Những điều bạn cần biết về thuốc Adrenalin

Sơ cứu & Phòng ngừa - 11/24/2024

Thuốc Adrenalin được dùng trong trường hợp khẩn cấp để điều trị các dị ứng nghiêm trọng do vết đốt/cắn của côn trùng, dị ứng với thực phẩm,...

Thuốc Adrenalin được sử dụng trong trường hợp khẩn cấp để điều trị các phản ứng dị ứng nghiêm trọng do vết đốt/cắn của côn trùng, dị ứng với thực phẩm, thuốc hoặc các chất khác.

Adrenalin có tác dụng nhanh chóng để cải thiện hơi thở, kích thích tim, tăng huyết áp, chống phát ban và làm giảm phù ở mặt, môi và cổ họng.

Chỉ định

  • Hồi sức tim phổi;
  • Cấp cứu choáng phản vệ;
  • Cơn hen ác tính (phối hợp với các thuốc khác như glucocorticoid, salbutamol);
  • Glôcôm góc mở nguyên phát (đây là một bệnh của đầu dây thần kinh thị giác tiến triển mãn tính đặc trưng bởi tổn hại thị trường, lõm gai thị và thường liên quan đến một tình trạng nhãn áp cao);
  • Việc chỉ định và sử dụng Adrenalin phải theo hướng dẫn của bác sĩ.

Chống chỉ định

  • Người bệnh bị gây mê bằng Cyclopropan, Halothan hay các thuốc mê nhóm Halothan vì nếu sử dụng, bệnh nhân có thể bị rung tâm thất;
  • Người mắc bệnh cường giáp chưa được điều trị;
  • Người bị bệnh tim mạch, tăng huyết áp;
  • Người bệnh bí tiểu do tắc nghẽn;
  • Người bệnh bị glôcôm góc hẹp, người bệnh có nguy cơ bị glôcôm góc đóng.

Thận trọng

Có một số lưu ý khi sử dụng Adrenalin mà bạn bắt buộc phải tuân theo:  

  • Bạn tuyệt đối không được tiêm trực tiếp Adrenalin chưa được pha loãng vào tĩnh mạch;
  • Người bệnh quá nhạy cảm với Adrenalin, nhất là người bị cường giáp không nên sử dụng thuốc;
  • Người mắc các bệnh tim mạch (thiếu máu cục bộ cơ tim, loạn nhịp hay nhịp nhanh), bệnh mạch máu có tắc nghẽn (xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, phình động mạch);
  • Người bệnh đang dùng glycosid tim, quinidin, thuốc chống trầm cảm ba vòng;
  • Bạn không nên nhỏ Adrenalin quá nhiều vào mũi, vì điều đó có thể gây ra phản ứng sung huyết và tăng chảy nước mũi;
  • Bạn không được nhỏ dung dịch Adrenalin vào mắt người bệnh bị glôcôm góc hẹp hoặc người bệnh có nguy cơ bị glôcôm góc đóng.

Thời kỳ mang thai

Adrenalin được chứng minh là có thể đi qua nhau thai vào cơ thể thai nhi với một lượng rất ít. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy rằng thuốc không có tác dụng gây dị dạng thai nhi.

Thời kỳ cho con bú

Adrenalin được coi là an toàn đối với phụ nữ đang cho con bú.

Tác dụng phụ

Thường gặp

  • Nhức đầu, mệt mỏi, đổ mồ hôi;
  • Nhịp tim nhanh, tăng huyết áp, hồi hộp;
  • Run, lo âu, chóng mặt;
  • Tiết nhiều nước bọt.

Ít gặp

  • Loạn nhịp thất;
  • Kém ăn, buồn nôn, nôn mửa;
  • Sợ hãi, bồn chồn, mất ngủ, dễ kích thích;
  • Bí tiểu;
  • Khó thở.

Hiếm gặp

  • Xuất huyết não, phù phổi (do tăng huyết áp), hoại thư (do co mạch), loạn nhịp tim, đau thắt ngực, tụt huyết áp, chóng mặt hoa mắt, ngất xỉu, ngừng tim, hoại tử mô (do Adrenalin thoát ra ngoài mạch máu khi tiêm);
  • Lú lẫn, rối loạn tâm thần;
  • Rối loạn chuyển hóa, nhất là chuyển hóa glucose.

Bạn nên đọc kỹ những điều cần thiết khi dùng thuốc. Hy vọng Hello Bacsi đã cung cấp cho bạn nhiều kiến thức bổ ích.

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • Xử trí vết thương do côn trùng đốt đúng cách
  • Phòng ngừa cao huyết áp bằng cách ăn sữa chua mỗi ngày
  • Dùng đúng thuốc chống côn trùng để bảo vệ con mùa mưa

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!