Nhịp tim của bạn có bình thường hay không?

Sống Khỏe - 11/24/2024

Theo dõi nhịp tim của mình là điều vô cùng cần thiết để kiểm soát tình trạng sức khỏe. Bài viết sẽ chỉ cho bạn cách đo nhịp tim của mình.

Thắc mắc tim mình có đang đập bình thường không là một thắc mắc chính đáng. Đôi khi bạn thấy tim mình đang đập hơi chậm, trong khi lúc khác bạn lại thấy nó đập quá nhanh. Có rất nhiều hiểu lầm phổ biến về nhịp tim, thế nên bài viết sau đây sẽ giúp bạn xóa tan những hiểu lầm ấy và hiểu rõ hơn về trái tim của mình.

Cách đo nhịp tim

Nhịp tim là số lần đập của tim trong 1 phút. Bạn có thể đo nhịp tim khi đang nghỉ ngơi (gọi là “nhịp tim nghỉ ngơi”) hoặc trong khi đang luyện tập (gọi là “nhịp tim luyện tập”). Nhịp đập của tim chính là biểu hiện rõ ràng nhất cho thấy bạn có đang quá sức khi tập luyện không.

Để đo nhịp đập của tim, bạn hãy nhẹ nhàng ấn ngón trỏ và ngón giữa lên mạch máu ở cổ tay. Bạn cần lưu ý là không dùng ngón cái bởi vì ngón cái có nhịp đập riêng của nó. Sau đó hãy đếm số nhịp đập mà bạn cảm nhận được trong vòng 1 phút. Bạn cũng có thể đếm trong 30 giây rồi nhân đôi lên, hoặc đếm trong 10 giây và nhân 6.

Ngoài ra, bạn còn có thể dùng máy đo nhịp tim. Hãy cài đặt máy sao cho nó có chức năng tự động nhắc nhở bạn khi số nhịp đập cao hơn hoặc thấp hơn tiêu chuẩn. 

Cách đo nhịp tim nghỉ ngơi

Thời điểm thích hợp nhất để đo nhịp tim nghỉ ngơi chính là vào buổi sáng sớm khi mới thức dậy, trước khi bước ra khỏi giường và càng tốt hơn nữa khi đêm qua bạn có một giấc ngủ ngon.

Sử dụng phương pháp trên để đo nhịp tim nghỉ ngơi của bạn, ghi nhận lại kết quả sau đó. Có thể bạn cũng sẽ cần kiểm tra nhịp tim trong vài ngày liên tiếp để chắc chắn rằng kết quả đó là chính xác.

Theo như Hiệp hội tim mạch Hoa Kì (AHA), nhịp tim nghỉ ngơi trung bình là khoảng từ 60-80 nhịp/phút.  Tuy nhiên, con số này tăng dần theo tuổi tác và đối với những người tập luyện thể thao với cường độ cao thì nhịp tim nghỉ ngơi sẽ thấp hơn.

Cách đo nhịp tim luyện tập

Sau khi biết được cách đo nhịp tim, bạn có thể bắt đầu đo được nhịp tim luyện tập. Nếu bạn đo theo cách thủ công thì bạn sẽ cần dừng việc tập luyện lại trong thời gian ngắn để lấy được kết quả chính xác, còn nếu bạn dùng máy đo nhịp tim thì bạn có thể vừa tập luyện vừa để mắt đến máy đo.

Nhịp tim lí tưởng cho từng độ tuổi

Bác sĩ có thể giúp bạn xác định được khoảng nhịp đập lí tưởng của tim hoặc bạn cũng có thể dựa trên các hướng dẫn chung theo lứa tuổi để xác định được nhịp đập lý tưởng của chính mình. Cụ thể là:

  • 40-45 tuổi: 88-153 nhịp/ phút;
  • 50-55 tuổi: 83-145 nhịp/ phút;
  • 60-65 tuổi: 78- 136 nhịp/ phút;
  • 70 tuổi trở lên: 75-128 nhịp/ phút.

Theo nghiên cứu, những bài tập cường độ trung bình sẽ đưa đến khoảng nhịp đập thấp, ngược lại những bài tập cường độ cao sẽ cho ra khoảng nhịp tim cao. Lưu ý rằng một số loại thuốc huyết áp có thể làm giảm nhịp đập của tim bạn và ảnh hưởng đến khoảng nhịp tim lý tưởng.

Nếu bạn đang điều trị bằng các loại thuốc tim mạch, hãy hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn về khoảng nhịp tim lý tưởng của mình.

Điều chỉnh cường độ hoạt động của bạn

Một khi bạn đã xác định được nhịp tim tập luyện lý tưởng, thông tin dưới đây sẽ rất cần thiết để bạn có thể kiểm soát được cường độ họat động của mình. Hãy giảm cường độ tập luyện lại nếu nhịp đập của tim nhanh hơn tiêu chuẩn được đưa ra ở phía trên hoặc dựa trên hướng dẫn của bác sĩ. Ngược lại, nếu nó thấp hơn thì hãy tăng cường độ lên để bảo đảm rằng mình đạt được lợi ích tối đa từ việc luyện tập.

Vào những tuần luyện tập đầu tiên, hãy tập một cách nhẹ nhàng thôi và đừng kì vọng quá cao. Sau đó, bạn có thể tăng dần cường độ lên để theo kịp với khoảng nhịp đập lý tưởng.

Các yếu tố khác gây ảnh hưởng đến nhịp tim

  • Nhiệt độ không khí: Khi nhiệt độ và độ ẩm tăng lên, tim sẽ bơm nhiều máu hơn một chút, từ đó mạch đập cũng sẽ tăng lên nhưng không tăng quá 10 nhịp/phút;
  • Tư thế cơ thể: Khi đang nghỉ ngơi, ngồi hoặc đứng thì mạch đập của bạn cũng tương đương nhau. Đôi khi trong 15-20 giây khi bạn mới bắt đầu đứng lên, nhịp đập có thể tăng lên một chút, nhưng chỉ sau vài phút nó sẽ ổn định lại như bình thường;
  • Cảm xúc: Nếu bạn cảm thấy stress, lo lắng hoặc cực kì vui vẻ hay buồn phiền thì lúc này nhịp tim của bạn sẽ tăng lên;
  • Cân nặng: Cân nặng thường ảnh hưởng đến nhịp đập nhưng trong trường hợp bạn thừa cân quá mức thì nhịp tim nghỉ ngơi sẽ cao hơn bình thường nhưng không quá 100 nhịp;
  • Các loại thuốc: Những loại thuốc ngăn cản adrenaline (beta blockers) làm giảm nhịp tim, trong khi liều lượng của thuốc tuyến giáp quá cao sẽ làm tăng nhịp tim của bạn.

Theo dõi nhịp đập của tim là một việc làm rất quan trọng để kiểm soát được tình trạng sức khỏe của cơ thể. Hãy nghe theo các chỉ dẫn trên để giữ cho trái tim của mình luôn khỏe mạnh nhé!

Bạn có thể tham khảo các bài viết sau:

  • Bạn biết gì về bệnh tim?
  • Bệnh tim bẩm sinh ở trẻ em 
  • Bệnh tim và hút thuốc lá ở nam giới 
  • Mối liên hệ giữa stress và bệnh tim 
  • Nghiên cứu về bệnh tim ở phụ nữ 

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!