Vì sao dị ứng ở mắt?
Tỷ lệ mắc các bệnh dị ứng ở mắt trong cộng đồng dân cư các nước là khoảng 5-22% với các thể bệnh chính là viêm kết mạc dị ứng (theo mùa hoặc quanh năm), viêm kết giác mạc mùa xuân, viêm kết giác mạc thể tạng, viêm kết mạc do kính sát tròng và viêm kết giác mạc trong các bệnh dị ứng toàn thể (hồng ban đa dạng, hội chứng stevens Johnson...).
Nguyên nhân thường gặp nhất của các bệnh lý này là phấn hoa, bụi nhà, lông súc vật, thuốc, hoá chất và các dị vật trong mắt (kính sát tròng, mắt giả...). Ngứa mắt, đỏ mắt, chảy nước mắt, sưng nề hoặc nhức mắt là những triệu chứng lâm sàng thường gặp nhất.
Dùng thuốc chữa dị ứng mắt phải do bác sĩ chỉ định.
Thuốc nào điều trị?
Việc điều trị các bệnh dị ứng ở mắt chủ yếu phụ thuộc vào mức độ của các triệu chứng bệnh. Phổ biến và đơn giản nhất là sử dụng thuốc tra mắt và một số can thiệp tại chỗ.
Điều trị không dùng thuốc
Có 2 phương pháp điều trị là áp lạnh và sử dụng các chất giữ ẩm ở mắt.
Áp lạnh là một phương pháp đơn giản nhưng có tác dụng giảm khá tốt triệu chứng, đặc biệt triệu chứng ngứa mắt. Ngoài ra, sử dụng các thuốc nhỏ mắt ngay sau khi áp lạnh có thể làm tăng cường hiệu quả của thuốc. Hiện nay, các loại nước mắt nhân tạo có chứa dung dịch natri clorid 0,9% và methylcellulose hoặc polyvinyl alcohol (một chất giữ ẩm và tạo độ nhớt) được các bác sĩ khuyên dùng. Việc dùng 2-4 lần mỗi ngày có thể giúp pha loãng và loại bỏ dị nguyên gây bệnh cũng như các sản phẩm của quá trình viêm dị ứng.
Điều trị bằng thuốc
Một số nhóm thuốc chủ yếu được sử dụng bao gồm: thuốc co mạch, thuốc kháng histamin, thuốc ổn định màng tế bào mast và thuốc chống viêm. Các thuốc này có thể được sử dụng đơn lẻ hoặc phối hợp với nhau.
Thuốc co mạch (phenylephrine, naphazoline và tetrahydrozoline) là những tác nhân giống giao cảm có tác dụng giảm sung huyết và do đó hiệu quả tốt với các triệu chứng đỏ mắt và phù nề mi mắt. Tuy nhiên, chúng không ức chế được phản ứng dị ứng tại chỗ nên thường được dùng phối hợp với các thuốc kháng histamin. Các thuốc co mạch thường được dùng 3 - 4 lần mỗi ngày và không được sử dụng cho các bệnh nhân bị tăng nhãn áp. Các tác dụng phụ hay gặp bao gồm cảm giác cay mắt, rát bỏng mắt khi nhỏ, đỏ mắt tăng lên khi ngừng thuốc và viêm kết mạc do thuốc.
Thuốc kháng histamin: Trong phản ứng viêm do dị ứng ở kết - giác mạc, histamin được tiết ra với số lượng lớn, chất này gây giãn mạch, tăng tính thấm thành mạch và dẫn đến hầu hết các triệu chứng dị ứng ở mắt. Do đó, việc sử dụng các thuốc kháng histamin có vai trò quan trọng trong điều trị các triệu chứng này. Levocabastine, azelastine và emedastine là các thuốc kháng histamin chọn lọc trên receptor H1 có cường độ tác dụng khá mạnh, ít tác dụng phụ và có hiệu quả tốt trong điều trị viêm kết giác mạc dị ứng, đặc biệt khi dùng phối hợp tại chỗ với các thuốc co mạch.
Thuốc ổn định màng tế bào mast:cromolyn, lodoxamide, pemirolast, olopatadine và nedocromil là những thuốc ổn định màng tế bào mast đã chứng minh được hiệu quả trong điều trị một số thể viêm kết mạc dị ứng khi dùng tại chỗ. Một trong những ưu điểm lớn của nhóm thuốc này là tính an toàn rất cao. Riêng nedocromil ngoài tác dụng ổn định màng tế bào mast còn có tác dụng kháng histamin nên có hiệu quả điều trị tốt hơn các thuốc khác trong nhóm.
Các thuốc chống viêm không steroid dùng tại chỗ như ketorolac, diclofenac và flurbiprofen giảm rõ rệt triệu chứng ngứa mắt và đỏ mắt trong viêm kết mạc dị ứng theo mùa và viêm kết giác mạc mùa xuân. Khi được sử dụng đúng chỉ định, các thuốc này thường không gây ra tác dụng phụ nào đáng kể. Ngược lại, các chế phẩm corticosteroid tra mắt (như dexamethasone…) mặc dù có tác dụng rất tốt đối với các triệu chứng dị ứng ở mắt, nhưng khi dùng kéo dài có thể gây ra nhiều tác dụng phụ như tăng nhãn áp, đục thuỷ tinh thể, tăng nguy cơ nhiễm trùng ở mắt… Do đó, chúng chỉ được sử dụng khi tất cả các nhóm thuốc trên không có hiệu quả.
Lời khuyên của thầy thuốc
Khi bệnh nhân có các triệu chứng dị ứng ở mắt, nên đến thăm khám tại các cơ sở chuyên khoa. Tuyệt đối không nên tự ý dùng thuốc, tránh sử dụng kéo dài mà không có sự chỉ dẫn của bác sĩ dẫn đến tình trạng bệnh nặng lên, có thể gặp những tác dụng phụ của thuốc gây ảnh hưởng đến mắt, thậm chí có thể dẫn đến mù lòa.
TS.BS. Nguyễn Hữu Trường (Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng BV Bạch Mai)
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!