Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì có khoảng 30-35% trẻ sinh ra bị nhiễm HIV từ các bà mẹ nhiễm HIV. Một bà mẹ bị nhiễm HIV mang thai có thể làm lây truyền HIV từ mẹ sang con, nhưng không phải tất cả các bà mẹ nhiễm HIV mang thai khi sinh con thì con của họ đều bị nhiễm HIV. Chỉ có 1/3 trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV sẽ thực sự bị nhiễm HIV.
Như vậy, cứ 100 trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV không được chăm sóc điều trị thích hợp, không được dùng thuốc kháng HIV để phòng HIV lây truyền từ mẹ sang con thì trung bình có 30-35 trẻ sinh ra bị lây nhiễm HIV từ mẹ.
Trong khi đó, nếu được phát hiện sớm và điều trị thích hợp, tỷ lệ này giảm xuống còn dưới 5% (100 trẻ sinh ra có thể chỉ có 3 - 5 trẻ nhiễm HIV từ mẹ hoặc thậm chí còn ít hơn nữa). Ở nước ta, ước tính trung bình mỗi năm có từ 1,5 - 2 triệu phụ nữ mang thai, với tỷ lệ nhiễm HIV khoảng 0,25-0,3% trong nhóm này thì mỗi năm có khoảng từ 4.000 - 6.000 bà mẹ mang thai nhiễm HIV.
Chỉ có 1/3 trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV sẽ thực sự bị nhiễm HIV (Ảnh minh họa: Internet)
Nếu không được can thiệp, mỗi năm sẽ có 1.500 - 3.000 trẻ bị nhiễm HIV ra đời. Nếu được chăm sóc và điều trị dự phòng thích hợp, tỷ lệ này sẽ giảm xuống dưới 5%, nghĩa là chỉ còn 150 - 200 cháu bị nhiễm HIV từ mẹ. Hàng ngàn cháu sẽ được cứu thoát khỏi HIV. Đây là con số hết sức có ý nghĩa về nhiều mặt.
Vì vậy, phụ nữ mang thai biết mình bị nhiễm HIV hoặc phụ nữ nhiễm HIV muốn mang thai và muốn sinh con đều cần được tư vấn và cần tuân thủ tốt việc dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Phụ nữ mang thai nhiễm HIV cần đến ngay các cơ sở y tế đăng ký càng sớm càng tốt để được điều trị dự phòng kịp thời. Nếu điều trị muộn hơn, kết quả sẽ bị hạn chế.
>>Xem thêm: Hỏi đáp về bệnh HIV/AIDS
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!