Những điều cần biết về quy trình xét nghiệm vú

Sống Khỏe - 12/22/2024

Tìm hiểu về quy trình xét nghiệm vú trên Hello Bacsi để giải tỏa nghi ngại về thủ thuật khám lâm sàng này xoay quanh việc bảo vệ cơ thể khỏi ung thư vú. 

Nhiều chị em phụ nữ cảm thấy e ngại và không muốn đi khám hoặc xét nghiệm lâm sàng vú. Tuy nhiên, nếu phát hiện các triệu chứng bất thường, xét nghiệm này là cần thiết và hoàn toàn quan trọng. Những thông tin cung cấp dưới đây có thể phần nào giúp bạn giải tỏa nghi ngại về thủ thuật khám lâm sàng này.

Xét nghiệm vú là gì?

Xét nghiệm vú lâm sàng (clinical breast exam – CBE) là một bài kiểm tra y tế vú tổng quát thực hiện bởi một chuyên gia y tế. Xét nghiệm này được sử dụng cùng với chụp X – quang vú để kiểm tra xem bạn có bị ung thư vú hay không. Cách xét nghiệm này cũng được sử dụng để kiểm tra các vấn đề về vú khác.

Xét nghiệm vú lâm sàng có thể là một phần của kiểm tra sức khỏe định kỳ. Hãy nói chuyện với chuyên gia sức khỏe của bạn về khoảng thời gian định kỳ bạn cần để xét nghiệm vú.

Phụ nữ đã từng phẫu thuật ngực cũng cần phải xét nghiệm vú lâm sàng định kỳ.

Tại sao bạn cần xét nghiệm vú?

Xét nghiệm vú lâm sàng được thực hiện để:

  • Tìm kiếm khối u hoặc những biến đổi bất thường ở vú để phát hiện các dấu hiệu lạ đang xuất hiện, chẳng hạn như ung thư vú.
  • Kiểm tra các vấn đề khác về vú để điều trị, chẳng hạn như viêm vú hay u sợi tuyến vú.

Khoảng bao lâu bạn nên xét nghiệm vú định kỳ một lần?

Bạn nên xét nghiệm vú 1 – 3 năm/ 1 lần bắt đầu từ năm 20 tuổi và mỗi năm một lần khi bạn bước vào độ tuổi 40. Tuy nhiên, nếu gia đình bạn từng có tiền sử bị ung thư vú, bạn nên đi kiểm tra thường xuyên hơn.

Bạn cần chuẩn bị gì?

Hãy cho bác sĩ hoặc chuyên viên phụ khoa biết nếu bạn:

  • Có một khối u mới hoặc có sự biến đổi bất thường ở ngực của mình. Điều này bao gồm sự thay đổi trong hình dạng nhũ hoa hoặc có tiết dịch từ nhũ hoa;
  • Một số phụ nữ vốn dĩ có nhũ hoa bị lún vào, được gọi là tụt nhũ hoa, điều đó hoàn toàn bình thường. Nhưng nếu bạn chưa tùng có hiện tượng tụt nhũ hoa nhưng đột nhiên mắc phải hiện tượng này, hãy nói ngay cho bác sĩ biết;
  • Bị đau ở một bên vú, đặc biệt là nếu cơn đau không liên quan đến kì kinh nguyệt của bạn;
  • Đang mang thai hoặc đang cho con bú;
  • Từng phẫu thuật ngực;
  • Từng sinh thiết vú;
  • Bước vào thời kỳ mãn kinh;
  • Đang sử dụng liệu pháp hormone;
  • Nếu gia đình từng có tiền sử bị ung thư vú, tốt nhất là bạn nên xét nghiệm 1 – 2 tuần sau khi kết thúc kỳ kinh nguyệt để bác sĩ phát hiện sớm các mầm mống của ung thư.

Hãy nói chuyện với chuyên gia sức khỏe của bạn về bất kỳ mối lo lắng nào mà bạn nghĩ rằng cần phải được xét nghiệm, cũng như những rủi ro hoặc ý nghĩa của các kết quả xét nghiệm.

Quy trình xét nghiệm vú như thế nào?

Trước khi kiểm tra ngực, bác sĩ sẽ hỏi những câu hỏi chi tiết về tiền sử sức khỏe của bạn, bao gồm cả kinh nguyệt và quá trình mang thai. Câu hỏi có thể bao gồm bạn bắt đầu có kinh nguyệt vào năm bao nhiêu tuổi hoặc nếu bạn có con, bạn sinh con đầu lòng vào lúc nào.

Một buổi xét nghiệm vú kỹ lưỡng sẽ được thực hiện sau đó. Trong quá trình xét nghiệm, bạn cần phải cởi áo. Bác sĩ sẽ quan sát xem ngực bạn có những thay đổi về kích thước, hình dạng, độ cân xứng hay không. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu bạn nâng cánh tay lên khỏi đầu, đặt tay lên hông hoặc nghiêng người về phía trước để kiểm tra.

Khi bạn nằm ngả lưng và vòng tay ra sau đầu, bác sĩ sẽ kiểm tra vú của bạn với các miếng đệm trên ngón tay để phát hiện khối u hoặc những thay đổi khác. Vùng dưới của hai cánh tay cũng sẽ được xem xét.

Bác sĩ sẽ ấn nhẹ xung quanh núm vú của bạn để kiểm tra xem có bất kỳ dịch tiết nào không. Mẫu thử sẽ được giữ lại và kiểm tra dưới kính hiển vi.

Nếu có bất kỳ thắc mắc hay đề nghị nào, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên viên y tế để được có giải đáp tốt nhất.

Bạn cũng có thể tìm hiểu thêm: Chụp MRI vú, Sinh thiết vú lập thể là gì?

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!