Đẩy mạnh công tác phòng chống mù lòa
PGS.TS. Nguyễn Xuân Hiệp – Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết: Hiện nay, theo các báo cáo về phòng chống mù lòa, tình hình mù lòa tại Việt Nam qua 10 năm đã có nhiều thay đổi, sẹo giác mạc do mắt hột có xu hướng giảm trong khi đục thể thủy tinh, tật khúc xạ, bệnh võng mạc do đái tháo đường lại có xu hướng tăng.
Kết quả cuộc điều tra mới nhất RAAB tại 14 tỉnh/ thành năm 2015, tỷ lệ mù loà ở người từ 50 tuổi trở lên của nước ta là 1.8% giảm đáng kể so với năm 2007-2008 (3.1%) và với năm 2000-2002 (4.1%). Số lượng người mù ước tính ở Việt Nam cũng giảm từ 443.700 trong năm 2000 xuống 370.640 trong năm 2007 và xuống 269.380 trong năm 2018.
Đáng báo động, hiện có khoảng hơn 14 triệu người Việt Nam mắc tật khúc xạ. Theo đó, tỷ lệ tật khúc xạ hiện nay chiếm khoảng từ 15% đến 40%, tương ứng khoảng từ 14 triệu đến 36 triệu người mắc tật khúc xạ. Trẻ em trong độ tuổi từ 6 đến 15 tuổi có tỷ lệ mắc tật khúc xạ từ 25% đến 40% ở khu vực thành thị, và từ 10% đến 15% tại khu vực nông thôn. Điều này có nghĩa có khoảng 3 triệu trẻ em đang có tật khúc xạ cần được chỉnh kính và con số này sẽ ngày một tăng cao.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, số lượng học sinh phổ thông của nước ta hiện chiếm gần 19% số dân. Tổng hợp điều tra về tật khúc xạ (chủ yếu là cận thị) của học sinh phổ thông thì tỷ lệ mắc tương đối cao, ở Hà Nội là 24%, TP.HCM là 40%, Hải Phòng là 60%. Trong khi đó, toàn quốc chỉ có 5/63 tỉnh, thành phố có bác sĩ phụ trách y tế học đường, còn phần lớn số cán bộ phụ trách y tế học đường chủ yếu là những giáo viên kiêm nhiệm, không có kiến thức chuyên môn về y tế.
Hiện nay, chưa có báo cáo nào về tỷ lệ tật khúc xạ trên cả nước, BV Mắt Trung ương đang bắt đầu tiến hành triển khai đề tài cấp Nhà nước để điều tra tỷ lệ khúc xạ học đường. Đây sẽ là bằng chứng khoa học để từ đó đưa ra các chiến lược cụ thể nhằm hạn chế tỷ lệ tật khúc xạ học đường trong những năm tiếp theo.
Ngoài ra, quản lý bệnh võng mạc đái tháo đường cũng là một thác thức mới đối với ngành mắt và ngành y tế Việt Nam. Ở nước ta có khoảng 4,5 triệu người mắc ĐTĐ, trong đó khoảng 20% có biến chứng ở mắt với các mức độ khác nhau. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, những tổn thương của bệnh ở đáy mắt sẽ rất nặng nề như phù hoàng điểm, xuất huyết võng mạc, xuất huyết dịch kính, bong võng mạc, glocom tân mạch,… dẫn đến mù lòa. Trong khi đó ngành y tế vẫn chưa có mô hình sàng lọc bệnh võng mạc đái tháo đường hiệu quả giúp phát hiện số lượng lớn bệnh nhân có biến chứng nói trên. Bên cạnh đó nhân lực ngành mắt vẫn còn thiếu và yếu, các thiết bị chụp hình đáy mắt chỉ mới được trang bị ở một số bệnh viện mắt lớn…
Đây là những thách thức lớn về gánh nặng mù lòa để chúng ta quan tâm và có kế hoạch can thiệp trong thời gian tới, nhằm đạt được mục tiêu 'Thị giác 2020'.
Bệnh viện Mắt Trung ương đã phối hợp với các cấp chính quyền đưa xe mổ lưu động đến phục vụ bà con tại Tiền Hải, Thái Bình.
Chiến lược hoạt động phòng chống mù lòa tới năm 2030
Ngày 18/2/1999 Tổ chức Y tế Thế giới ( WHO) và Chương trình phòng chống mù lòa quốc tế (IAPB) đã phát động chương trình VISION 2020. Ở Việt nam có tên là Tầm nhìn 2020 –VISION 2020. Đây là sáng kiến toàn cầu để loại trừ các nguyên nhân gây mù lòa có thể phòng tránh được. Tầm nhìn 2020 có mục tiêu chính:
- Kiểm soát được các bệnh tật ảnh hưởng tới mắt
- Phát triển được nguồn nhân lực chăm sóc mắt
- Chuẩn bị các kỹ thuật thích hợp và hạ tầng đầy đủ
Chiến lược Quốc gia phòng chống mù lòa giai đoạn 2016-2020 và Tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt theo QĐ 2560/QĐ-TTg ngày 31/12/2016. Trong Chiến lược này, các đơn vị nhãn khoa trên toàn quốc cần đẩy mạnh các hoạt động phòng chống mù lòa để đạt được mục tiêu Tầm nhìn 2020 như:
- Giảm tỷ lệ mù lòa xuống dưới 4,5 %, trong đó giảm tỷ lệ mù lòa ở người trên 50 tuổi xuống 1,6%.
- Tăng tỷ lệ CSR lên 2500, trong đó tăng tỷ lệ phẫu thuật thay thủy tinh thể ở người có thị lực dưới đếm ngón tay dưới 3m lên 80%
- Tăng tỷ lệ người bệnh đái tháo đường được khám, theo dõi bệnh lý về mắt trên 45%
- Tăng tỷ lệ tật khúc xạ học đường được khám, phát hiện sớm, cung cấp dịch vụ khúc xạ và kính chỉnh tật khúc xạ trên 70%.
Nhiệm vụ và giải pháp chính của Chiến lược Quốc gia phòng chốngmù lòa hướng tới năm 2030là: Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chính quyền các cấp, các ngành các tổ chức và người dân về công tác phòng chống mù lòa và ảnh hưởng mù lòa đối với sức khỏe, đối với khả năng lao động và sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Xây dựng và hoàn thiện chính sách phòng chống mù lòa. Kiểm soát các nguyên nhân chính gây mù lòa (Bao gồm: Kiểm soát bệnh đục thuỷ tinh thể gây mù; Thanh toán quặm do bệnh mắt hột gây mù; Triển khai chương trình chăm sóc tật khúc xạ; Các hoạt động phòng chống glôcôm ở cộng đồng; Thí điểm khám sàng lọc, quản lý điều trị bệnh võng mạc đái tháo đường gây mù tại 1 số trung tâm chuyên sâu; Đẩy mạnh công tác chăm sóc mắt cho trẻ em).
Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh và tăng cường công tác giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh, tăng cường đào tạo chuyển giao kỹ thuật, nâng cao năng lực chuyên môn cho tuyến dưới, cập nhật kiến thức về chăm sóc mắt ban đầu cho y tế cơ sở, tăng cường phát triển nguồn nhân lực chuyên khoa mắt các trình độ, đặc biệt chú ý chuyên ngành mắt trẻ em; Củng cố và kiện toàn mạng lưới cung cấp dịch vụ chăm sóc mắt, bảo đảm sự tiếp cận bình đẳng giữa các đối tượng (trẻ em, người già, người khuyết tật, người cao tuổi); Tăng cường hợp tác Quốc tế…
Đã gần đến thời điểm kết thúc của chương trình Tầm nhìn 2020 toàn ngành Mắt đang cố gắng đoàn kết phấn đấu để đẩy mạnh công tác phòng chống mù lòa cho nhân dân, nhằm đạt được mục tiêu đã đề ra.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!