại rau quả không chứa tinh bột. Theo David Nico, phó giáo sư kiêm tác giả của cuốn Diet Diagnosis, bổ sung nhiều nước cũng là biện pháp đơn giản và hiệu quả hạn chế tình trạng này.
Cải thiện trí nhớ
Các loại carb trong đường, bánh mì trắng và mì ống có khả năng ảnh hưởng xấu tới lượng đường huyết trong máu. Do đó, ít tiêu thụ những loại thực phẩm này sẽ giúp bảo vệ sức khỏe của bạn. Với những người khỏe mạnh, họ có thể ít thèm ăn hơn, sở hữu năng lượng ổn định hơn và tránh hay quên.
Kiểm soát chỉ số A1C
Theo một nghiên cứu về chế độ ăn keto, kiểm soát lượng đường huyết trong máu ổn định có thể giúp bạn cải thiện chỉ số A1C và giảm lượng insulin cơ thể cần thiết.
Tuy nhiên, áp dụng chế độ ăn keto có khả năng dẫn đến chứng nhiễm toan xeton do bệnh tiểu đường (diabetic ketoacidosis). Đây là vấn đề sức khỏe có thể đe dọa tới tính mạng người bệnh, khiến chất béo bị phá vỡ quá nhanh và làm máu có tính axit. Tình trạng này thường gặp phải ở những bệnh nhân mắc tiểu đường tuýp 1. Tuy nhiên, nếu mắc tiểu đường tuýp 2 và đang áp dụng chế độ ăn keto, bạn vẫn nên khám bác sĩ thường xuyên nhằm giảm thiểu nguy cơ mắc phải tình trạng này.
Gây áp lực tới thận
Thận đóng một vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa protein. Do đó, tiêu thụ quá nhiều thức ăn có thể có tác động tiêu cực đến khả năng làm việc của cơ quan này. Dù chế độ ăn keto quy định hấp thụ nhiều chất béo hơn protein, không ít người vẫn mắc sai lầm khi tiêu thụ rất nhiều thịt và khiến cơ thể bổ sung nhiều đạm hơn mức cần thiết.
Lượng protein cơ thể hấp thụ phụ thuộc vào từng cá nhân nên các chuyên gia rất khó để đưa ra lời khuyên rõ ràng. Do đó, bạn nên nói chuyện với các chuyên gia dinh dưỡng hoặc bác sĩ để điều chỉnh khẩu phần ăn phù hợp với chế độ ăn này.
Bảo vệ sức khỏe tim mạch
Theo một công bố trên tạp chí Nutrients, áp dụng chế độ ăn kiêng low-carb có khả năng giảm nguy cơ mắc bệnh béo phì, tiểu đường tuýp 2 và cải thiện nồng độ cholesterol trong cơ thể. Tất cả những lợi ích này đều góp phần giúp bạn tránh khỏi nguy cơ phát triển bệnh tim.
Sức khỏe tim mạch phụ thuộc không nhỏ và những loại thực phẩm bạn đang tiêu thụ. Một phát hiện mới đăng trên tạp chí y học New England cho thấy, chế độ ăn low-carb, tăng cường hấp thụ chất béo và protein có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tim tới 30%.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, hấp thụ nhiều chất béo bão hòa thường có trong thực phẩm như thịt, bơ và phô mai sẽ làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tim. Do đó, khi đang áp dụng chế độ ăn keto, bạn cũng nên kiểm tra nồng độ cholesterol và sức khỏe tim mạch thường xuyên.
(Nguồn: Pre)
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!