Những công thức pha chế rượu 'rởm' nguy hiểm

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Rượu giả thường được pha chế theo công thức cồn pha nước lã kèm hương liệu, bày bán tràn lan và là độc dược chết người.

Rùng mình công thức pha chế rượu nguy hiểm

Vừa qua, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã hoàn tất hồ sơ để truy tố đối tượng Lê Minh Hòa về hành vi làm rượu Vodka Hà Nội giả. Theo đó, Hòa mua cồn ngoài chợ về, pha chế rượu rởm theo công thức: 10 lít cồn trộn với 20 lít nước và đường, sau đó sử dụng chai, dụng cụ đóng nắp và dán tem giả lên là hoàn thành sản phẩm rượu với mức chi phí sản xuất rẻ bèo.

Thực tế đây chỉ là trường hợp tiêu biểu trong hàng ngàn vụ việc pha chế rượu ngoại giả diễn ra trên phạm vi cả nước. Theo thống kê của Hiệp hội bia, rượu, nước giải khát Việt Nam (VBA), hàng năm cả nước tiêu thụ khoảng 20 triệu lít rượu, tuy nhiên chỉ có khoảng 20% là rượu có thương hiệu, còn 80% là rượu không có nhãn mác, rượu nấu từ các làng nghề.

Những công thức pha chế rượu 'rởm' nguy hiểm

Hàng năm cả nước tiêu thụ khoảng 20 triệu lít rượu (Ảnh minh họa: Internet)

Có thể thấy tình trạng làm giả, làm nhái rượu đang trở thành một vấn nạn nhức nhối với những thủ thuật tinh vi, người tiêu dùng đã trở thành nạn nhân của rượu giả, một độc dược có thể gây chết người. Hiện nay, rượu giả thường được pha chế theo 2 công thức chính:

- Cồn + nước lã + hương liệu = rượu: Đây là công thức pha chế rượu giả phổ biến hiện nay tại các cơ sở sản xuất rượu tự phát hay thậm chí ngay tại những làng nghề truyền thống chuyên nấu rượu. Thay vì kỳ công, tỉ mẩn nấu ra những loại rượu hảo hạng, để nhanh chóng và tiết kiệm chi phí, người ta thường sử dụng cồn công nghiệp pha với nước lã và đường để tạo ra rượu ngoại xịn.

- Rượu đế + nước màu = Rượu ngoại: Nhiều cơ sở sản xuất khác lại pha chế rượu giả bằng cách lấy đường cát trắng nấu thành nước màu giống rượu ngoại thật rồi pha với rượu đế lẫn 1 cốc rượu ngoại thật để tạo hương vị. Chi phí đầu vào rẻ nhưng khi những loại rượu ngoại giả này bán ra thị trường với giá cao ngất ngưởng.

Rượu giả - độc dược gây chết người

Theo nhiều nghiên cứu hiện nay, các loại cồn công nghiệp được sử dụng để sản xuất rượu giả chứa nhiều thành phần độc hại, trong đó có hàm lượng aldehyt, methanol cao, giá thành rẻ, gây nên nhiều tác động nguy hại cho sức khỏe.

- Ngộ độc rượu: Chỉ cần 20mg/l methanol có trong máu là gây ra ngộ độc với các triệu chứng thường gặp như: Hoa mắt, chóng mặt, đau đầu. Nếu không phát hiện kịp thời, càng để lâu sẽ dẫn đến tình trạng tụt huyết áp, hôn mê sâu, thậm chí có thể tử vong.

- Nguy cơ mù lòa cao: Hàm lượng ethanol có trong rượu giả cao, được hấp thụ nhanh khi vào cơ thể, chuyển hóa thành formaldehyde hay formic a-xít. Những chất này đều gây độc cho thận, gan, dẫn đến viêm gan nhiễm độc, suy thận cấp. Khi uống những loại rượu giả lâu ngày có thể dẫn đến mờ mắt rồi bị mù lòa.

- Gây mất trí: Nhiều trường hợp khi uống phải rượu tự chế, không đảm bảo an toàn bị rối loạn tâm thần, rơi vào trạng thái luôn bị kích động mạnh, co giật liên tục, hệ thần kinh trung ương bị tổn thương nặng nề, có thể gây mất trí.

- Tử vong cao: Theo tổ chức Y tế thế giới WHO, hàng năm trên thế giới có 2,5 triệu người chết vì rượu. Trong đó tại Việt Nam, con số người nhập viện vì uống rượu giả không phải là ít và thường dẫn đến tử vong do ngộ độc rượu nặng, không được cứu chữa kịp thời.

Cách nhận biết rượu ngoại thật - giả

Những công thức pha chế rượu 'rởm' nguy hiểm

Nhãn mác chai rượu giả thường bị trầy xước hay bị bong ra, tem chống giả lại dễ bị bóc tách (Ảnh minh họa: Internet)

- Mức độ rượu trong chai: Rượu giả được làm thủ công, mức rượu ở trong chai thường không đồng đều nhau. Rượu thật được sản xuất công nghiệp, đóng chai tự đông nên mức rượu trong chai đều nhau.

- Kiểm tra nhãn mác, tem chống giả: Nhãn mác chai rượu giả thường bị trầy xước hay bị bong ra, tem chống giả lại dễ bị bóc tách, khi soi ánh đèn huỳnh quang, không thấy nổi lên thương hiệu in chìm ở trên tem.

- Quan sát đáy chai: Một số loại rượu khi làm giả, thường khoan một lỗ rất nhỏ dưới đáy chai để bơm rượu giả vào. Khi mua, bạn nên quan sát kĩ dưới đáy chai, nếu có dấu vết lạ thì không nên mua.

- Kiểm tra nồng độ cồn: Bạn đổ ít rượu vào lòng bàn tay, xoa đều tay rồi đưa lên mũi ngửi. Nếu có mùi sốc của cồn thì đó là rượu pha chế. Rượu giả thường có vị đắng, khi uống cảm giác gắt miệng, đau đầu.

Cách tốt nhất để tránh mua phải rượu giả, bạn nên mua ở những cửa hàng uy tín, có thương hiệu, tránh sử dụng rượu tùy ý tại các hàng quán không đảm bảo chất lượng, an toàn.

>>> Xem thêm: Cồn+ nước lã = rượu Vodka xịn?!

Hồng Nam

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!