Chỉ trong 1 tháng giáp Tết, hàng chục bệnh nhân đã nhập viện do ngộ độc rượu. Trong số đó đã có người mù mắt do ngộ độc rượu pha cồn. Trước đây còn có trường hợp tử vong.
Do vậy, việc nắm bắt các dấu hiệu bị ngộ độc rượu là điều cần thiết để giúp giảm thiểu các biến chứng xảy ra.
Uống rượu bia không kiểm soát rất dễ bị ngộ độc rượu (Ảnh minh họa: Internet)
Một số biểu hiện của ngộ độc rượu
Khi bắt đầu vào trạng thái ngộ độc rượu, các cơ sẽ mất dần kiểm soát, việc cầm bát đũa, chén rượu… mất thăng bằng, đi đứng khó khăn. Tâm lí lúc này thường bất ổn, lời nói không rõ ràng, nói líu lưỡi. Thân nhiệt dần giảm thấp, kèm với đó là hiện tượng nôn mửa. Khi chuyển sang mức nặng, người bị ngộ độc cảm thấy khó thở, mất dần tri thức, thậm chí có thể rơi vào trạng thái hôn mê. Trường hợp bất tỉnh dễ dẫn đến tử vong.
Các biến chứng
Ngộ độc rượu gây ảnh hưởng đến dạ dày, việc kích thích mạnh dễ dẫn đến ói mửa. Việc này khiến cơ thể mất nước nghiêm trọng, dễ dẫn đến tình trạng khô người, nhiệt miệng, nóng trong… Phản xạ miệng bị giảm mạnh. Khi nôn quá nhiều, nguy cơ nghẹt thở tăng lên do miệng khó há hơn bình thường.
Một trường hợp ngộ độc rượu điều trị tại bệnh viện (Ảnh: Tiền Phong)
Chất nôn nhiều có thể bị tràn vào phổi dễ gây ngạt thở. Trong trường hợp ngộ độc rượu nặng, nạn nhân có thể bị tử vong. Nếu may mắn giải độc kịp thời vẫn có thể để lại di chứng ở não bộ.
Với người bị bệnh tim mạch hoặc người đã có tuổi, ngộ độc rượu có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim, xuất huyết não…
Biện pháp xử lý
Khi phát hiện có người bị ngộ độc rượu, người xung quanh cần xác định tình trạng ý thức của nạn nhân. Nếu nạn nhân còn ý thức, bạn cần tiến hành gây nôn giúp loại bỏ tối đa độc tố ra khỏi cơ thể, sau đó xoa mạnh vào hai bên má, cho nạn nhân uống sữa nóng hoặc trà giải rượu. Đưa nạn nhân vào nơi kín gió, thoáng mát, có thể cởi khuy áo cổ và tháo thắt lưng. Nên đặt nạn nhân nằm úp, mặt nghiêng sang trái, hai tay buông xuôi.
Trong trường hợp đã mất ý thức, rơi vào trạng thái hôn mê, nạn nhân cần được nhanh chóng đưa đến bệnh viện. Đặc biệt không tiến hành gây nôn cho người đã ngất. Điều này có thể làm họ bị sặc, chấn thương dẫn đến tình trạng nguy hiểm. Sắp xếp một người bên cạnh nạn nhân để theo dõi tình hình.
Một lưu ý là cần tránh người say rượu đi ngủ. Đôi lúc họ có thể đang trong trạng thái hôn mê sâu, việc đi ngủ có thể dẫn đến tình trạng nguy kịch do phát hiện muộn. Sau vài tiếng đồng hồ nên kiểm tra phản ứng. Nếu họ có thể dậy nên cho ăn cháo loãng để nhanh hồi phục sức lực.
Có thể cho người say rượu hoặc ngộ độc rượu uống một chút trà để giải độc (Ảnh minh họa: Internet)
Một số thực phẩm giải độc rượu
Trong bếp mỗi gia đình đều có những thực phẩm giải độc rượu rất tốt như gừng, đỗ đen, đỗ xanh nguyên vỏ… Trường hợp ngộ độc nhẹ nên nhanh chóng chế thuốc giải rượu từ các thực phẩm thân quen này.
Tuy nhiên, thuốc giải rượu không có tác dụng với những trường hợp ngộ độc nặng. Người thân nên sơ cứu tại chỗ, theo dõi tình hình và đưa đến bệnh viện kịp thời.
Phòng chống
Để giảm thiểu tình trạng ngộ độc rượu, bạn nên mua rượu có uy tín ở những cơ sở đảm bảo. Nhiều hộ kinh doanh dùng rượu pha cồn, rượu giả rất có hại cho sức khoẻ.
Trong dịp Tết hay bất kì dịp vui nào, để tránh trường hợp ngộ độc rượu xảy ra cần kiểm soát lượng đồ uống có cồn tiêu thụ. Nên uống chậm để kịp thời phát hiện những thay đổi của cơ thể để điều chỉnh kịp thời.
Không uống tiếp nếu thấy cơ thể không chịu được hơn nữa. Người cùng nhậu cũng không nên ép những người không thể uống tiếp, tránh phải hối hận. Trong tiệc rượu nên có nhiều đồ ăn, rau xanh, tránh uống rượu suông.
Thanh Nguyên
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!