Nhìn lại thí nghiệm gây tranh cãi trong lịch sử tâm lý học

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Thí nghiệm được tiến hành vào năm 1920 do 'cha đẻ thuyết hành vi' John B. Watson thực hiện.

Thí nghiệm này đã khiến bé Albert 9 tháng tuổi trở nên kinh hãi loài chuột. Albert còn sợ mọi đồ vật được làm bằng lông trắng. Bỏ qua vấn đề đạo đức, thí nghiệm này trở thành một ví dụ kinh điển và được trích dẫn trong hầu hết các tài liệu tâm lý học trên thế giới, trang Today I Found Out viết.

Watson nảy ra ý tưởng từ công trình của Ivan Pavlov, nhà sinh lý học người Nga. Pavlov quan sát sự tiết dịch vị của loài chó và nhận thấy chúng tiết nước bọt nhiều hơn khi nghe thấy bước chân hoặc tiếng chuông của người chăm sóc thông báo bữa ăn đã đến. Hiện tượng này chỉ xảy ra ở những con chó được huấn luyện lâu dài và trở thành cơ sở cho Pavlov xây dựng thuyết phản xạ có điều kiện. Tò mò liệu điều tương tự có xảy ra ở con người, Watson đã quyết định thử nghiệm trên một em bé.

Watson tin rằng trẻ nhỏ là một trang giấy trắng vì thế sẽ cho kết quả đúng nhất. Không còn nhiều ghi chép về quá trình thực hiện bởi nhà tâm lý học người Mỹ đã đốt phần lớn giấy tờ trước khi qua đời, song người ta biết Albert được chọn từ các em bé tại một bệnh viện nằm trong phần đất của Đại học John Hopkins khi bé mới 8 tháng 26 ngày. Dựa trên tài liệu còn sót lại, Albert khiến Watson cùng Roslie Raynor, sinh viên đồng thời là người tình của ông ấn tượng ngay lập tức với vẻ ngoài 'lãnh đạm và vô cảm', rất ít khóc.

Nhìn lại thí nghiệm gây tranh cãi trong lịch sử tâm lý học

Sau thí nghiệm, Albert khóc thét khi y tá đặt một con thỏ lên người bé. Ảnh: hurriyet.com.fr.

Cuộc thí nghiệm bắt đầu. Albert tiếp xúc với chuột bạch, thỏ, khỉ và cả giấy đang cháy. Không thứ gì khiến cậu hoảng sợ. Đến khi Albert được 11 tháng 3 ngày, Watson tiếp tục công việc và đưa cho bé trai một chú chuột. Đúng như dự đoán, Albert lại gần con vật như thói quen. Đúng lúc này, Watson dùng búa đập vào thanh thép phía sau gây ra một tiếng động đinh tai khiến em nhỏ khóc thét. Lặp đi lặp lại nhiều lần, cuối cùng, Albert chỉ nhìn thấy chuột là đã sợ.

Cho phép con mình tham gia vào nghiên cứu, mẹ của Albert nhận được khoản tiền là một USD (tương đương 12 USD ngày nay). Một số chuyên gia nhận định bà đồng ý chỉ vì sợ mất công việc y tá tại bệnh viện.

Về một phương diện nào đó, thí nghiệm trên cũng có ích lợi. Chẳng ông bố bà mẹ nào muốn con mình bị chuột cắn và trong trường hợp này Albert sẽ luôn tránh xa loài chuột. Thế nhưng, như chính Watson đã đặt giả thiết, cậu bé trở nên kinh hãi bất cứ đồ vật, con vật nào có lông như thỏ, chó và cả người có râu trắng như ông già Noel. Tệ hơn nữa, Watson không hề theo dõi sau khi Albert rời khỏi bệnh viện.

Liệu có phải Albert đã lớn lên với nỗi sợ ấy? Điều này đến nay vẫn còn là một bí ẩn bởi chưa ai xác định được chính xác danh tính của cậu bé ngày trước. Theo nghiên cứu của nhà tâm lý học Hall P. Beck, Albert tên thật là Douglas Merrite. Thế nhưng, nếu đây là sự thật, thí nghiệm khi xưa sẽ càng đen tối hơn bởi Merrite rất ốm yếu và qua đời lúc 6 tuổi do chứng não úng thủy, trái ngược với mô tả Albert là 'một trong những em bé phát triển nhất từng được đưa đến bệnh viện' của Watson.

Các nhà khoa học khác cho rằng Albert là William Barger. Không giống như Merrite, Barger khi còn nhỏ khỏe mạnh và mũm mĩm, phù hợp với ghi chép của Watson cũng như các hình ảnh còn lại. Hơn nữa, tên đệm của Barger chính là Albert, có thể giải thích tại sao Watson lại ghi tên em bé ngày trước là 'Albert B'. So với Merrite, Barger có cuộc đời viên mãn bên cạnh gia đình và bạn bè. Ông ra đi ở tuổi 87 và đặc biệt rất ghét chó.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!