Người mẹ ung thư di căn não chấp nhận mất trí nhớ để giữ con trong bụng

Thời sự - 04/19/2024

Mang thai tháng thứ 7, chị Hạnh - nữ công nhân xin dừng điều trị ung thư để thực hiện khát khao làm mẹ - đã phát hiện khối u di căn lên não. Giảm trí nhớ hoàn toàn, chị vẫn quyết tâm sinh con...

Đang điều trị ung thư vú kết quả tốt, chị Nguyễn Thị Hạnh xin tạm dừng để thực hiện thiên chức: Làm mẹ. Người phụ nữ sinh năm 1983, quê Bắc Giang ấy phát hiện bệnh khi mới 30 tuổi (năm 2013). Khi ấy, chị thấy ngực thỉnh thoảng nhói đau, đi khám ở bệnh viện tỉnh phát hiện có khối u ở vú. Lên Bệnh viện K, chị như chết trân khi bác sĩ nói chị mắc ung thư vú.

Nhưng rồi chị vẫn phải sống, phải chiến đấu với bệnh tật, nhất là khi chị thấy trong Bệnh viện K, nhiều người sống khoẻ, sống tốt nhờ tuân thủ điều trị.

5 năm điều trị trong viện, ai ai cũng xúc động trước khát khao được làm mẹ của chị. 'Chỉ mong có thể ẵm bồng, ôm con dù chẳng biết trước ngày mai sẽ ra sao, ngắn ngủi thôi, một thời khắc thôi tôi cũng mãn nguyện rồi', chị Hạnh chia sẻ. Ở Bệnh viện K, chuyện bệnh nhân ung thư quyết mang thai, sinh con không còn là hiếm.

Hiểu được khát vọng lớn lao của nữ bệnh nhân làm thợ dệt may, các bác sĩ vẫn phải cân nhắc, đánh giá tình hình sức khoẻ và tư vấn kỹ lưỡng cho chị Hạnh về nhiều khả năng có thể xảy ra khi chị mang thai, sinh con.

'Dù rất chia sẻ nhưng chúng tôi vẫn phải kiểm tra toàn bộ các chỉ số, đánh giá sức khoẻ của Hạnh, hội chẩn kỹ về những hoá chất đã điều trị cho cô ấy để xem có ảnh hưởng gì nếu mang thai hay không'- TS.BS Hàn Thị Thanh Bình, Phó Trưởng khoa Nội 5, bác sĩ trực tiếp tiếp nhận bệnh nhân Hạnh từ ngày nhập viện, chia sẻ.

Biết rất rõ những nguy cơ sẽ phải đối mặt, chị Hạnh chấp nhận tất cả. Nỗi khát khao đó của chị đã chạm đến trái tim, cảm xúc của chính các bác sĩ điều trị cho chị. Điều duy nhất, tốt nhất mà các bác sĩ Bệnh viện K có thể mang đến là tư vấn sức khoẻ cho mẹ, phối hợp bác sĩ chuyên khoa Sản để chị được theo dõi, chăm sóc suốt thai kỳ.

Người mẹ ung thư di căn não chấp nhận mất trí nhớ để giữ con trong bụng

Chị Hạnh trao đổi với TS Nguyễn Đức Liên về phác đồ điều trị sau khi sinh con

Đầu năm 2019, chị thấy trong người 'khang khác', tin vui đến với chị khi chị biết có một mầm sống nương tựa trong cơ thể mình. Chị vẫn hàng ngày đi làm công nhân ở xí nghiệp may, mọi sinh hoạt đều diễn ra bình thường,

Vui mừng chờ đợi giây phút được làm mẹ nhưng đến tuần 28 thai kỳ, chị Hạnh cứ ăn vào là nôn, nghĩ là bị nghén vì cơ thể không có biểu hiện khác thường, gia đình đưa chị đến khám tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện K. Các bác sĩ nhận định trong quá trình mang thai khối u tiếp tục phát triển và di căn lên não.

Không chỉ thế, chị Hạnh còn có dấu hiệu giảm trí nhớ, nói không biết gì, gia đình phải trợ giúp hoàn toàn.

Ấy vậy nhưng người phụ nữ 36 tuổi ấy vẫn quyết tâm giữ lại sinh linh bé bỏng đang mang trong mình. Đó là đứa trẻ mà chị hy vọng, ngóng chờ nhiều năm qua dù chị biết thậm chí phải đánh đổi cả sinh mệnh.

Đến tuần thứ 34, trí nhớ suy giảm hoàn toàn, nữ công nhân bị ung thư di căn não vẫn quyết tâm sinh con. Lúc này, chị Hạnh bắt đầu hôn mê, thai có biểu hiện suy tim, ngay lập tức các bác sĩ quyết định mổ cứu hai mẹ con.

Ngày 29/10, bé gái Hương Giang nặng 2.000gram chào đời trong niềm hạnh phúc của cả gia đình và các bác sĩ tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, nhưng mẹ bé - chị Hạnh được chuyển sang Bệnh viện K để tiếp tục chữa trị.

Cuộc chiến mới của chị Hạnh bắt đầu. Các bác sĩ quyết định xây dựng kế hoạch điều trị chia làm 3 phân liều cách nhau 2 tuần. Cách đây 6 tuần, chị điều trị liều đầu tiên, sau đó chuyển ngay phối hợp điều trị miễn dịch với bác sĩ nội khoa ung thư để điều trị hóa chất phối hợp. Sau đó 2 tuần, bệnh nhân chuyển sang khoa Ngoại thần kinh để điều trị dao Gamma đợt 2. Ngày 3/12, bệnh nhân điều trị đợt cuối.

Nhận bệnh nhân Hạnh sau sinh 3 ngày, TS.BS Nguyễn Đức Liên, Trưởng khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện K cho biết khi vào viện khối u đã di căn vào não 3 ổ, đặc biệt di căn vào hố sau gây chèn ép, dẫn đến tình trạng hôn mê.

'Chúng tôi ngay lập tức quyết định điều trị bằng thuốc và điều trị bằng dao Gamma cho bệnh nhân Hạnh' - BS Liên nói.

Điều trị bằng dao Gamma có thể tập trung liều điều trị vào khối u và ít ảnh hưởng cấu trúc não xung quanh. Với trường hợp của chị Hạnh, khối u nằm cạnh hệ thống não thất, có thể dẫn đến tình trạng ứ nước trong não. Do vậy các bác sĩ chuẩn bị cả phương án mổ phối hợp để dẫn lưu dịch não tủy nếu cần.

Điều kỳ diệu đã đến với mẹ con chị Hạnh sau bao nỗ lực của ê-kíp các bác sĩ Bệnh viện K và nghị lực của chị. Sau khi điều trị với phác đồ bằng dao Gamma 2 ngày chị đã dần phục hồi trí nhớ, tỉnh táo trở lại.

Sau 6 tuần điều trị, bệnh nhân Hạnh đáp ứng thuốc rất tốt, khối u đã giảm 40% thể tích. Bệnh được kiểm soát tốt, tránh được các đợt di căn khác lên não.

'Đã có lúc tôi nghĩ mình không thể qua khỏi, vậy mà nhờ các bác sĩ, tôi được gặp lại con, được sinh ra một lần nữa' - chị Hạnh chia sẻ sau khi tỉnh táo.

Được biết, hiện chị Hạnh được điều trị phối hợp nội khoa ung thư, điều trị hóa chất và rất may mắn sức khoẻ bệnh nhân ổn định, đáp ứng điều trị rất tốt.

Thêm một câu chuyện cổ tích giữa đời thường nữa đã được chị Hạnh và các bác sĩ viết lên, sau câu chuyện của hai mẹ con bé Bình An. Hi vọng hành trình chị Hạnh và bé Hương Giang con gái chị sẽ nhiều may mắn, an yên, cùng nhau thực hiện những ấp ủ trong cuộc đời này...

* Tên nhân vật đã thay đổi

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!