Trong cuộc họp của Ủy ban Khẩn cấp tại Geneva, Thụy Sĩ ngày 1/2 vừa qua, WHO đã chính thức tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu về vi-rút Zika. Không phải ngẫu nhiên vi-rút Zika lại trở thành mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng như vậy.
Hơn 35 quốc gia và vùng lãnh thổ đang chống chọi với vi-rút Zika
Tháng 5/2015, vi-rút Zika, loại vi-rút từng được phát hiện tại Uganda từ năm 1947, bất ngờ bùng phát tại Brazil. Đến tháng 1/2016, đã có tới 24 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận các trường hợp nhiễm loại vi-rút này. Và chỉ sau đó 1 tháng (tính đến ngày 3 tháng 2/2016), số quốc gia và vùng lãnh thổ phải đối mặt với vi-rút Zika đã lên đến hơn 35 và hiện vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, đến cuối năm 2016, sẽ có tới 4 triệu người trên toàn thế giới nhiễm loại vi-rút này.
Theo ước tính đến cuối năm 2016, sẽ có tới 4 triệu người trên toàn thế giới nhiễm vi-rút Zika (Ảnh minh họa: Internet)
Mới đây nhất, Australia đã xác nhận có 2 trường hợp đầu tiên nhiễm vi-rút Zika là 2 công dân nước này vừa trở về từ Haiti. Một số con muỗi mang vi-rút cũng được phát hiện ở sân bay quốc tế Sydney.
Trong khi đó, Mỹ cũng ghi nhận thêm 1 ca nhiễm vi-rút Zika nghi ngờ lây qua quan hệ tình dục. Trước đó, các nhà khoa học từng tìm thấy vi-rút Zika trong tinh dịch nhưng vẫn chưa đủ bằng chứng để khẳng định loại vi-rút này có thể lây nhiễm qua đường tình dục. Tuy nhiên, các trường hợp nhiễm bệnh nghi ngờ lây qua con đường này ngày càng tăng đang làm dấy lên mối lo ngại về sự bùng phát không thể kiểm soát của vi-rút Zika.
80% các ca bệnh không có biểu hiện lâm sàng
Một trong những lý do khiến vi-rút Zika trở nên đáng lo ngại là có đến 80% các ca bệnh không có biểu hiện lâm sàng, những người nhiễm bệnh không biết mình bị nhiễm vi-rút. Bên cạnh đó, WHO khẳng định triệu chứng của bệnh do vi-rút Zika khá giống với sốt xuất huyết, do đó, gây khó khăn trong việc chẩn đoán.
Thời gian ủ bệnh của vi-rút Zika khoảng 2-12 ngày. Người bị nhiễm vi-rút Zika có thể có các biểu hiện như: sốt nhẹ (38-38,5 độ), mệt mỏi, đau các khớp ở bàn tay, bàn chân, đau cơ, đau mắt, xung huyết kết mạc, phát ban. Một số ít trường hợp có thể xuất hiện tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn, loét niêm mạc. Thông thường, các triệu chứng này khá nhẹ và sẽ hết sau 3-5 ngày. Xét nghiệm máu là cách duy nhất giúp xác định chính xác bệnh nhân có dương tính với vi-rút Zika hay không.
Gần 4.000 trẻ sơ sinh bị dị tật đầu nhỏ ở Brazil
Tính đến thời điểm này, Brazil đang là tâm dịch và là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi vi-rút Zika. Điều đáng nói, kể từ thời điểm bắt đầu bùng phát dịch, số trẻ em sơ sinh bị dị tật đầu nhỏ tại quốc gia này cũng tăng nhanh một cách bất thường. Hiện đã có gần 4.000 trường hợp dị tật đầu nhỏ được ghi nhận, trong đó có 49 trường hợp tử vong.
Trẻ mắc dị tật đầu nhỏ nghi do vi-rút Zika, ở bệnh viện Oswaldo Cruz (Brazi) (Ảnh: Internet)
WHO cho biết hiện chưa có đủ bằng chứng chứng minh hiện tượng trẻ sinh ra với khuôn đầu và não nhỏ bất thường là do vi-rút Zika. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đồng ý rằng, mối quan hệ giữa việc nhiễm vi-rút Zika trong thai kỳ và dị tật đầu nhỏ là rất đáng lo ngại.
WHO đã đưa ra khuyến cáo phụ nữ đang mang thai hoặc có ý định mang thai không nên đến những khu vực đang có dịch. Tại các nước khu vực Nam Mỹ đang bị ảnh hưởng bởi vi-rút Zika, các nhà chức trách cũng cảnh báo phụ nữ nên tạm hoãn việc mang thai.
Mất ít nhất 10 năm để nghiên cứu vắc-xin Zika
Mặc dù Zika đang bùng phát với tốc độ chóng mặt, hiện vẫn chưa có vắc-xin phòng ngừa loại vi-rút này. Các nhà khoa học Mỹ cho biết dự án nghiên cứu vắc-xin Zika đang được quan tâm và đẩy mạnh. Tuy nhiên, việc sản xuất không thể diễn ra trong ‘ngày một ngày hai’, ít nhất phải mất 2 năm để thử nghiệm và gần 10 năm để đưa vào sản xuất hàng loạt.
Mới đây, các nhà khoa học Ấn Độ bất ngờ công bố họ đã bào chế được 2 loại vắc-xin phòng chống vi-rút Zika. Dẫu vậy, việc thử nghiệm 2 loại vắc-xin này trên động vật và người vẫn cần thêm rất nhiều thời gian. Dù sao, đây cũng được xem là tia hi vọng trong bối cảnh cả thế giới đang lao đao vì Zika.
Hà Vân
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!