Những cây ngải họ cúc: Vị thuốc đa năng

Bài thuốc dân gian - 04/18/2024

Ở nước ta, những cây ngải họ cúc (Asteraceae) có nhiều loài, mỗi loài lại có những công dụng khác nhau. Ngoài việc dùng chữa bệnh, có loài còn được dùng làm rau ăn hay gia vị...

Để làm rõ thêm tính đa dạng, đa dụng về các loài của ngải, có thể điểm danh một số loài thường gặp trong họ hàng nhà cúc.

Ngải cứu (Artemisia vulgaris L.)phát triển rất mạnh, được dùng làm thuốc phổ biến hơn cả. Ngải cứu mọc hoang nơi ven đường, bãi ruộng, hầu khắp cả nước, thậm chí trở thành tên gọi của một làng quê: “Làng Hương Ngải”.

Những cây ngải họ cúc: Vị thuốc đa năng

Ngải cứu làm thuốc trị đau bụng kinh, động thai ra máu. Lá non nấu canh cá, tần gà, làm bánh... Lá bánh tẻ phơi khô làm thuốc uống hoặc thuốc cứu.

Lá cây còn gọi ngải diệp, phơi khô, vò nát được thứ bột gọi ngải nhung; lấy giấy bản quấn lại thành điếu gọi “điếu ngải”. Điếu ngải đốt lên, hơ vào chỗ đau hoặc vào các huyệt vị để trị bệnh, gọi là “cứu”. Do đó, cây còn gọi ngải cứu. Theo YHCT, ngải cứu có vị đắng, mùi thơm, tính ấm. Có tác dụng điều hòa khí huyết, trừ hàn thấp, ôn kinh, an thai, cầm máu...

Trị kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh: ngải cứu, ích mẫu, bạch đồng nữ, hương phụ (tứ chế) mỗi vị 12g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần, uống trước bữa ăn 1 giờ. 10-15 thang là 1 liệu trình, uống từ ngày bắt đầu sạch kinh. Uống liên tục vài, ba đợt đến khi bệnh thuyên giảm.

Trị chảy máu tử cung: ngải diệp, hòe hoa, cỏ nhọ nồi, tất cả sao cháy, đồng lượng 12g, a giao 10g. Trừ a giao, các vị còn lại sắc lấy nước, khi nước sắc còn nóng, cắt nhỏ a giao cho vào nước thuốc, quấy đều cho tan, uống ngày 1 thang.

Trị động thai, ra máu: ngải diệp (chích rượu), sa nhân mỗi vị 6g; củ gai (sao vàng) 10g; tía tô, hoàng cầm mỗi vị 12g; tang ký sinh, đỗ trọng mỗi vị 16g. Sắc uống ngày 1 thang.

Những cây ngải họ cúc: Vị thuốc đa năng

Ngải đắng trị đầy trướng bụng, cảm lạnh, sốt cao, ho nhiều.

Ngải đắng còn gọi là ngải áp xanh (Artemisia absinthium L.). Bộ phận dùng làm thuốc là lá và quả.

Theo YHCT, ngải đắng vị đắng, mùi thơm hắc, tính ấm. Có tác dụng lợi tiêu hóa, giảm đau (cơ, dạ dày), hạ sốt, hạ huyết áp, chống ho, trừ giun, sán, điều kinh.

Lưu ý:Không dùng ngải đắng cho phụ nữ có thai.

Trị bụng đầy trướng, ăn uống không tiêu: lá và quả ngải đắng, lá hoắc hương mỗi thứ 12g, gừng tươi 4g hãm hoặc sắc nước uống trước bữa ăn 30 phút, ngày 2 lần.

Trị cảm lạnh, sốt cao, ho nhiều: lá ngải đắng, lá tía tô mỗi thứ 12g; lá bạc hà 10g; gừng tươi 4g. Hãm hoặc sắc nước uống trước bữa ăn 30 phút, ngày 2 lần.

Ngải hoa vàng còn gọi là thanh cao hoa vàng (Artemisia annua L.).

Cây mọc hoang ở các trảng cỏ, các bãi ven sông hoặc gần các núi đá vôi. Hiện được trồng để lấy nguyên liệu làm thuốc; đặc biệt điều chế Artemisinin làm thuốc chống sốt rét. Bộ phận dùng là phần trên mặt đất của cây.

Theo YHCT, ngải hoa vàng có vị đắng, cay, tính hàn. Có tác dụng thanh nhiệt giải thử, trừ rốt rét, lợi tiêu hóa, lợi tiểu, bệnh ngoài da...

Trị lao, sốt rét, mồ hôi trộm: ngải hoa vàng 8-16g. Sắc uống ngày 1 lần.

Trị trẻ em bị phong hàn, sốt cao co giật: ngải hoa vàng tươi 10g, rửa sạch giã nát, thêm nước sôi để nguội vắt lấy nước uống.

Trị ghẻ lở, mụn nhọt: ngải hoa vàng nấu nước ngâm rửa hàng ngày.

Ngải Nhật còn gọi là mẫu hao (Artemisia japonica Thunb.): Cây phổ biến ở một số tỉnh miền núi phía Bắc nước ta. Dùng toàn cây, thu hái vào mùa thu dưới dạng tươi hoặc khô.

Theo YHCT, ngải Nhật vị ngọt, đắng, tính mát. Có tác dụng giải biểu, thanh nhiệt, sát trùng, chỉ huyết. Trị cảm nhiệt, sốt cao, đau đầu; tăng huyết áp, sốt rét. Ngày dùng 10-15g dưới dạng nước sắc.

Ngải đen còn gọi Thanh cao Bắc bộ (Artemisia dubia Wall. ex Besser.): cây thường mọc hoang ở ven đường một số tỉnh miền núi. Bộ phận dùng làm thuốc là phần trên mặt đất của cây, thu hái vào mùa hạ, phơi âm can.

Theo YHCT, ngải đen vị đắng, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, chỉ thống. Lá và cây tươi sao nóng, chườm vào nơi sưng đau trị xương khớp, đau gối, đau lưng...

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!